Thành phố Hải Phòng đang xúc tiến quản lý hệ thống thoát nước theo mô hình quản lý mô phỏng ngập lụt, từ đó đề xuất giải pháp ứng phó khi sự cố xảy ra.
Tóm tắt
Mạng lưới thoát nước (MLTN) là một trong những công trình hệ thống kỹ thuật (HTKT) quan trọng để bảo vệ môi trường thành phố. Để đảm bảo hệ thống thoát nước thành phố hoạt động tốt thì việc quản lý MLTN là vấn đề quan trọng tránh gây ra tắc đường, úng ngập, ô nhiễm môi trường cho khu vực phố trung tâm, đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của cư dân khu trung tâm và tác động ngược lại vùng lân cận. Phần lớn các ảnh hưởng này là do chính con người tạo ra một cách có hệ thống từ đơn vị quản lý nhà nước, quản lý hành chính, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác vận hành, v.v. đã không kịp đáp ứng với tốc độ đô thị hóa.
Khu vực đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng có mạng lưới thoát nước cống chung, thành phố sát biển nên khi có mưa lớn và triều cường, các tuyến phố của thành phố rất dễ ngập úng kéo dài.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần nghiên cứu và giải bài toán thoát nước một cách có hệ thống từ khâu tổ chức, quản lý, điều phối đến giải pháp, công nghệ, xử lý sự cố và quản lý vận hành, bảo trì và tái đầu tư bền vững.
Từ khóa:Hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới thoát nước, hệ thống thông tin quản lý, tái cấu trúc, sát nhập, cải tạo sửa chữa.
Summary:
Drainage network (MLTN) is one of the important technical systems (HTKT) to protect the city’s environment. In order to ensure the city’s drainage system works well, the management of wastewater is an important issue to avoid causing traffic jams, flooding, and environmental pollution in the downtown area, which has greatly affected people’s lives. of residents in the central area and the negative impact on the neighborhood. Most of these influences are systematically created by people from state management units, administrative management, construction investment management, exploitation and operation management, etc. has not kept up with the speed of urbanization. Hai Phong city center urban area has a common sewerage network, the city is close to the sea, so when there is heavy rain and high tide, the city’s streets are easy to flood for a long time. To solve this problem, we need to study and solve the problem of drainage systematically from organization, management, coordination to solutions, technology, troubleshooting and operation management. sustainable maintenance and reinvestment. Keywords: Technical infrastructure, drainage network, management information system, restructuring, merger, renovation and repair.
Keywords: Technical infrastructure, drainage network, management information system, restructuring, merger, renovation and repair.
1. Khái quát chung
Mạng lưới thoát nước là một phần không thể thiếu của thành phố hiện đại, chức năng chính của MLTN là đưa nước thải đô thị đến các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) để xử lý. Hoạt động đời sống bình thường của người dân đô thị phụ thuộc vào độ tin cậy và khả năng quản lý của các Xí nghiệp và Công ty Môi trường trong khu vực. Một thay đổi lớn cho sự phát triển của ngành, đó là các phát minh tính toán thủy lực, các cơ sở dữ liệu biên soạn tiêu chuẩn thiết kế và các mô hình cấu tạo mạng lưới, v.v. đã được thiết lập, phần lớn các thành công này là từ các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.
Ở Việt Nam đang tồn tại các mạng lưới thoát nước sau: MLTN chung (nước thải sinh hoạt, sản suất và nước mưa chảy chung trong một mạng lưới đường ống thoát nước; MLTN riêng (nước mưa thoát riêng không chung với nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt). Việc quản lý MLTN tại Việt Nam đang thực hiện theo một số hình thức sau: Quả trị tài sản; Quản lý bằng công nghệ thông tin; Quản lý bằng mô hình Citywork (Công ty eK); quản lý bằng mô hình GIS; v.v.
Về quản lý nhà nước về hệ thống thoát nước (HTTN) tại Việt Nam: Chính phủ ban hành các nghị định, Bộ Xây dựng ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định, các Bộ, ngành và cơ quan ngang bộ khác cùng phối hợp quản lý theo chức năng và nhiệm vụ được Chính phủ giao. Các UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý HTTN trên địa bàn của mình. Dưới UBND cấp tình là các Sở và các đơn vị quản lý trực tiếp HTTN trên địa bàn.
Đối với các công ty được giao Quản lý MLTN, thường là các Công ty TNHH MTV với 100% vốn nhà nước. Hiện nay, một số tỉnh thành đang có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước này.
Các doanh nghiệp nhà nước trực tiếp quản lý HTTN của địa bàn được giao trên cơ sở nguồn kinh phí cấp hàng năm dựa trên chiều dài đường ống quản lý và các công trình khác trên hệ thống thoát nước.
Đối với HTTN thành phố Hải Phòng, hiện đàn được chia nhỏ theo từng khu vực để quản lý như: Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Công trình công cộng và Dịch vụ DL Hải Phòng, Công ty cổ phần Công trình công cộng và Xây dựng Hải Phòng là ba đơn vị quản lý khu vực trung tâm thành phố; Còn lại các Hạt quản lý đường bộ sẽ quản lý các thị trấn, xã của các huyện. Sự chia vùng quá nhỏ quản lý HTTN của Hải Phòng đã tạo điều kiện cho sự không thống nhất, không đồng bộ trong việc duy tu bảo trì HTTN. Hệ lụy của sự quản lý vận hành không đồng bộ là sự không thống nhất trong quản lý vận hành và đầu tư cho hệ thống thoát nước. Ví như khu vực do công ty này quản lý thì được cải tạo, vận hành tốt và cũng ngay bên cạnh do công ty khác quản lý lại là khu vực không được đầu tư. Việc đầu tư không đồng bộ này sẽ làm ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, hạn chế nhau, và kéo theo các hệ lụy về úng ngập, tắc nghẽn ngay sau một vài trận mưa kết hợp triều cường, cũng có thể sau 1 vài năm sử dụng.
Sau nhiều năm nghiên cứu, thu thập dữ liệu về sự phát triển, sự thay đổi của các đơn vị quản lý HTTN trên địa bàn thành phố Hải Phòng, so sánh và phân tích các dữ liệu từ pháp lý, từ quản lý nhà nước, về đầu tư công, đầu tư từ nguồn vốn ODA, v.v. cho hệ thống thoát nước đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng về các hướng nghiên cứu khác nhau. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng một số mô hình quản lý khác nhau về HTTN của thành phố như: Mô hình quản lý thông tin sự cố, Mô hình thông tin quản lý, Mô hình xử lý sự cố MLTN (chống lũ lụt, chống ăn mòn), Mô hình quản lý thoát nước bền vững (SuDS), .v.v. theo các nguyên tắc quản lý chung như sau: Nhiệm vụ của công tác quản lý kỹ thuật hệ thống cấp thoát nước đô thị là thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo vận hành khai thác các công trình cấp thoát nước một cách liên tục theo các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật quy định; Cán bộ và công nhân vận hành hệ thống cấp thoát nước cần phải nắm vững quy trình công nghệ và tính năng hoạt động của các công trình và nguyên tắc an toàn lao động khi quản lý hệ thống cấp thoát nước; Các cơ quan trực tiếp quản lý hệ thống cấp thoát nước cần phải nghiên cứu chế độ làm việc của toàn bộ hệ thống, phân tích ưu nhược điểm của công trình, đặc tính kỹ thuật khi hoạt động của các công trình và so sánh với thiết kế. Kết quả nghiên cứu xem xét phải báo cáo lên cấp trên.
Theo một hướng phân tích khác, các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý MLTN đô thị trung tâm Tp. Hải Phòng như sau: Yếu tố kinh tế xã hội, văn hóa địa phương, thói quen sử dụng hàng ngày; Yếu tố điều kiện tự nhiên: Mưa lớn, triều cường, ngập úng, lũ lụt, sự cố thoát nước, v.v.; Yếu tố hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ; Yếu tố trình độ kỹ thuật của các nhân viên công ty chưa đáp ứng kịp yêu cầu công nghệ, yêu cầu kỹ thuật về thoát nước; Yếu tố cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, điều hành, phân công công việc.
Để có kết quả nghiên cứu có tính thực tế cao, tác giả đã so sánh với một số bài học kinh nghiệm về quản lý HTTN của một số nước trên thế giới như: Tại Đan Mạch (Sử dụng các mô hình quản lý của một số nước đã áp dụng và thành công, ứng dụng vào quản lý trong các đô thị của Đan Mạch); Tại Hà Lan (là vùng đất thấp, có tới 2/3 vùng đất có nguy cơ ngập lụt cao, nên Hà Lan là nước tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng các mo ohinfh quản lý, mô hình chống ngập hiện đại và có quy mô vĩ đại kết hợp khai thác năng lượng sạch); Tại Nhật Bản (đất nước đô thị hóa rất nhanh trong thế kỷ 20 với hệ thống thoát nước chung, các công trình XLNT được xây dựng đồ sộ, quy mô lớn, những trạm bơm khổng lồ với công suất tới 20m3/s đã điều tiết rất nhanh các điểm có nguy cơ, những điểm sự cố ddowcj xử lý nhanh chóng); Tại Singapo (đất nước có diện tích nhỏ, dân số ít, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được Chính phủ quan tâm ngay từ đầu trước khi xây dự các công trình bên trên).
Trên cơ sở dữ liệu và phân tích như trên, ta thấy MLTN các nước phát triển đã có hàng trăm năm trước đây, nhưng đến nay vẫn hoạt động tốt, nhờ các bài học kinh nghiệm sau: Công nghệ vật liệu đường ống thoát nước tốt; Vận hành, bảo dưỡng MLTN đảm bảo cho hoạt động của MLTN tối ưu; Áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong thiết kế, vận hành bảo dưỡng MLTN; Mô hình tổ chức quản lý tiên tiến; Vấn đề xã hội hoá MLTN được quan tâm đúng mức, dẫn đến ý thức sử dụng HTTNT của dân cư đô thị được nâng cao; Vấn đề đầu tư cho công tác xây dựng và sửa chưa MLTN được quan tâm đặc biệt.
Mặt khác, tại Việt Nam cũng có một số kinh nghiệm đáng kể trong việc quản lý HTTN đô thị: MLTN hiện có ở các đô thị nước ta từ loại IV trở lên là mạng lưới cống chung gồm ống bê tông đúc sẵn, mương gạch đậy nắp đan bê tông, mương đất hở, các kênh mương và hệ thống ao, hồ điều hoà. Mạng lưới cống được xây dựng tuỳ tiện không theo quy hoạch phát triển của đô thị, nhiều đoạn cống có tiết diện nhỏ hơn yêu cầu lại không được bảo dưỡng nên khả năng làm việc kém, cần được thay thế, sửa chữa, nâng cấp kịp thời. Phần lớn các đoạn cống và mương không có độ dốc phù hợp để tự làm sạch và không có thiết bị để tránh bốc mùi khi thời tiết khô.
Mức độ bao phủ của dịch vụ thoát nước chưa được điều tra khảo sát cụ thể, nhưng theo ước tính của các chuyên gia Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ XD) và Hội Cấp thoát nước Việt Nam bình quân vào khoảng 30÷40%.
Tại thành phố Nha Trang, đầu tư hệ thống điều khiển tự động (SCADA) cho toàn bộ mạng lưới thoát nước, các trạm bơm và nhà máy XLNT nhằm tối ưu hóa công tác quản lý vận hành, tiết kiệm điện năng và nhân lực.
Tại Vũng Tàu, là thành phố đầu tiên trong cả nước khắc phục được tình trạng mùi hôi từ các hố ga thoát nước tỏa ra bằng hệ thống ngăn mùi kiểu mới. Vũng Tàu cũng có “rôbốt” nạo vét cống ngầm khiến thành phố này không bị ngập úng. Đây là 2 trong số 12 “sáng tạo khoa học- công nghệ Việt Nam” năm 2006.
Tại Hà Nội, MLTN thành phố hiện đang cũ, yếu kém, khả năng thu nước mưa lẫn nước thải đều hạn chế, nhiều khu vực chưa có đường cống. Đặc biệt hơn, hệ số phục vụ đường cống thoát nước chỉ chiếm khoảng 65÷70% tổng chiều dài đường phố và tập trung chủ yếu trong khu vực phố cũ. Điều này cho thấy cứ mưa lớn là Hà Nội lại ngập. Hiện nay đang khắc phục bằng cách Xây hồ điều hòa, trạm bơm nước mưa, cấm lấp các kênh mương hồ ao, v.v.; Cải tạo các đường cống thoát nước mưa; Khuyến khích phát triển mô hình đô thị sinh thái.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, là vùng đất thấp, tới 25% các vùng đất có cao độ thấp hơn 2m so với mực nước biển. Do đó, thành phố phải chú ý tính đồng bộ phát triển hạ tầng kỹ thuật, không riêng gì việc chống ngập. Về tổ chức, công tác chống ngập được UBND thành phố giao cho nhiều cơ quan, ban ngành thực hiện. Các giải pháp chống ngập do các ngành chức năng đã và đang thực hiện chưa phát huy được tác dụng, người dân thành phố cần có những biện pháp của riêng mình để thích ứng với hoàn cảnh, giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra.
Tại thành phố Hải Phòng, việc quản lý chung HTTN của các vùng chưa đồng bộ. Các đơn vị được giao quản lý đang tập trung vào Quản lý, duy tu, sửa chữa, thông nạo vét toàn bộ MLTN đô thị Hải Phòng bao gồm: Giếng thu nước thải, hố ga, mương thoát nước, cống ngăn triều, hồ điều hoà, trạm bơm thoát nước, trạm xử lý bùn, nhà máy xử lý nước thải. Thành phố đang xúc tiến quản lý HTTN theo Mô hình quản lý mô phỏng ngập lụt, từ đó đề xuất giải pháp ứng phó khi sự cố xẩy ra. Tuy nhiên, khi mưa lớn kết hợp triều cường thì việc ngập cục bộ hay ngập diện rộng vẫn thường xuyên xẩy ra. Việc này chứng tỏ phương pháp quản lý ứng dụng mô hình hiện nay chưa phát huy hiệu quả.
2. Các giải pháp đã nghiên cứu và đề xuất
Về quan điểm, giải pháp nghiên cứu tuân theo quy hoạch chung của thành phố về Quy hoạch thoát nước thải thành phố Hải Phòng (QĐ số 626/QĐ-UBND), Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt thành phố Hải Phòng (QĐ số 510/QĐ-UBND).
Về nguyên tắc đề xuất, giải pháp có tính đồng bộ cao, phân kỳ đầu tư nếu kinh phí hạn chế; Tuân thủ các nguyên tắc thiết kế, quản lý, vận hành bảo trì công trình; Hạn chế thu hẹp mặt nước; Quản lý vận hành chuyên nghiệp; Thu giá thoát nước để tái đầu tư bần vững, giảm gánh nặng ngân sách; Khuyến khích cộng đồng tham gia vào hệ thống quản lý, khai thác vận hành HTTN.
Sau khi nghiên cứu, tác giả đề xuất các giải pháp sau:
Đề xuất giải pháp kỹ thuật quản lý MLTN đô thị trung tâm TP. Hải Phòng
Giải pháp quản lý thông tin sự cố trên cơ sở nâng cao độ tin cậy trong hoạt động thoát nước.
Giải pháp thông tin quản lý sự cố MLTN bằng phương pháp giảm tiếp xúc ăn mòn khí sinh học.
Giải pháp quản lý MLTN bằng mô hình hệ thống thông tin (HTTT) quản lý bằng: Hệ thống giám sát thời gian thực; Bằng Mô hình hệ thống quản lý thông minh (Gồm: Xác định nhu cầu thực; Xác định các nguồn cung cấp thông tin; Xây dựng hệ thống thông tin; Tiến hành thu thập và xử lý thông tin; Dự báo diễn biến của các yếu tố môi trường; Tổng hợp kết quả phân tích và dự báo môi trường).
Giải pháp cải tạo MLTN đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng.
Giải pháp cải tạo, nâng cấp, mở rộng MLTN khu phố cũ.
Giải pháp cải tạo các sông, hồ điều hòa khu vực đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng: Cải tạo và quản lý các hồ điều hòa; quản lý các hồ điều hòa; quản lý các trạm bơm nước thải; cải tạo các sông, kênh mương, hồ nước; quản lý chất lượng nước thải trong MLTNT.
Giải pháp ngăn triều xâm nhập vào MLTN khu vực đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng.
Đề xuất giải pháp quản lý nhà nước (QLNN) MLTN khu vực đô thị trung tâm TP. Hải Phòng
Đề xuất đối với cơ quan quản lý nhà nước: Đối với Chính phủ (Sớm tổ chức xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật cấp thoát nước cho phù hợp với môi trường và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam); Đối với các Bộ, ngành (Các Bộ, ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng thực hiện các công tác QLNN theo đúng Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt, quy hoạch thoát nước thải thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050); Đối với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng (UBND ban hành và có phương án công khai Đồ án quy hoạch thoát nước, cao độ nền và thoát nước mặt tới các lưu vực trong thành phố, thúc đẩy các chính sách thu hút đầu tư xây dựng như BT, BOT đặc biệt là hình thức PPP, nhằm hiện thực hóa các kế hoạch thoát nước trong đồ án quy hoạch); Đối với Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng (Tham mưu giúp UBND thành phố thực hiện QLNN về các hoạt động thoát nước trên địa thành phố, xây dựng và áp dụng quy định quản lý đô thị, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy hoạch thoát nước tại các quận, huyện); UBND các Quận, huyện (Đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các hoạt động liên quan đảm bảo việc thực hiện đúng Quy hoạch đã được duyệt trên địa bàn được phân cấp quản lý); Cơ quan chuyên trách quản lý thoát nước (Có trách nhiệm quản lý MLTN theo các quy định Pháp luật. Từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản lý thoát nước; trực tiếp quản lý các công trình liên quan đến MLTN để chủ động phục vụ công tác tiêu thoát nước đô thị theo quy hoạch); Sự tham gia của cộng đồng (Thực hiện chức năng giám sát về đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động thoát nước).
Đề xuất giải pháp bổ sung, sửa đổi sơ đồ tổ chức ứng dụng mô hình thông tin quản lý MLTN Tp Hải Phòng: Sửa đổi, bổ sung Bộ phận Kiểm toán nội bộ, Phòng Quản lý thông tin vào Mô hình tổ chức Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng; Căn cứ Điều 201,Luật doanh nghiệp 2020 quy định về sáp nhập công ty, tác giả đề xuất 2 giải pháp tái cơ cấu tổ chức quản lý HTTN như sau: i) Sáp nhập 3 công ty cùng quản lý MLTN thành phố Hải Phòng, ii) Điều chỉnh ngành nghề kinh doanh quản lý HTTN tập trung cho Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng quản lý, khai thác, vận hành.
Đề xuất giải pháp bổ sung một số chính sách quản lý MLTN cho khu vực đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng.
Đề xuất ứng dụng mô hình thông tin quản lý MLTN tại một số thành phố, khu đô thị lớn có cùng điều kiện.
Kết luận
Trên cơ sở dữ liệu quy hoạch MLTN đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng, tác giả đề xuất các giải pháp kỹ thuật về HTTT quản lý các sự cố trên cơ sở độ tin cậy của mạng lưới, đề xuất mô hình HTTT quản lý thông minh trên cơ sở dữ liệu thống nhất, đề xuất giải pháp cải tạo MLTN khu đô thị cũ bằng công nghệ khoan kích ngầm, thay thế hệ thống HTKT bằng tuynels, giải pháp cải tạo và quản lý các sông và hồ điều hòa, giải pháp ngăn triều, nhằm tăng cường tính hiệu quả trong công tác quản lý, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, giảm úng ngập, giảm tắc nghẽn đường cống và úng lụt trên địa bàn đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng. Đây là một vấn đề cấp thiết và có tính thực tế cao.
Ngoài ra, tác giả đề xuất giải pháp quản lý nhà nước đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, UBND thành phố Hải Phòng, Sở XD và các sở có liên quan, để có một hệ thống QLNN thống nhất, thông suốt và có tính pháp lý cao từ giai đoạn đầu tư, xây dựng đến khai thác vận hành, bảo dưỡng và tái đầu tư bền vững.
Đối với các Công ty quản lý trực tiếp MLTN, tác giả cũng đề xuất các phương án tái cấu trúc doanh nghiệp, cải cách sơ đồ tổ chức, đề xuất nhân sự nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì và bảo dưỡng MLTN khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Văn Hiểu, Phạm Văn Vượng (2018), Quản lý bể chứa và hồ điều hoà nước mưa, Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 31-T8/2018. ISSN: 1859-350X.
2. Phạm Văn Vượng (2018), Thực trạng quản lý mạng lưới thoát nước thải, Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, số 30-2018. ISSN: 1859-350X.
3. Phạm Văn Vượng (2016), Giải pháp chống úng ngập cho Hà Nội, Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam, số 6 (110)-2016. ISSN: 1859-3623.
4. Vũ Văn Hiểu, Phạm Văn Vượng (2019), Tài liệu giảng dậy: Vận hành, bảo dưỡng mạng lưới thoát nước, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, tháng 4/2019.
5. Phạm Văn Vượng, Vũ Văn Hiểu (2021), Tài liệu tham khảo – Quản lý tổng hợp nguồn nước, Nhà xuất bản xây dựng, Hà Nội, quý IV/2021.
Phạm Văn Vượng – Viện KHCN Xây dựng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Một góc Hải Phòng nhìn từ trên cao. Ảnh TL