Giải pháp nào ứng phó với ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Để ứng phó với ô nhiễm không khí ở Hà Nội, cần tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải, đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp…

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức rất xấu

Những ngày qua, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe. Cụ thể, đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội bắt đầu 22/11 kéo dài đến hôm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tình trạng này bao phủ tất cả các quận, huyện, đặc biệt là Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng…

Hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), của PAM Air hay Đại sứ quán Mỹ đều ghi nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua phổ biến ở ngưỡng rất xấu (chỉ số chất lượng không khí AQI từ 200-300, rất có hại cho sức khỏe với khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra đường, thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo vệ sức khỏe). Cá biệt, một số điểm quan trắc trong thời gian nhất định còn ghi nhận ô nhiễm ở mức nguy hại với chỉ số AQI từ 300 trở lên – mức nguy hiểm đến sức khỏe với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Ở hầu hết các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng cũng bị ô nhiễm không khí đến mức nghiêm trọng. Hệ thống quan trắc của các đơn vị thường xuyên ghi nhận ô nhiễm không khí tới mức rất xấu.

Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2.5 – loại bụi được coi là “tử thần” trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.

Đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa cũng góp phần gây ra ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Tại các đô thị lớn ở miền Bắc, như Hà Nội, số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm khoảng 30,5% tổng số ngày quan trắc, trong đó có một số ngày có AQI suy giảm tới mức rất xấu (AQI = 201- 300). Bên cạnh đó còn có ô nhiễm không khí làng nghề vẫn chưa được kiểm soát, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa có đầu tư thích đáng cho xử lý nguồn thải, nhiên liệu thường dùng là than chất lượng thấp. Vì vậy ô nhiễm không khí làng nghề trong những năm qua có chiều hướng gia tăng. Ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng về bụi, khí độc, hơi kim loại, ô nhiễm mùi và tiếng ồn.

Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) trong năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra môi trường không khí 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2 gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng…

Nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Hà Nội và miền Bắc

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, Hà Nội và các địa phương ở miền Bắc đang trong “mùa ô nhiễm không khí” nghiêm trọng nhất năm, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Vì vậy, người dân nên thường xuyên theo dõi các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí để có giải pháp bảo vệ sức khỏe kịp thời.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam

Nguyên nhân ô nhiễm được cơ quan chức năng và các chuyên gia chỉ ra là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, việc người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng diễn ra rất phổ biến, thường xuyên trong nhiều năm mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.

“Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh”, TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Tại nước ta ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày.

Những năm gần đây, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam cứ đến mùa Thu – Đông chất lượng không khí lại ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng. Ở một số thời điểm, chất lượng không khí vượt ngưỡng 300 theo chỉ số AQI (rất nguy hại) và nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới.

Ngoài ô nhiễm không khí bên ngoài, ô nhiễm không khí do khói thải từ các hộ gia đình là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn đối với 3 tỷ người, những người nấu ăn và sưởi ấm gia đình bằng nhiên liệu sinh khối và than đá. Khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm có thể quy cho nguyên nhân ô nhiễm không khí tại hộ gia đình trong năm 2016. Hầu hết các gánh nặng bệnh tật này đặt vào các nước đang phát triển. Ô nhiễm không khí tại hộ gia đình cũng là một nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí bên ngoài ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

Năm 2019, Hà Nội cũng đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cho Thành phố bao gồm: khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) đề nghị các Sở TN&MT khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp). Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong kiểm soát ô nhiễm không khí, UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục nhiều giải pháp. Trong đó, Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh” theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm để triển khai giải pháp cụ thể, phù hợp về chính sách và công nghệ.

Thành phố cũng giao Sở Giao thông – Vận tải triển khai Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông để hạn chế số lượng xe cơ giới.

Hà Nội đã nhận diện rõ thực trạng, nguyên nhân gây ô nhiễm và đã có nhiều giải pháp xử lý. Tuy nhiên, đến nay, khi các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí tại Hà Nội đều ghi nhận mức độ ô nhiễm ở ngưỡng đỏ và ngưỡng tím, cá biệt một vài nơi lên ngưỡng nguy hại thì có thể nói rõ ràng, những giải pháp đã có chưa thực sự hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng với “căn bệnh ô nhiễm không khí của Hà Nội”, phải bắt đúng căn nguyên gây ra bệnh thì mới mong trị dứt bệnh hoặc chí ít thuyên giảm được. Cần tăng số trạm quan trắc không khí ở khu vực ngoại thành và có đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm không khí ở từng khu vực để triển khai phương án xử lý; không đánh đồng số liệu của cả thành phố, dẫn đến triển khai dàn trải, gây tốn kém nguồn lực mà hiệu quả không cao.

Văn Ngân/VOV.VN

Theo VOV.VN

Ảnh: Những ngày qua, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức rất xấu

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/giai-phap-nao-ung-pho-voi-o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-post1062567.vov