Giải pháp nào ‘khai tử’ amiăng trắng ở Việt Nam?

Amiăng được coi là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng amiăng làm vật liệu xây dựng thì tại nước ta vẫn tồn tại khá phổ biến, nhất là ở vùng núi

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng ở vị trí thứ 5 trong top 10 nước sử dụng amiăng, chất gây ung thư nhiều nhất thế giới. Amiăng vẫn đang len lỏi, tồn tại khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), amiăng kể cả amiăng trắng là một trong những chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng. Trên thế giới, mỗi năm có trên 100.000 người chết, 1,5 triệu người mắc các chứng bệnh nan y, trong đó 80% là do amiăng gây ra.

Bởi vậy, hoạt động thương mại và sử dụng amiăng đã bị hạn chế rất nhiều, bị loại bỏ hoặc bị cấm hoàn toàn ở một số quốc gia như Liên minh châu Âu, Úc, Nhật Bản… Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển vẫn sử dụng amiăng làm vật liệu xây dựng. Trong đó, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều loại vật liệu xây dựng chứa hợp chất độc hại này.

Tại Việt Nam, từ những năm 1960, amiăng đã được sử dụng để sản xuất tấm lợp fibroximăng và được xem như một loại chất lợp rẻ, bền và dễ sản xuất, sử dụng. Amiăng còn được sử dụng rất rộng rãi để sản xuất các vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt dùng trong xây dựng, đóng tàu biển, tàu ngầm, chế tạo vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt độ cao (nồi hơi, lò nung), các đường ống ngầm…

Từ những năm 1980, tính độc hại và đặc biệt là khả năng gây ra một số dạng ung thư của amiăng đã được phát hiện và cảnh báo. Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp. Tiếp xúc với amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Sử dụng vật liệu có chứa amiăng đang tồn tại phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo ngày 14/6/2019 của Bộ Xây dựng, tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng xi măng ở nước ta là 94,4 triệu m2/năm, tuy nhiên sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong những năm gần đây giảm mạnh. Năm 2017, cả nước còn sản xuất khoảng 55,38 triệu m2/năm, bằng 66% so với năm 2016. Tiêu thụ năm 2017 đạt khoảng 53,8 triệu m2/năm, tồn kho khoảng 7,4 triệu m2. Lượng tấm lợp amiăng xi măng được dùng cho mục đích làm nhà ở của người dân chỉ chiếm khoảng 11,62% trên tổng số m2 nhà ở.

tm-img-alt
Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe.

Phát biểu tại hội thảo “Đưa Amiăng trắng vào danh sách chất độc hại và dán nhãn các vật liệu có chứa amiăng tại Việt Nam” diễn ra ngày 20/11 vừa qua, ông Đỗ Văn Đại, chuyên viên cao cấp tại Viện tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, tại Việt Nam cho biết, amiăng trắng có mặt ở vật liệu xây dựng như tấm lợp fibro xi măng, đường ống xây dựng, thiết bị điện, amiăng trắng còn xuất hiện trong công nghiệp hàng không, đóng tàu, công nghiệp dược và ở các sản phẩm chịu ma sát như má phanh, miếng đệm… Gần 80% lượng amiăng trắng nhập khẩu tại Việt Nam dùng để sản xuất tấm lớp amiăng – xi măng. Khoảng 15% amiăng trắng nhập khẩu được sử dụng trong công nghiệp phân lân nung chảy, sản xuất má phanh.

Amiăng xâm nhập vào cơ thể người và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi có chứa amiăng phát tán trong môi trường. Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu, từ 20 – 30 năm, thậm chí lâu hơn, nên thường đến khi người lao động, người dân phơi nhiễm với amiăng (trong lao động và đời sống) nghỉ hưu mới mắc các bệnh liên quan tới amiăng…

Chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023

Nhận ra sự độc hại của loại khoáng chất này, từ năm 2001, cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng lộ trình loại bỏ amiăng nhưng gần 20 năm nay vẫn chưa thực hiện được.

Ngày 5/8/2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc thúc giục Việt Nam ban hành lệnh cấm sử dụng amiăng trắng vào năm 2020.

Tại một số kỳ họp của Quốc hội khóa 13 và một số hội thảo do Quốc hội và các cơ quan khác tổ chức, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đã nêu vấn đề cần thiết dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

tm-img-alt
Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, kiến nghị của WHO, ILO, Bộ Y tế và kiến nghị của một số tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Hóa học Việt Nam; với quan điểm bảo vệ sức khỏe con người lâu dài, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1170/BXD-VLXD ngày 24/5/2017 đề nghị Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp.

Ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, trong đó giao cho Bộ Xây dựng “Nghiên cứu, xây dựng phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025”. Theo đó, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.

Đề án mới của Bộ Xây dựng nhận được sự ủng hộ của 39 đơn vị, chỉ có 2 tổ chức có văn bản không nhất trí là Hiệp hội tấm lợp và Hội vật liệu xây dựng Việt Nam.

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm để hành động dừng sử dụng amiăng trắng bảo vệ sức khỏe của chính mình và con người. Hi vọng rằng, Việt Nam sẽ thúc đẩy lộ trình cấm sử dụng amiăng trắng trong lĩnh vực xây dựng để có những bước chuyển dịch tiếp theo tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn amiăng trắng.

Hà My – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế & Môi trường

Ảnh: Tấm lợp xi măng được sử dụng rộng rãi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. (Ảnh: Internet)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/giai-phap-nao-khai-tu-amiang-trang-o-viet-nam-51310.html