Giải bài toán trường công

Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng thêm các trường học công lập, nâng tầng trường, tăng số học sinh mỗi lớp

Nhiều vấn đề của ngành giáo dục và đào tạo thủ đô vừa được HĐND TP Hà Nội đưa ra giải trình, chất vấn, trong đó nổi bật là chuyện thiếu trường công lập (trường công). Vấn đề này đã được Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố giám sát nhiều kỳ nhưng việc tổ chức thực hiện các kiến nghị giám sát chưa có nhiều kết quả.

Nơi thừa, nơi thiếu

Bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết qua báo cáo của UBND TP và giám sát của HĐND thành phố, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới hình thành, dân số cơ học tăng nhanh nên dù đã cải tạo, xây mới được nhiều trường học nhưng tình trạng quá tải trường học công lập vẫn xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại một số quận, huyện, đặc biệt là các quận nội thành.

Theo đại diện UBND TP Hà Nội, vẫn còn 35 phường thuộc 8 quận thiếu 43 trường học (không đạt chỉ tiêu tối thiểu của quy hoạch mạng lưới), tập trung chủ yếu tại 4 quận nội đô. Một số phường, xã khu vực ngoài đê (thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ…) bị giới hạn về mật độ xây dựng, tầng cao theo quy định của Luật Đê điều. Quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số; tình trạng thiếu trường, lớp học, số học sinh tăng cao dẫn đến nhiều trường không giữ được chuẩn quốc gia.

Nhiều đại biểu (ĐB) HĐND TP Hà Nội bày tỏ băn khoăn và bức xúc về vấn đề quá tải trường học công lập xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại một số quận nội thành. ĐB Lâm Thị Quỳnh Dao cho rằng báo cáo của UBND thành phố cho biết đến nay đã cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu “mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất một trường mầm non công lập, tiểu học công lập, THCS công lập; khu vực từ 30.000 – 50.000 vạn dân có 1 trường THPT công lập” theo Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố về quy hoạch phát triển giáo dục Hà Nội.

Tuy nhiên, một số phường thiếu một trong các trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS công lập. Cụ thể, theo báo cáo của UBND thành phố, thiếu 49 trường tại 8 quận (Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai). Việc thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, đặc biệt ở quận Hoàng Mai và Đống Đa.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Khánh Hưng cho rằng theo quy định, địa bàn quận Hai Bà Trưng có 303.856 dân, cần có 6 đến 10 trường THPT công lập nhưng hiện tại chỉ có 3 trường; quận Hoàn Kiếm có 212.921 dân, cần có 4 đến 7 trường THPT nhưng hiện tại chỉ có 2 trường THPT.

Là điểm “nóng” về thiếu trường công, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết Hoàng Mai là quận đông dân nhất Hà Nội với khoảng 700.000 người, trong đó hơn 100.000 trẻ em trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 trẻ. Những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của quận gặp nhiều khó khăn, bất cập; trong đó có năm phải thực hiện bốc thăm cho trẻ mầm non. Hiện nay, quận thiếu hàng chục trường học, vì thế giải pháp phải có đủ điều kiện về đất và vốn.

TP Hà Nội vừa thu hồi 4 ô đất chậm triển khai ở quận Hoàng Mai để xây trường. Ảnh: HỮU HƯNG

TP Hà Nội vừa thu hồi 4 ô đất chậm triển khai ở quận Hoàng Mai để xây trường. Ảnh: HỮU HƯNG

Phải xây mới 30-40 trường mỗi năm

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, cho biết thành phố có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000-50.000 học sinh, đòi hỏi thành phố triển khai xây dựng trường học mới cả công lập và ngoài công lập là 30-40 trường/năm mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Về quy định học sinh tiểu học là 35 học sinh/lớp, cấp THPT là 45 học sinh/lớp, ông Cương cho rằng tiêu chí này khó thực hiện trên địa bàn Hà Nội. Thực tế, chỗ học vẫn dư, nhưng lại thừa thiếu cục bộ; ở một số quận nội đô, học sinh rất đông, trong khi ở một số huyện, sĩ số học sinh không đủ trong 1 lớp.

Về giải pháp, theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để nâng cao chất lượng giáo dục và hoàn thành chỉ tiêu trường công lập đạt chuẩn theo các quy định về diện tích đất, cơ cấu tổ chức trường học của Bộ GD-ĐT với đặc thù của Hà Nội là rất khó. Để bảo đảm vấn đề này, thành phố cần có thỏa thuận với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, phối hợp Bộ GD-ĐT rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng nhu cầu. Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Đại diện các quận đang thiếu trường đề xuất thành phố có cơ chế, tạo điều kiện cho các quận đâu tư xây dựng trường học, bên cạnh đó các quận sẽ tập trung xây dựng các trường nhanh nhất để đáp ứng đủ nhu cầu. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề xuất trong thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quận triển khai đầu tư xây dựng trường học. TP Hà Nội khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỉ lệ trường công lập ở các khu đô thị. Bên cạnh đó, thành phố tích hợp, điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô lần này sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

Nâng tầng trường học nội đô

Thời gian qua, ngành giáo dục thủ đô cũng như các quận đã có kiến nghị để nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành do quỹ đất xây trường hạn hẹp. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng theo quy định, các trường tiểu học là 3 tầng, THCS 4 tầng thì có thể đề nghị xây dựng công trình 5-6 tầng, dành diện tích tầng thấp để phục vụ giáo dục, đưa khối phục vụ lên phía trên. Để thực hiện việc này, TP Hà Nội có kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để đáp ứng yêu cầu từng địa phương, phù hợp với từng khu vực.

Kiến nghị nâng tầng trường học ở các khu vực nội thành được nhiều chuyên gia ủng hộ. Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết thành phố sẽ có rà soát, đề xuất những nội dung đặc thù cho khu vực nội đô, đặc biệt là việc kiến nghị nâng tầng để bảo đảm diện tích/học sinh nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học.

Bạch Huy Thanh – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/giai-bai-toan-truong-cong-20231019204534194.htm