Một công ty ở Indonesia đang sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để chuyển đổi chất thải hữu cơ thành thức ăn chất lượng cao cho ngành chăn nuôi.
Giải pháp chuyển đổi chất thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi giàu protein. Video: Reuters.
Công ty Magalarva, đặt tại thị trấn Parung ở vùng ngoại ô phía tây nam South Jakarta, được thành lập bởi một nhóm nhỏ các doanh nhân trẻ nhằm cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi bền vững trong một quy trình thân thiện với môi trường. Nhân viên của công ty sẽ thu gom chất thải từ các nhà máy thực phẩm, chợ và khách sạn, sau đó sử dụng công nghệ nuôi ấu trùng ruồi lính đen để chuyển đổi chúng thành protein và đưa trở lại chuỗi thức ăn.
Ruồi lính đen (BSF), có tên khoa học là Hermetia illucens, là một trong những sinh vật tiêu thụ chất thải hữu cơ nhanh nhất ở giai đoạn ấu trùng. Chỉ trong một ngày, chúng có thể tiêu thụ lượng chất thải gấp 4 lần trọng lượng cơ thể.
Bằng cách này, công nghệ nuôi ấu trùng BSF mang lại nhiều lợi ích cùng một lúc, bao gồm tận thu chất thải, sản xuất ấu trùng có hàm lượng đạm cao làm thức ăn chăn nuôi và góp phần giảm thiểu chất thải hữu cơ tích tụ trong môi trường, tăng tính bền vững cho ngành chăn nuôi.
Nhà sáng lập Magalarva Rendria Labde nói rằng công nghệ của họ cho phép giảm thời gian cần thiết để loại bỏ chất thải từ hai tháng xuống chỉ còn hai ngày.
“Thách thức lớn nhất của chúng tôi là công nghệ nuôi ấu trùng BSF còn khá ‘non trẻ’ về mặt khoa học. Chúng tôi còn thiếu nhiều kiến thức trong lĩnh vực này và nó cũng không được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Công ty còn rất nhiều việc phải làm để tìm ra các giải pháp khả thi”, Labde chia sẻ.
Các sản phẩm của Magalarva rất đa dạng từ đạm làm thức ăn gia súc, thức ăn cho thú cưng, đến phân bón hữu cơ. Chúng được phân phối khắp Indonesia, chủ yếu đến các trang trại nuôi cá và động vật.
Công nghệ nuôi ấu trùng BSF là một giải pháp mới đầy triển vọng cho việc quản lý chất thải ở Indonesia. Trong những năm gần đây, quốc gia Đông Nam Á này đã giảm mối quan tâm đối với rác thải nhựa, nhưng rác thải hữu cơ vẫn là một vấn đề nan giải.
Theo Đoàn Dương/Reuters