Để giải bài toán thiếu-bẩn về nguồn nước sạch đô thị hiện nay, giới chuyên gia cho rằng cần phải đánh giá lại toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị; sớm xây dựng và ban hành Luật Cấp, thoát nước.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều khu vực trên cả nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch. Đáng chú ý, tại một số khu đô thị ở Hà Nội (như Hà Đông, Thanh Oai, Nam Từ Liêm…) đã bị mất nước sinh hoạt trong nhiều ngày, gây xáo trộn cuộc sống người dân.
Trước thực tế trên, giới chuyên gia cho rằng tới đây các bộ, ngành, địa phương cần phải rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị; bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về cấp nước đô thị để làm cơ sở điều chỉnh toàn bộ hành vi liên quan đến cấp nước đô thị, qua đó sớm xây dựng và ban hành Luật Cấp, thoát nước.
Câu chuyện muôn thuở
Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Văn Vẻ cho hay nước sinh hoạt phục vụ cho các đô thị hiện nay, chủ yếu từ nguồn nước mặt và nước ngầm. Trong đó, nhiều đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang…
Về khối lượng nước sinh hoạt cung cấp cho cho các đô thị, ông Vẻ cho biết theo số liệu thống kê của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tính đến tháng 6/2023, cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cấp nước sạch cho cả đô thị và nông thôn (trong đó đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3; tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt là 87% và nước ngầm là 13%).
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy câu chuyện cấp nước và chất lượng nước tại các đô thị vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi, nhất là gần đây tại một số khu đô thị, dân cư ở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bị mất nước sinh hoạt trong nhiều ngày; thậm chí một số nơi nguồn nước còn có màu khác lạ, gây xáo trộn cuộc sống người dân.
Bàn về tiêu chuẩn đối với nguồn nước sinh hoạt hiện nay, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Ngọc Châu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội (Học viện Quân y), thẳng thắn cho rằng cấp nước và chất lượng nước là “câu chuyện muôn thuở.”
Theo ông Châu, phía Bộ Y tế được giao xây dựng, ban hành tiêu chuẩn nước ăn uống, nước sinh hoạt và giám sát các tiêu chuẩn đó. Gần đây, Bộ Y tế đã ban hành hai bộ tiêu chuẩn là QCVN01 về nước ăn uống và QCVN02 về nước sinh hoạt cho nông thôn. Tuy nhiên để quản lý chất lượng nguồn nước theo tiêu chuẩn của cơ quan này thì vẫn gặp nhiều khó khăn và còn nhiều vấn đề đang bị “bỏ ngỏ.”
Hình ảnh hạ thủy đường ống Nhà máy nước mặt sông Đuống. (Nguồn: Vietnam+)
Nêu dẫn chứng, ông Châu cho hay đa số các hợp đồng cung cấp nước tại các đô thị trong thời gian qua không có danh mục tiêu chuẩn về chất lượng nước; hệ thống phân phối nước có vai trò thế nào trong vấn đề chất lượng nước cũng chưa rõ ràng.
“Hệ lụy của vấn đề nguyên nước vô cùng lớn, có những vấn đề tác động trực tiếp. Một là vấn đề về cảm quan khi gặp sự cố về hệ thống phân phối nước sẽ có cặn lắng, bùn đất có thể ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống, sinh hoạt của người dân. Vấn đề thứ hai là nguy cơ ô nhiễm các vi sinh vật vào trong hệ thống nguồn nước sinh hoạt, có thể gây ra dịch tả, tiêu chảy,” ông Châu nói và nhấn mạnh nguồn nước cung cấp cho đô thị và nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội còn rất nan giải.
Có chung quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng (Nguyên Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII) cho hay nhiều khu vực tại đô thị đang phải đối mặt với nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt.
Theo bà An, mặc dù đã có những quy chuẩn về chất lượng nước nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, nhất là công tác quản lý và khoa học công nghệ. Trong khi đó, nguồn nước hiện nay đang bị ô nhiễm và tình trạng nguồn nước đầu vào đang bị cạn kiệt.
Về công tác quản lý, theo bà An, hiện nay cũng đang có nhiều khó khăn, thể hiện ở việc phân cấp quản lý liên vùng, liên quốc gia; đường ống bị hư hỏng; dân số tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng dân số cơ học…
Rà soát toàn bộ hệ thống cấp nước, làm rõ trách nhiệm
Trước thực tế nêu trên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, nhấn mạnh việc quy hoạch không sát sẽ gây ra nhiều hệ lụy. “Vì thế, nếu chúng ta quan tâm đúng mức tới vấn đề quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, quy hoạch các công trình cấp nước sẽ hạn chế được một số vấn đề như thiếu nước như thời gian vừa qua,” bà An nói.
Tuy vậy, bà An cũng đặc biệt lưu ý vấn đề quy hoạch cần phải “đi trước một bước” và mang tính dài hạn, bởi khi đã có đề án quy hoạch nhưng không thực hiện triệt để, việc tổ chức thực hiện chưa tốt, thì ắt cũng sẽ khó có thể tháo gỡ được những khó khăn của các doanh nghiệp cung cấp nước, nhà máy xử lý nước.
Giữa tháng 10/2023, tại Khu đô thị Thanh Hà chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến việc dừng hoạt động trạm cấp nước cục bộ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đề cập thêm về câu chuyện đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, bà An cho hay điều kiện của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, vì vậy chủ trương xã hội hóa là cần thiết. Công tác xã hội hóa cần thực hiện trong mọi lĩnh vực không chỉ nước sạch mà còn trong lĩnh vực giáo dục, y tế sức khỏe…
“Do đó, việc huy động mọi nguồn lực ngoài nhà nước để hỗ trợ rất cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc tham gia vào lĩnh vực đầu tư nước sạch. Có thể nhận thấy doanh nghiệp luôn mong muốn đầu tư phải sinh lời, mà đầu tư lĩnh vực nước sạch không có lãi nhiều. Để làm được điều này cần hài hòa lợi ích các bên giữa doanh nghiệp – nhà nước – người dân,” bà An nói và gợi ý một số chính sách hỗ trợ tư nhân như hỗ trợ ưu tiên về thuê đất, thuế…
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Văn Vẻ, để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các đô thị thời gian tới, trước tiên cần phải rà soát, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về cấp nước đô thị hiện nay để sớm xây dựng ban hành Luật Cấp, thoát nước; qua đó làm cơ sở điều chỉnh toàn bộ hành vi liên quan đến cấp nước đô thị.
Về dài hạn, theo ông Vẻ, việc quy hoạch cấp nước đô thị phải gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; hoàn thiện cơ chế tài chính, đầu tư, cơ chế, chính sách xã hội hóa cấp nước đô thị; phân cấp quản lý cho địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp nước đô thị (tiền kiểm, hậu kiểm)…
Chia sẻ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nhấn mạnh về góc độ pháp lý, mỗi một cơ quan quản lý nhà nước, quản lý cá nhân đều có trách nhiệm riêng; trong trường hợp để xảy ra mất nước hoặc nước không đảm bảo chất lượng thì phải xem xét theo góc độ “trách nhiệm thuộc về ai.”
“Về nguyên tắc chung, cứ có hành vi vi phạm pháp luật thì phải có trách nhiệm pháp lý, hậu quả đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó,” Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Hùng Võ/Vietnam+
Theo VietnamPlus
Ảnh: Tình trạng thiếu nước sạch ở Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, gây xáo trộn cuộc sống người dân. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Xem bài viết gốc tại đây: