Giải pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất

Mặc dù thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhưng lũ quét, sạt lở đất… vẫn gây thiệt hại nặng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Thực tế này đòi hỏi các địa phương cần có giải pháp sát thực hơn trong công tác phòng, chống thiên tai.

Các tỉnh miền Trung chủ động phòng chống lũ quét và sạt lở đất

Dù chưa phải là thời kỳ trọng điểm của mùa mưa lũ năm 2019 nhưng 5 tháng vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc liên tiếp bị thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, trong 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn 18 tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra 63 trận dông, lốc, kèm theo mưa đá, lũ quét, sạt lở đất… làm 18 người chết và mất tích, 6 người bị thương, 90 ngôi nhà và 267ha lúa bị hư hỏng, sạt lở 1,1km kênh mương và 10.510m3 đất, đá đường giao thông.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, ngoài nguyên nhân địa hình, địa chất phức tạp, thời tiết ngày càng cực đoan… các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại lớn còn do sinh kế của người dân gắn với các vùng đất ven sông, suối, trên sườn đất dốc; cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai còn yếu kém…

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, tháng 6-2019, khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện khoảng 3-4 đợt mưa dông diện rộng, các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã, đang huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân trong công tác phòng, chống thiên tai… Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã lắp đặt 22 trạm đo mưa tự động và hệ thống cảnh báo thiên tai; tập huấn cho 938 cán bộ cấp cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các kỹ năng ứng phó lũ quét, sạt lở đất; xây dựng kế hoạch di dời 1.371 hộ gia đình đến nơi ở an toàn…

Để giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, bảo đảm tính bền vững, các tỉnh miền núi phía Bắc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án nghiên cứu tổng thể thực trạng biến đổi khí hậu, đề ra giải pháp phòng tránh, giảm thiệt hại lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình kè sông, suối, giao thông, thủy lợi; xây dựng hệ thống quan trắc dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất…

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, nhằm giúp các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai, từ năm 2018 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 3.377 tỷ đồng, 3.854 tấn gạo, 1.071 tấn hạt giống các loại… Thủ tướng cũng quyết định hỗ trợ 8 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An 160 tỷ đồng để di dời 2.263 hộ dân đến nơi ở an toàn…

Về nhiệm vụ trong năm 2019 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc xây dựng phương án ứng phó chi tiết và sát thực tế hơn trong sơ tán khẩn cấp người dân khi xảy ra tình huống thiên tai; ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai…

Kim Nhuệ – Báo HNM

Theo Hà Nội Mới

Ảnh: Trạm quan trắc có chức năng dự báo tình hình thời tiết, mưa lũ.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/937201/giai-phap-phong-chong-lu-quet-sat-lo-dat