“Giải cơn khát” cho vùng khô hạn miền núi A Lưới

Nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp của bà con vùng dân tộc thiểu số huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang thiếu nước trầm trọng, nguy cơ bỏ hoang. Cơ quan chức năng đang tìm cách ứng phó.

Tại huyện miền núi A Lưới, những tháng qua, nắng nóng liên tục và gay gắt khiến nguồn nước tưới cho sản xuất vụ Hè Thu của bà con vùng cao trở nên khó khăn.

Vụ Hè Thu này, gia đình bà Kăn Pát (xã A Ngo, huyện A Lưới) trồng 3 sào lúa nước. Tuy nhiên, nguồn nước các sông suối khô cạn, bà Kăn Pát cũng như nhiều nông dân gặp nhiều khó khăn trong gieo sạ do nắng hạn kéo dài. Nguồn nước thiếu hụt nên đồng bào nơi đây phải chờ đợi nhiều ngày thay nhau lấy nước vào ruộng mới có thể làm đất gieo cấy.

“Mỗi lần đi lấy nước, đợi nước đến mấy ngày mà chưa có. Đất trồng lúa thì khô quá, nước vô một ít cũng không cày được, phải tắt máy luôn. Chờ trời mưa thì biết khi nào, quá lo lắng…”, bà Kăn Pát nói.

Nhiều sông, suối ở A Lưới dần khô cạn

Vụ Hè Thu năm nay, huyện A Lưới gieo cấy khoảng 1.000 ha lúa nước. Hiện, các xã A Ngo, Sơn Thuỷ, Quảng Nhâm, Lâm Đớt, Trung Sơn đang bị khô hạn nghiêm trọng.

Ông Văn Lập – Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, huyện hiện có 86 công trình thuỷ lợi, phần lớn là tạm thời, bán kiên cố. Nhiều công trình đầu tư xây dựng từ khá lâu, nay đã xuống cấp, hư hỏng. Việc đầu tư hệ thống thủy lợi tại huyện rất khó khăn khi diện tích trồng lúa nằm rải rác, không tập trung. Trước mắt, để tránh thiệt hại, huyện sẽ kiên quyết vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.

“Huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn chuyển số diện tích không thể có nước tưới sang trồng cây khác có thể phát triển như cây ngô, cây họ đậu… phù hợp với điều kiện thời tiết và thời vụ tại địa phương. Chủ trương của huyện là phải chuyển đổi vùng khô hạn, nếu không thì vừa mất công mà không có thu hoạch, vừa chi phí lớn. Chúng tôi cũng yêu cầu tất cả những công trình thủy lợi khắc phục đẩy nhanh tiến độ để có nước phục vụ cho bà con. Mặt khác, huyện cũng phối hợp với Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi của tỉnh tận dụng tối đa máy bơm, trạm bơm dầu lưu động tranh thủ bơm chống hạn…”, ông Lập cho hay.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó hạn hán và bố trí kinh phí nạo vét các kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông suối vào hệ thống kênh mương nội đồng để chống hạn.

Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND Thừa Thiên – Huế cho biết, đối với huyện A Lưới, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi phần lớn diện tích lúa nước sang các cây trồng chịu hạn khác, diện tích còn lại huy động lực lượng nạo vét hệ thống kênh, thủy lợi và tích trữ nước.

“Việc đầu tiên là tính toán chuyển đổi các vùng không có nước, vùng mà không có thủy lợi và lên kế hoạch chi tiết cụ thể điều chỉnh mùa vụ, chuyển sang những cây trồng chịu hạn tốt. Sử dụng nước tiết kiệm. Ở kịch bản xa hơn thì tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi, kênh mương, các công trình đầu mối”, ông Phương nói.

Văn Dinh – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Khơi thông các hệ thống kênh mương

Xem bài viết gốc tại đây:

https://dttg.baotainguyenmoitruong.vn/giai-con-khat-cho-vung-kho-han-mien-nui-a-luoi-328876.html