(Phapluatmoitruong.vn) – Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra gần 100 vụ cháy mía với diện tích khoảng 315 ha, gây thiệt hại nặng nề cho hơn 200 hộ dân và làm ảnh hưởng đến kế hoạch thu mua, sản xuất mía của doanh nghiệp.
Đây là niên vụ xảy ra số lượng đám cháy nhiều với diện tích gấp 5 lần so với niên vụ trước, khiến 205 hộ dân đứng ngồi không yên vì sau bao ngày chăm sóc vất vả đến kỳ thu hoạch bỗng nhiên mất trắng.
Về nguyên nhân khiến các ruộng mía bị cháy, các cơ quan chức năng nhận định chủ yếu là do ý thức, sự chủ quan của người dân khi đốt dọn, để cháy lây lan. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng không loại trừ yếu tố có người cố ý tự đốt vườn mía của mình.
Theo số liệu thống kê, những vụ xảy tại các địa phương như huyện Phú Thiện 46 vụ, cháy 180 ha; huyện Kbang xảy ra 3 vụ, cháy 7,2 ha; huyện Kông Chro 17 vụ, cháy 51,3 ha; huyện Chư Sê 1 vụ, cháy 27 ha; huyện Đak Pơ 5 vụ, cháy 6,7 ha; huyện Ia Pa 15 vụ, cháy 24,4 ha; huyện Krông Pa 7 vụ, cháy 10,7 ha; thị xã Ayun Pa 4 vụ, cháy 6,9 ha và thị xã An Khê 1 vụ, cháy 0,9 ha.
Chia sẻ với PV, ông Phù Chí Linh (thị xã An Khê), cho biết: “Tôi rất đau lòng khi 2,5 ha mía chờ ngày thu hoạch của gia đình bỗng dưng bị cháy. Lá mía khô, cộng với gió thổi, trời nắng nóng khiến ngọn lửa bao trùm toàn bộ, khói bốc lên nghi ngút. Lửa như thế vào chỉ có chết, nên không ai có thể vào để dập được. Tôi đã gọi cứu hỏa nhưng họ không đến kịp, đành nhìn mía cháy hết…”.
Bên cạnh đó, ông Linh cũng cho biết, gia đình ông không có thù hằn gì với ai. Mía cháy như vậy, chắc hẳn có người đốt hoặc cháy lây từ rẫy bên cạnh sang. Người dân rất mong muốn các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh nhằm có biện pháp xử lý các sự việc xảy ra đám cháy, cùng với đó, nhanh chóng hỗ trợ người dân thu mua số lượng mía cháy.
Tương tự, ông Vi Văn Toàn (thôn Thanh Hà, xã A Yun Hạ, huyện Phú Thiện) cũng bị thiệt hại nặng nề khi diện tích trồng mía của gia đình bị cháy. Ông cho biết có trồng 1,4 ha mía nhiều năm nay, khi mía bị cháy, ông đã huy động hàng chục công nhân gấp rút thu hoạch để giảm bớt thiệt hại. Sau sự việc, ông mong rằng các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thu mua mía nguyên liệu cho bà con để mía không bị khô, giảm sản lượng.
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền trong phòng chống cháy mía trên địa bàn tỉnh; Điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy mía, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình phá hoại; Chủ động trong công tác ứng cứu chữa cháy khi có cháy mía xảy ra để nhanh chóng kịp thời dập tắt đám cháy, không để lây lan ra diện rộng, bảo vệ ruộng mía cho người dân.
Trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai niên vụ 2022-2023 đã xảy ra 99 vụ cháy mía với diện tích khoảng 315 ha.
Đối với UBND các địa phương có trồng mía cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về phòng, chống cháy mía; việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải thông báo cho chính quyền địa phương cấp xã để cử cán bộ theo dõi, giám sát, tránh tình trạng cháy lan; điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ mía cháy trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Khi có vụ cháy mía xảy ra cần tổ chức huy động ngay lực lượng tại chỗ để ứng phó, kịp thời dập tắt đám cháy, không để lan rộng.
Các vụ cháy xảy ra ở hầu hết các địa phương có diện tích trồng mía.
Đối với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm chủ động hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác phòng chống cháy mía trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các Công ty, Nhà máy đường trên địa bàn tỉnh có kế hoạch thu mua mía cho người dân, không để xảy ra tình trạng ép giá; tạo điều kiện hỗ trợ các Công ty, Nhà máy đường trên địa bàn tỉnh trong công tác vận chuyển mía.
Các vụ cháy gây thiệt hại cho hơn 200 hộ dân và làm ảnh hưởng đến kế hoạch thu mua, sản xuất mía của doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với các Công ty, Nhà máy đường trên địa bàn tỉnh phải có kế hoạch chủ động ưu tiên thu mua kịp thời các diện tích mía bị cháy nhằm hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã tổ chức sản xuất, quản lý tốt vùng nguyên liệu của đơn vị, không được xâm lấn lẫn nhau; không phát triển vùng nguyên liệu mía ngoài vùng mía đã được xác định; xây dựng phương án thu mua, tổ chức thu mua mía và chế biến đường một cách khoa học, kịp thời, đúng thời điểm mía chín. Công khai, minh bạch, xác định đúng chữ đường và tạp chất. Thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã ký kết với người dân. Quan tâm hỗ trợ, chia sẻ rủi ro cho nông dân trồng mía có diện tích bị cháy thuộc vùng nguyên liệu của đơn vị để ổn định đời sống và sản xuất, gắn bó lâu dài với Công ty, Nhà máy…
Chương Hoàng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nông dân Gia Lai bị thiệt hại nặng nề khi nhiều diện tích trồng mía bị cháy.