Do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ở tỉnh Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp, khó lường đòi hỏi cần có những giải pháp cấp bách.
Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển hơn 254km nên chịu tác động rất mạnh bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong những năm gần đây, tình hình sạt lở ở bờ biển tỉnh Cà Mau cũng diễn biến hết sức phức tạp khó lường.
Sạt lở trầm trọng
Tỉnh Cà Mau đã và đang chịu tổn thương nặng nề bởi sạt lở. Tình hình sạt lở trên địa bàn đang diễn ra từ ngoài bờ biển vào đến ven sông. Cà Mau có 254km bờ biển thì có đến 187km bị sạt lở.
Giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất khoảng 5.250ha đất và rừng phòng hộ, tương đương diện tích một xã của tỉnh.
Bên cạnh đó, tình hình sạt lở bờ sông cũng rất nan giải. Từ đầu mùa mưa đến nay đã có hơn 200 vụ sạt lở xảy ra; so với cùng kỳ các năm, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Qua khảo sát, toàn tỉnh đang có tổng chiều dài các đoạn bờ sông, kênh rạch bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425km trong tổng số hơn 8.100km toàn tỉnh.
Tháng 8/2023, tỉnh Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn bờ biển, tổng chiều dài hơn 29km qua địa phận huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Năm Căn.
Trong 6 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có 6 đoạn thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển, gồm Cửa biển Hốc Năng, chiều dài 2.500m; Kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, dài 4.100m; Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy, dài 7.150m; Kiến Vàng đến Ông Tà, dài 6.400m.
Hai đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm còn lại gồm Cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi), đoạn L3 dài 1.000m; Hố Gùi đến Bồ Đề (huyện Năm Căn), dài 8.000m.
Những năm qua, sạt lở bờ sông đã làm thiệt hại gần 28km lộ giao thông; 303 căn nhà; có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có diện tích hơn 3.700ha bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác. Tổng thiệt hại sạt lở đã gây ra cho tỉnh Cà Mau ước hơn 1.100 tỷ đồng.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự bất thường của thời tiết cực đoan và thiên tai ngày càng phức tạp, dự báo trong thời gian tới sạt lở có thể trầm trọng hơn, diễn biến khó lường nên quản lý rủi ro khó khăn hơn.
Nguyên nhân do đâu?
Theo các chuyên gia, sạt lở bờ biển và ven sông là hệ quả của nhiều tác động khác nhau, từ yếu tố địa chất-địa mạo, thủy văn, khí hậu, biến đổi khí hậu, mà cụ thể nhất là mực nước biển dâng và gia tăng biên độ nhiệt theo ngày đêm, cùng với các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đang tác động lên môi trường tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cho đến các yếu tố tác động từ con người.
Ông Huỳnh Tiết Giao, Phó Chủ tịch xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, trước hiện trường sạt lở nhà lồng chợ và công trình kè Kinh 17 (vốn đầu tư 2,8 tỷ đồng) đang xây dựng bị sụp xuống do sạt lở vừa qua. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu quy hoạch bền vững trong khai thác tài nguyên, cụ thể là cát sông và nước ngầm, cùng với sự hạn chế trong quản lý suốt thời gian dài đã tạo ra những tác động địa chất cực đoan (sụt lún nền đất, hình thành các hố sâu dưới đáy sông, thay đổi chế độ dòng chảy…) khiến tình hình sạt lở diễn biến phức tạp và ngày một nghiêm trọng hơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay, trong thời gian tới, sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển.
Nếu để sạt lở tiến sâu vào đất liền, không chỉ mất đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong và các cụm dân cư ven biển, khi đó việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở không chỉ tốn kém mà hơn hết là rất khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã bị mất.
Nhiều giải pháp phòng chống sạt lở
Bằng nhiều nỗ lực và sự hỗ trợ từ Trung ương, hiện tỉnh Cà Mau đã xây dựng được gần 57km kè bảo vệ với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 31,2km, với kinh phí trên 1.200 tỷ đồng để xây dựng kè bảo vệ những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tình hình sạt lở ven biển các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: TTXVN)
Thực tế, bất chấp những nỗ lực trong triển khai thực hiện các giải pháp công trình, đến nay chỉ có trên 20% chiều dài bờ biển Cà Mau được đầu tư nâng cấp hệ thống đê. Do đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau và hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của Trung ương để thực hiện. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh hoàn thành các công trình kè biển những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong điều kiện tác động biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau về tình hình sạt lở chiều 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục xử lý, khắc phục những khu vực sạt lở, đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân và các hạ tầng cơ sở quan trọng.
Các Bộ, ngành Trung ương phối hợp cùng với các địa phương để tính toán, phân bổ nguồn vốn sao cho phù hợp với điều kiện ngân sách và xác định tính cấp bách của các dự án chống sạt lở.
Tỉnh Cà Mau cũng cần làm tốt công tác quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển có nguy cơ rủi ro để phòng ngừa sạt lở từ sớm, từ xa; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn.
Cà Mau cần triển khai các dự án lớn, trọng điểm, bài bản; nghiên cứu triển khai giải pháp quai đê lấn biển tại những nơi có điều kiện phù hợp để vừa phát triển giao thông, vừa chắn sóng, chống sạt lở, xâm thực, vừa giữ được phù sa để lấn biển, phát triển được quỹ đất, không gian phát triển mới.
Tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực của Nhà nước và có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài Nhà nước để đầu tư các công trình phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Theo Vietnam+
Ảnh: Hiện trường sau sạt lở làm 2 căn nhà dân bị sụp hoàn toàn và 2 căn nhà bị sụp một phần tại khu vực Chợ nhà lồng, ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: TTXVN phát)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.vietnamplus.vn/giai-phap-nao-cho-phong-chong-sat-lo-bo-song-bo-bien-o-ca-mau/900681.vnp