Giải pháp phát triển hạ tầng giao thông cho Hà Nội

Sự phát triển hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô đang đối mặt với nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư.

Quy hoạch thiếu đồng bộ; thiếu nguồn lực; khó khăn trong giải phóng mặt bằng; quỹ đất dành giao thông thấp; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; quản lý giao thông chưa hiện đại, quản lý sử dụng đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến chi phí, tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; chưa đầu tư khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm đô thị… đang là những bất cập cản trở sự phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Để giao thông phát triển bức phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô cần nhiều giải pháp; trong đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư là các giải pháp đang được thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.

*Bước chuyển

Những năm qua, đặc biệt sau khi đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chuyển biến tích cực, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh trên diện tích đất xây dựng đô thị tăng; hàng loạt dự án xây dựng đường, cầu; hầm chui; bến xe được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Điển hình như: đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông) – một đoạn tuyến của đường vành đai 3,5; đường Phúc La – Văn Phú (quận Hà Ðông); đường vành đai 2 (đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy); đường Tố Hữu; nút giao trung tâm quận Long Biên; tuyến đường Hà Nội – Hưng Yên (kết nối khu đô thị Ecopark với đường vành đai 3); tuyến đường từ đường Lê Ðức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; bến xe khách Yên Nghĩa; bãi đỗ xe cao tầng: Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan… Ngoài vốn ngân sách, thành phố Hà Nội đã huy động thêm vốn BT (đổi đất lấy cơ sở hạ tầng), vốn vay ODA để xây dựng các công trình trên.

Việc đổi mới biện pháp thi công cũng được các nhà thầu áp dụng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trên địa bàn, điển hình như các dự án xây dựng đường vành đai 2 trên cao, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; hầm chui Lê Văn Lương…

Việc giải phóng mặt bằng dự án cũng có bước chuyển mới. Việc yêu cầu phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã tạo điều kiện cho việc triển khai dự án được thuận lợi, tránh gây ra bức xúc dân sinh khi thu hồi đất.

Thực tế thời gian qua, việc chậm tiến độ của không ít dự án giao thông là do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Để khắc phục điểu này, tại dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô, việc giải phóng mặt bằng đang được thành phố Hà Nội cùng 2 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh khẩn trương triển khai với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội và 2 địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành với đơn vị tư vấn và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Hiện nay, song song với việc triển khai các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện lập,thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư… Dự kiến trong quý IV/2022, thành phố Hà Nội sẽ giải ngân được khoảng 1.759 tỷ đồng cho bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

*Giải pháp

Phương tiện lưu thông qua hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN ;

Phương tiện lưu thông qua hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN ;

Theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô trong giai đoạn tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, vành đai, hệ thống dường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch.

Trong số đó phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược cân đối hài hòa phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị gắn kết với quy hoạch khác, đảm bảo tính đồng bộ tầm nhìn dài hạn. Đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông khung, giao thông kết nối giữa các đô thị: đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh, đô thị với nông thôn; đầu tư khép kín hệ thống đường vành đai các trục xuyên tâm chính, vận tải khách công cộng khối lượng lớn an toàn chống ô nhiễm môi trường hướng tới phát triển bền vững.

Về đường bộ, giai đoạn đến năm 2025 hoàn thành đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai, gồm vành đai 1 và vành đai 2; triển khai đầu tư đường vành đai 4 và hoàn thành trước năm 2030; kết hợp phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị tạo đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, tập trung đầu tư các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống như: cầu Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Tứ Liên, Giang Biên, Cầu Đuống 2.

Khởi động và hoàn thành công trình quốc lộ 1, đoạn Văn Điển – Thường Tín, quốc lộ 3, quốc lộ 6, trục Hồ Tây – Ba Vì, trục Thăng Long. Giai đoạn đến năm 2030 hoàn thành đưa vào khai thác đường vành đai 5 và kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và tuyến trục chính của đô thị, các cầu lớn vượt sông Hồng và các sông của Hà Nội

Về đường sắt, giai đoạn đến 2025, thành phố thúc đẩy thực hiện dự án tuyến đường sắt số 3 Nhổn – ga Hà Nội; khởi công tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi, triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; Nam Thăng Long – Thượng Đình; ga Hà Nội – Hoàng Mai; Thượng Đình – Hoàng Quốc Việt; Văn Cao – vành đai 4; Nam Thăng Long – sân bay Nội Bài; Mai Dịch – Dương Xá.

Giai đoạn đến 2030 hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực trung tâm lõi của Hà Nội và triển khai thi công cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt Thủ đô kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. Đầu tư tuyến đường sắt vành đai quốc gia phía đông Hà Nội, từ Ngọc Hồi – Trần Hưng Đạo – Yên Viên.

Về hàng không, giai đoạn đến 2025, thành phố hoàn thành mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài đạt công suất 15 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn đến 2030 phát triển mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về phía Nam theo quy hoạch và nhà ga T3 nâng công suất lên 16 triệu hành khách/năm.

Về giao thông tĩnh, giai đoạn đến 2025 hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng các bến xe khách liên tỉnh như: Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh; các bãi đỗ xe ngầm bên trong vành đai 3, một số bãi xe ngầm, nổi và cao tầng theo quy hoạch. Giai đoạn đến năm 2030 đầu tư đưa vào khai thác các bến xe liên tỉnh khác như: Bến xe Nội Bài, bến xe phía Nam, bến xe phía Tây; cơ bản hoàn thành các bãi đỗ xe ngầm của Hà Nội theo quy hoạch.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang chịu tác động của đại dịch COVID – 19, việc thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng dự kiến sẽ găp khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách ưu đãi cho hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông bền vững, ổn định, phù hợp với đặc thù từng đô thị và sửa đổi Luật Thủ đô. Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch có tầm nhìn, tư duy đột phá tạo nguồn lực và không gian phát triển thực hiện nghiêm trong quản lý quy hoạch, mà trọng tâm là quy hoạch Thủ đô, cập nhật quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt; dành quỹ đất có khả năng thương mại hạ tầng đô thị.

Cùng với đó là tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ quốc tế, vốn tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô theo các mục tiêu đặt ra.

Nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn, do đó thành phố Hà Nội cần chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên huy động mọi nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị thuộc thẩm quyền quản lý.

Đặc biệt là giao thông công cộng như các tuyến đường sắt nội đô, hệ thống giao thông tĩnh, giao thông ngầm và tham gia đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia qua địa bàn. Thành phố tăng cường phân cấp trong quản lý đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; tăng ngân sách của Trung ương giao hỗ trợ với tỷ lệ hợp lý để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội phối hợp với Trung ương, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng tiến độ các dự án đầu tư đường sắt nội đô, đường sắt quốc gia, cảng hàng không. Phối hợp giữa Hà Nội và chính quyền các địa phương tạo bước đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố giảm ùn tắc giao thông của Thủ đô và cả vùng.

Để có nguồn lực thực hiện mục tiêu, thành phố sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng theo từng giai đoạn; trước mắt cân đối nguồn lực từ ngân sách thành phố; đồng thời xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn ODA, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng, huy động nguồn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT…), xã hội hóa đầu tư phục vụ thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch.

Ðể tháo gỡ vướng mắc về cơ chế cho các dự án giao thông trọng điểm đang thi công xây dựng, UBND thành phố chỉ đạo điều hành, đôn đốc tiến độ; tập trung quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn. Ðối với nhóm dự án chuẩn bị thực hiện và hoàn thiện các thủ tục, chủ đầu tư, cơ quan đơn vị được giao trách nhiệm chủ động phối hợp các sở, ngành để được hướng dẫn trong chuẩn bị hồ sơ bảo đảm chất lượng…

Tuyết Mai/TTXVN

Theo Bnews

Ảnh: Thi công cầu cạn trên cao tại khu vực cầu vượt Ngã tư vọng nối đường Đại La với đường Trường Chinh. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://bnews.vn/giai-phap-phat-trien-ha-tang-giao-thong-cho-ha-noi/272202.html