Gia Lai: Thiệt hại 53 tỷ đồng do hạn hán

Tính đến ngày 21/5, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận có hơn 3.000 ha nông nghiệp ở 12 huyện, thị xã, thành phố bị hạn nặng.

Những cây nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất là cà phê, lúa, mì, tiêu, và một số loại cây trồng khác. Ước tính thiệt hại lên đến hơn 53 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Huyên, là người dân trồng cà tại suối Pích, làng Klũh 2, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông cho biết: “Nhà trồng có gần một héc ta cà phê nhưng thiếu nước tưới trầm trọng. Người dân giành từng giọt nước tưới, suối thì khô cạn.  đây có gần 30 hộ trồng cà nhưng đều héo hết rồi. Giờ chưa biết làm sao”.

Trả lời báo chí, ông Trịnh Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, hơn một tháng nay, nắng nóng gay gắt làm sông suối, ao hồ cạn nước. Cây công nghiệp, cây ăn quả không có nước để tưới. Nhiều thôn bản có dấu hiệu thiếu nước sạch. Người dân phải nạo vét giếng để chắt từng can nhỏ nước về sinh hoạt.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai cũng đang quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp cùng các cấp chính quyền đẩy mạnh các giải pháp tức thời và lâu dài nhằm giải quyết hạn hán cho người nông dân.

Ruộng mì quay quắt trong nắng hạn ở Kông Chro.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai – ông Lưu Trung Nghĩa, nói: “Về giải pháp, Sở đề nghị UBND các huyện thị có phương án điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, ưu tiên cho nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nước tưới cho các cây trồng trong thời gian ra hoa, kết trái; Tổ chức nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước”.

Nước sinh hoạt cũng trở nên khan hiếm ở xã Dun, huyện Chư Sê.

Theo thống kê, tỉnh Gia Lai có hơn 300 công trình thủy lợi gồm khoảng 100 hồ chứa, hơn 180 đập dâng và 42 trạm bơm. Nhưng hiện nay, một số đập dần cạn kiệt, lưu lượng nước ở các sông lớn trong tỉnh cũng giảm mạnh.

Nhiều loại cây nông nghiệp thiếu nước tưới trầm trọng.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Công điện 601/CĐ-TTg yêu cầu tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung bộ và Tây Nguyên. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt và cứu hạn cây trồng.

Mai Trung

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ruộng lúa khô hạn khi đang trổ đòng ở Kbang.