Những năm qua, việc hệ thống giao thông yếu kém, thiếu tính kết nối trở thành điểm nghẽn khiến ĐBSCL không phát huy được hết tiềm năng phát triển vốn có. Để giải bài toán này, Chính phủ đã có nhiều ưu tiên trong phát triển giao thông của vùng ĐBSCL.
Khai thông điểm nghẽn hạ tầng giao thông
Theo định hướng của Chính phủ, đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ phát triển trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Trong đó, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đánh giá về tiềm năng phát triển ÐBSCL, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là vùng đất hội đủ các yếu tố về tự nhiên, con người để trở thành một trung tâm kinh tế. Tuy nhiên, để phát huy hết những tiềm năng vốn có, ĐBSCL cần có nhiều động lực hơn nữa để phát triển, trong đó điểm nghẽn hạ tầng giao thông cần được nhanh chóng giải quyết.
Theo Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế. Ðến năm 2030, đầu tư mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Hệ thống giao thông ĐBSCL được quy hoạch đầu tư theo hướng kết nối giao thông đa phương thức nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của 3 trụ cột kinh tế của vùng là thủy sản, trái cây và lúa gạo.
Theo đó, ĐBSCL sẽ đầu tưcác tuyến cao tốc như tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Mỹ An – Cao Lãnh, An Hữu – Cao Lãnh, Châu Ðốc – Cần Thơ – Sóc Trăng… Đồng thời, xây dựng tuyến đường bộ, cầu để rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường khả năng vân chuyển hàng hóa đường bộ như xây cầu Rạch Miễu 2, cầu Ðại Ngãi và nâng cấp các tuyến quốc lộ…
Đối với giao thông đường thủy, đầu tư hoàn chỉnh Dự án luồng tàu biển cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu; đầu tư giai đoạn 2 tuyến kênh Chợ Gạo, phát triển hành lang đường thủy và các trung tâm logistics…
Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng vùng ÐBSCL khoảng 198.823 tỉ đồng, nhưng hiện vốn đầu tư đang vượt khả năng cân đối. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỉ đồng để đầu tư các dự án trọng điểm tại ÐBSCL.
Để thực hiện hóa các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông tiaaij ĐBSCL, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (QL53, QL62 và QL91B) tại ÐBSCL sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, 3 dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.158 tỉ đồng (QL53 tổng mức đầu tư hơn 1.811 tỉ đồng, QL62 hơn 2.190 tỉ đồng, QL91B hơn 3.155 tỉ đồng). Bộ GTVT đề xuất vay Ngân hàng Thế giới khoảng 5.777 tỉ đồng để đầu tư các hạng mục như chi phí xây dựng, thiết kế tư vấn, giám sát thi công, thiết bị trước thuế… phần còn lại là vốn đối ứng.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng, 3 dự án nâng cấp quốc lộ này sẽ nâng cao năng lực lưu thông, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa; đồng thời từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng ÐBSCL phát triển.
Cần sớm hiện thực hóa các tuyến cao tốc
Một thực tế cho thấy, ĐBSCL dù là vựa nông sản lớn nhất cả nước nhưng hiện vùng có tỷ lệ đường cao tốc tấp nhấn cả nước, với chỉ khoảng 40 km đã đưa vào sử dụng. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ĐBSCL thu hút được nhiều hơn nữa đầu tư trong và ngoài nước thì cần đầu tư xây nhanh chóng và nhiều hơn nữa các tuyến cao tốc kết nôi liên vùng và giữa các địa phương trong vùng.
Được biết hiện Bộ Giao thông vân tải và các địa phương vùng ĐBSCL đang nỗ lực để sớm về đích dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Đây là dự án được triển khai được khởi công từ tháng 1/2021 với tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Và yêu cầu Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, thiết bị thi công đẩy nhanh tiến độ, cũng như công tác giải ngân dự án, đảm bảo dự án cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2022.
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau để đốc thúc sớm bàn giao cọc giải phóng mặt bằng. Vì đây là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam, được Quốc hội, Chính phủ yêu cầu triển khai sớm để đảm bảo đến năm 2025 cơ bản hoàn thành.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu các địa phương sớm hoàn tất các thủ tục trước 30/6/2022 để trình phê duyệt dự án đầu tư, sớm bàn giao mặt bằng để dự án có thể khởi công vào cuối năm 2022. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, các tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng để kết nối giao thông vùng, tạo các trục phát triển của ÐBSCL. Ðể đẩy nhanh tiến độ các dự án cần sự phối hợp, hiệp đồng giữa các bên liên quan, hướng đến mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững của ÐBSCL.
Cuối tháng 3 vừa qua, kiểm tra tiến độ Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, yêu cầu Ban Quản lý Dự án 7 tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng khẩn trương bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại của tuyến đường tạm Tân Phú (tỉnh Vĩnh Long) trong tháng 4-2022, hoàn thành di dời hệ thống điện phía Tiền Giang trong quý II-2022. Ban Quản lý Dự án 7 phải rà soát lại tiến độ thi công chi tiết của từng gói thầu và toàn Dự án từ đó xây dựng lại kế hoạch thi công, rút ngắn tiến độ trên tinh thần đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình và phù hợp với kế hoạch giải ngân của dự án đã đăng ký.
Thư Anh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sắp hoàn thành sẽ giảm thời gian kết nối ĐBSCL với các vùng lân cận.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/giai-bai-toan-giao-thong-de-thuc-day-kinh-te-bdscl-66171.html