‘Giải cứu’ đường sắt Việt Nam: Khi vốn đi… ‘đường vòng’

Sau 2 năm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNN). Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này không thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nên không được giao vốn bảo trì đường sắt. Hiện nguồn vốn này được giao lại Cục đường sắt Việt Nam, muốn được tiếp cận vốn VNR buộc phải đi… đường vòng.

Từ lá đơn kêu cứu của Chủ tịch đường sắt

Còn nhớ, năm 2020, báo cáo trước Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp, Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh đã trần tình những vướng mắc trong việc chậm được phân bổ vốn bảo trì đường sắt. Vì thế, trên 11.315 người lao động của VNR không có tiền lương, có thể phải dừng chạy tàu.

Ông Minh cho hay: “Trước đây, vào đầu năm Bộ GTVT luôn thực hiện giao dự toán vốn ngân sách cho VNR. Sau đó, đơn vị sẽ đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc nhằm thực hiện công tác bảo trì đường sắt. Đến 31/12, VNR sẽ tổ chức nghiệm thu, kiểm đếm tài sản để tiếp tục cho chu kỳ bảo trì năm sau”.

“Tuy nhiên, do đã “khoác áo” doanh nghiệp không trực thuộc Bộ GTVT nên thay vì giao thẳng cho VNR như trước đây, thì Bộ yêu cầu “đặt hàng” cho VNR thông qua Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN)”.

Năm 2020, chính vì những bất cập từ cơ chế trên, nên hàng chục nghìn cán bộ lao động tại VNR bị chậm lương, có nguy cơ dừng chạy tàu, vì thế, chủ tịch VNR đã phải kêu cứu tới Chính phủ, Bộ GTVT và Ủy ban QLVNN.

Để giải cứu VNR, căn cứ nghị quyết của Chính phủ, Bộ GTVT đã tạm giao vốn cho VNR để thực hiện công tác bảo trì. Đồng thời, ứng 165 tỷ đồng để trả lương cho cán bộ công nhân viên.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR “kêu cứu” Thủ tướng vì chậm giao vốn bảo trì đường sắt

Bước sang năm 2021, kịch bản chậm giải ngân vốn bảo trì lặp lại. Việc Cục đường sắt nắm phần vốn duy tu để sửa chữa khiến công tác này chậm trễ nên tháng 4/2021, Chủ tịch VNR một lần nữa “kêu cứu” Chính phủ trong đó nêu: “Đề xuất của Bộ GTVT giao cho Cục đường sắt quản lý 2.800 tỷ đồng duy tu sửa chữa đã đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống GTVT”.

“Hiện các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì. Người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương để duy trì cuộc sống”.

Sau hơn 1 tháng VNR chờ đợi, chiều ngày 20/5, “chốt” lại các kiến nghị của VNR, Bộ GTVT đã thông báo “thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; trong đó yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với VNR trước ngày 24/5″.

Như vậy, câu chuyện đã ngã ngũ, Cục đường sắt sẽ vẫn thay mặt Bộ Giao thông đặt hàng với VNR thay vì giao thẳng vốn cho VNR như trước năm 2019.

Vốn đi… đường vòng

Trao đổi với VietnamFinance, một giám đốc công ty cổ phần đường cho biết: Nếu Bộ giao Cục đường sắt đặt hàng VNR để sửa chữa duy tu thì quy trình thực hiện sẽ triển khai các bước làm hợp đồng về khối lượng, vật tư, đơn giá… Từ đó, VNR mới tiếp tục thực hiện đấu thầu tới 20 đơn vị Công ty cổ phần đường sắt. Sau khi làm xong, VNR sẽ thẩm định, đánh giá và báo cáo lại với Cục đường sắt và chờ Cục này phê duyệt, nghiệm thu mới tiến hành giải ngân.

“Như vậy, các khâu thủ tục đã kéo dài, nảy sinh thêm nhiều bước thay vì trước đây là VNR nghiệm thu và thanh toán trực tiếp cho các đơn vị. Tình trạng “một cổ 2 tròng” và nguồn vốn… đi vòng gây sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân”.

Một vấn đề khác cũng được nhắc đến khi Cục Đường sắt Việt Nam hiện nay là cơ quan chỉ thực hiện chức năng tham mưu (trực thuộc Bộ GTVT) và không quản lý tài sản. Với nhân lực chỉ có 100 người, nếu giao vốn về Cục rồi mới phân bổ về VNR sẽ “thêm cửa” làm ách tắc, chậm trễ công tác bảo trì.

“Việc có thêm cấp trung gian là Cục Đường sắt sẽ phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, làm đình trệ hoạt động vận tải đường sắt, triệt tiêu vận tải đường sắt”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho hay.

“Nước mắt” công nhân đường sắt

Trong bối cảnh “một cổ hai tròng” người lao động sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo VNR cho biết: Theo dự toán đầu năm 2021, phần vốn ngân sách dành cho bảo trì là 2.800 tỉ đồng, nhưng đến tới thời điểm này vẫn chưa được giao xuống.

20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hạ tầng đường sắt hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 5 tháng qua.

Tuần đường phải đi bộ cả chục km/ngày để kiểm tra đường sắt nhưng mức lương rất thấp, nợ lương nhiều tháng qua

Nên nhớ, đường sắt đang có 11.315 nhân lực, trong đó có 1.241 lao động tuần cầu, tuần đường, tuần hầm; 6.278 lao động thực hiện công việc bảo trì đường sắt; 2.881 lao động gác chắn đường ngang, hầm, cầu và 915 lao động gián tiếp.

Với những công nhân làm công việc như gác chắn, tuần đường vốn dĩ thu nhập tiền lương đã thấp (khoảng 5-6 triệu đồng/tháng), đến nay gặp khó khăn hơn, dù công việc vẫn phải đảm bảo.

Tính từ Tết Nguyên đán tới nay, người lao động tại các công ty cổ phần đường sắt chỉ được tạm ứng lương từ 2-3 triệu đồng/người (tùy vị trí làm việc). Có lẽ, đây là thời điểm “bĩ cực” đối với ngành đường sắt.

Đinh Tịnh/VietnamFinance

Theo VietnamFinance

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamfinance.vn/giai-cuu-duong-sat-viet-nam-khi-von-di-duong-vong-20180504224253346.htm