Giải pháp nào ‘cứu’ cồn Phú Đa trước tình trạng sạt lở triền miên?

Trong 10 năm qua, Cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách, Bến Tre) đã mất hơn 30ha đất vườn, nhiều đoạn đê bao, nhà ở của người dân và nhiều công trình hạ tầng khác đã bị thiệt hại do thủy triều xâm thực.

Cồn Phú Đa ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách từ lâu trở thành “điểm nóng” về sạt lở đất ven sông ở tỉnh Bến Tre. Dù chính quyền, ngành chức năng và người dân địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, phòng chống, khắc phục sạt lở nhưng tình trạng sạt lở vẫn tái diễn. Do đó, cần có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để bảo vệ cồn Phú Đa trước tình trạng sạt lở hiện nay.

Nằm giữa sông Cổ Chiên, Cồn Phú Đa đã hình thành từ rất lâu, có diện tích 286 ha. Cồn có 02 ấp, Phú Đa và Phú Bình với hơn 700 hộ (2.275 nhân khẩu) sinh sống. Đa số người dân cồn Phú Đa sống bằng nghề trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Cồn Phú Đa có vị trí “rất xung yếu” bởi nằm giữa sông Cổ Chiên.

Từ năm 2015 đến nay, tình hình sạt lở tại cồn Phú Đa ngày càng nghiêm trọng, nhất là phía bờ Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long. Chỉ riêng khu vực đầu cồn mỗi năm sạt lở làm mất từ 1-2ha đất. Đặc biệt vào năm 2017, cồn Phú Đa bị sạt lở gần 400m, nước ăn sâu vào đất liền từ 20-50m, 04 căn nhà dân bị cuốn trôi, sụp mất 2ha đất và 25ha vườn cây ăn trái bị ngập nước…

Hiện tại, huyện Chợ Lách phải chấp nhận “thủy phá’ dài khoảng 3km đoạn phía Bắc do không có kinh phí thực hiện. 10 năm qua, Cồn đã mất hơn 30ha đất vườn, nhiều đoạn đê bao, nhà ở của người dân và nhiều công trình hạ tầng khác đã bị thiệt hại do thủy triều xâm thực.

Nhiều khu vực trên cồn Phú Đa có nguy cơ tái diễn sạt lở

Mới đây, vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên tại cồn Phú Đa (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình), thủy triều đã “nuốt chửng” 50m đê bao ven sông, nước tràn vào ngập 10ha vườn cây ăn quả, chính quyền và ngành chức năng địa phương mới hoàn thành công tác khắc phục tạm thời.

Trước nguy cơ đe dọa của thủy triều nên thời gian qua, hàng chục người dân đã sang nhượng nhà, đất ở đây để đi đến các địa bàn khác làm ăn, sinh sống. Hiện nay, người dân cồn Phú Đa đang thấp thỏm lo âu trước tái diễn sạt lở bất cứ lúc nào.

Ông Đỗ Văn Giúp, người đã đã mất gần 1 ha đất do sạt lở, tâm tư: “Bốn năm trước đã sạt lở hết một con đê, nhà nước cho làm lại bờ kè. Nếu mà hiệu quả thì đâu có lở vô như vầy. Sạt lở từ trước đến giờ do đất bị xói mòn, khoét chân vì đất không có chân. Thời gian gần đây, lở hơi bị ngộ, đất nó lún xuống chứ không phải nó sạt ra ngoài nữa. Tự nhiên đất lún xuống như ở dưới có cáo hố, cái hang gì đó. Sạt lở này ở đâu có yên ổn, lo lắng, hoang mang lắm… Nếu khắc phục không hiệu quả thì tiếp tục bị lở mất đất”.

Huyện Chợ Lách huy động cơ giới khắc phục điểm sạt lở vừa xảy ra

Sạt lở ở cồn Phú Đa không chỉ gây thiệt hại về tài sản, thành quả trong lao động sản xuất của người dân mà tính mạng con người sống nơi đây khó an toàn. Những năm gần đây, từ nguồn kinh phí của tỉnh, của Trung ương, địa phương đã đầu tư trên 60 tỷ đồng để làm kè, đê bao phòng chống, khắc phục sạt lở tại cồn Phú Đa nhưng hiệu quả không cao, có những đoạn kè vừa xây xong đã bị sụp lún. Từ thực tế địa phương nhưng năm qua.

Ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho rằng, thật ra cồn này không có lở hết, bên lở, bên bồi. Giải pháp là mình lăn cái đê vô trong, chấp nhận bên lở. Nếu lăn đê mình phải tính toán lâu dài, lăn vô hơn 50 mét còn nếu lăn vài 20-30 mét chắt chắn sẽ lờ nữa, vốn đầu tư sẽ mất hết.

“Tôi nghĩ các ngành chuyên môn về thủy lợi, nên có khảo sát tính toàn cho kỹ chứ làm kè không nổi đâu. Thật sự về mặt khoa học phải nghiên cứu cho kỹ dòng nước chảy, ví dụ tốc độ chảy bên bồi tốc độ nước chảy là bao nhiêu, bên lở tốc độ nước chảy là bao nhiêu; giữa bên nhanh bên chậm là mình biết nước nó chảy bao nhiêu”, ông Linh nói.

Xây dựng bờ bao ngăn nước tràn vào cồn Phú Đa

Gần đây, tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, thăm dò để nghiên cứu về nguyên nhân và đưa ra giải pháp phòng chống sạt lở tại cồn Phú Đa. Qua khảo sát, các nhà chuyên môn, đã phát hiện dưới đáy sông Cổ Chiên ven cồn Phú Đa có những hố xoáy sâu “ không chân” có quy mô lớn. Đối với khu vực sạt lở “hàm ếch” này, công tác khắc phục sạt lở rất khó khăn, tốn kém nhiều kinh phí và nằm ngoài khả năng của địa phương.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đang thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh liên quan đến việc khảo sát và đề ra việc khắc phục sạt lở cồn Phú Đa và các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh đến cuối năm nay thông qua. Qua đó, các ngành chức năng tỉnh mới đề xuất giải pháp khắc phục.

Chính quyền và các ngành chức năng địa phương bàn giải pháp tình thế ứng phó với sạt lở

Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho rằng, sạt lở cù lao Phú Đa ở Bến Tre có nhiều yếu tố tác động và rất phức tạp không để đánh giá một cách ngắn gọn là nguyên nhân gì được mà chắt chắn sẽ có yếu tố tự nhiên và con người.

“Trên thực tế nó có giải pháp công trình và phi công trình. Tùy theo mức độ quan trọng mà mình phải bảo vệ bằng công trình kiên cố. Còn nếu như cố gắng của địa phương nhiều rồi mà vẫn chưa đạt thì đòi hỏi mình phải có khảo sát và tính toán kỹ thuật, số liệu đo đạc thì mình đánh giá được và kết luận. Còn mình chưa hiểu hết mà đã thực hiện thì thường nó sẽ có phản ứng phụ”, ông Nghĩa nói.

Một con đê tạm ngăn nước bảo vệ vườn cây ăn trái tại cồn Phú Đa.

Cũng theo nhiều chuyên gia, trong khi chờ các giải pháp công trình “trị thủy” được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nguồn kinh phí đầu tư, chính quyền và người dân địa phương cần có các giải pháp “mềm”, biện pháp phi công trình để phòng, chống sạt lở tại cồn Phú Đa. Ví dụ như trồng các loại cây chắn sóng, nuôi lục bình ven bờ giảm sóng va đập vào bờ chống sạt lở… Công tác gia cố, kiểm tra các khu vực xung yêu cần thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý các điểm sạt lở và khu vực nguy cơ.

“Cứu” cồn Phú Đa ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trước nguy cơ sạt lở đất bờ sông tiếp diễn là câu chuyện rất khó khăn và tốn kém nhưng phải khẩn trương thực hiện. Tỉnh Bến Tre cần một giải pháp căn cơ, hữu hiệu để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân nơi đây và sử dụng nguồn vốn đầu tư phải đạt hiệu quả, tránh tình trạng hàng chục tỷ đồng bị cuốn “trôi” theo dòng nước.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Theo VOV.VN

Ảnh: Cồn Phú Đa nằm giữa sông Cổ Chiên là “ điểm nóng” sạt lở.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/giai-phap-nao-cuu-con-phu-da-truoc-tinh-trang-sat-lo-trien-mien-894637.vov