Hiện kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống ứng phó với sự cố cháy, nổ của người dân còn thấp, hầu hết thường hoảng loạn, mất bình tĩnh dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc.
Hội thảo “Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng – Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 17/12 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Ngoài các yếu tố về đặc điểm kiến trúc, một trong những khâu quan trọng khác ảnh hưởng đến phòng cháy chữa cháy ở nhà cao tầng là ý thức của người đứng đầu cơ sở, đơn vị quản lý vận hành công trình.
Đây là nội dung được ghi nhận tại hội thảo “Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng – Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 17/12 tại Hà Nội do Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) tổ chức.
Trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã từng xảy ra hàng trăm vụ cháy công trình cao tầng gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hệ lụy và lo ngại bất ổn về công trình cao tầng trong dư luận nhân dân và xã hội.
Hiện nay, số lượng chung cư cao tầng được xây dựng trong cả nước khoảng hơn 3.000 tòa và thường xuyên tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong khi việc bảo đảm an toàn cháy nổ cho từng công trình vẫn còn nhiều bất cập.
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân cháy công trình cao tầng có thể kể đến như: do quy hoạch, thiết kế, biện pháp thi công chưa phù hợp. Chủ đầu tư các công trình dự án chưa thực hiện đúng trách nghiệm nghĩa vụ. Ban quản lý, Ban quản trị trong quá trình vận hành chưa thực hiện nghiệm quy định phòng cháy chữa cháy về tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị. Cùng đó, chưa thực hiện chuẩn mực bảo hành bảo trì phòng cháy chữa cháy phần lớn là do ý thức của người dân khi làm việc và sinh sống tại các công trình cao tầng để xảy ra hỏa hoạn.
Mặt khác, các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy từ khâu quy hoạch, thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn, giám định chất lượng, nghiệm thu, quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án khi vận hành cùng những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp… cần được nhận diện.
Đại tá Bùi Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) nhận xét, hiện nhiều công trình cao tầng, siêu cao tầng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
Đặc điểm của nhà cao tầng là công năng đa dạng, phức tạp, thường xuyên tập trung đông người. Thực tế, những vụ cháy nhà cao tầng trên Thế giới và ở Việt Nam cho thấy mức độ nguy hiểm cháy, diễn biến phức tạp gây ra nhiều khó khăn cho người dân sinh sống trong tòa nhà khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Thời gian qua, mặc dù ý thức chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy ở nhà cao tầng được nâng cao lên đáng kể, tuy nhiên sau khi kiểm tra vẫn còn tồn tại một số vi phạm thiếu sót phổ biến. Đó là, điều kiện giao thông chữa cháy, khoảng cách an toàn về phòng cháy chữa cháy… còn nhiều bất cập; chưa đáp ứng được yêu cầu phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiện nay về hoạt động chữa cháy – ông Việt chỉ rõ.
TS. Hoàng Anh Giang – Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành Kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ Xây dựng – IBST) cho rằng, quy định kỹ thuật về an toàn cháy đối với nhà thường được đưa ra dựa trên hai yếu tố chính gồm: đặc điểm liên quan đến công năng của nhà và quy mô diện tích, chiều cao của nhà đó.
Không chỉ trong QCVN 06:2021/BXD của Việt Nam, nguyên tắc này cũng được áp dụng trong hầu hết quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn cháy ở nhiều nước khác nhau.
Về kỹ thuật, cần bảo đảm an toàn thoát nạn cho người; hạn chế quy mô của đám cháy; báo cháy và chữa cháy kịp thời; thuận lợi cho việc tiếp cận và các điều kiện kỹ thuật để triển khai hoạt động chuyên môn của lực lượng chữa cháy. Theo đó, vai trò của vật liệu, kết cấu và các bộ phận nhà là quan trọng, giúp hạn chế các yếu tố nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng, việc duy trì các điều kiện an toàn cho hoạt động thoát nạn và giảm thiểu nguy cơ thiệt hại.
Theo ông Giang, việc thiết kế đảm bảo an toàn cháy cho nhà cao tầng cần quan tâm quy mô chiều cao, tính chất công năng, kiến trúc… dẫn đến phải điều chỉnh các quy định về bảo đảm an toàn cháy so với quy định áp dụng với nhà thấp tầng; trong đó, có quy định kỹ thuật với vật liệu, kết cấu chịu lực chính dầm, cột, sàn… và các bộ phận khác của nhà (cửa, tường, vách ngăn…).
Đồng quan điểm, Thạc sỹ Cao Tiến Phú – Giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy (Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng) cho rằng, cần sử dụng vật liệu chống cháy theo quy định nhằm đảm bảo yêu cầu chống cháy toàn diện.
An toàn cháy cho nhà và công trình cần đảm bảo yêu cầu về tính chất vật liệu và cấu tạo kết cấu xây dựng, giải pháp kiến trúc, quy hoạch, kỹ thuật và công nghệ phù hợp với đặc điểm sử dụng của công trình, nhằm ngăn ngừa cháy (phòng cháy), hạn chế lan truyền, đảm bảo dập tắt đám cháy (chống cháy), ngăn chặn các yếu tố nguy hiểm có hại đối với con người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản khi có cháy xảy ra.
Ngày nay, khi tính an toàn cháy của nhà và công trình được quan tâm thì các vật liệu sử dụng cho nhà và công trình cũng được quy định để đảm bảo tính an toàn cháy. Các vật liệu sử dụng cho các vị trí khác nhau liên quan an toàn cháy được đặc trưng bằng tính nguy hiểm cháy. Tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng được xác định theo các đặc tính kỹ thuật về cháy: tính cháy, tính bắt cháy, tính lan truyền lửa trên bề mặt, khả năng tạo khói và chất độc.
Để đánh giá mức nguy hiểm cháy của một vật liệu hoặc một tổ hợp các vật liệu cần phải dựa vào các kết quả thử nghiệm về ứng xử với lửa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD được Bộ Xây dựng ban hành.
Phòng cháy, chữa cháy cho công trình xây dựng, nhà ở, đặc biệt là nhà cao tầng cần được quan tâm hàng đầu để đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh mạng cho người sử dụng. Do đó, các dự án đầu tư xây dựng công trình buộc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy.
Tuy nhiên, hiện kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống ứng phó với sự cố cháy, nổ của người dân còn thấp, hầu hết thường hoảng loạn, mất bình tĩnh dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.
Để việc phòng cháy hiệu quả, theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Thơ – Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), phòng cháy chữa cháy cần trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân, người lao động và các chủ tòa nhà, công trình bắt đầu từ việc tuyên truyền, huấn luyện phòng cháy chữa cháy một cách thực chất.
Huấn luyện phòng cháy chữa cháy thực chất và tiên tiến là một trong những giải pháp cốt lỗi cho giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại do cháy gây ra.
Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Theo Bnews
Ảnh: Người dân dùng cành cây dập lửa khi hệ thống cứu hỏa của chung cư không hoạt động. Ảnh minh họa: Ngọc Hà – TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây:
https://bnews.vn/giai-phap-nao-phong-chay-chua-chay-cho-cong-trinh-cao-tang/225259.html