Gia Lai: Những vườn trắc chảy máu

Trắc, một loại cây gỗ quý thuộc nhóm I có tuổi đời trên 10 năm đang bị di thực một cách ồ ạt nhưng chính quyền địa phương không hay biết.

Những cây trắc tại khoảnh 10, 12 tiểu khu 188 đang được đánh từ cái gốc, cái rễ lên để bọc lại. Đây là việc làm để di thực cây đi trồng ở nơi khác. Kiểm đếm sơ qua tại hai vị trí trên, có khoảng gần 70 cây trắc có tuổi đời từ 7 đến hơn 10 năm tuổi, được xác định là những cây trắc mọc tự nhiên thế hệ F1 được người dân khoanh nuôi từ nhiều năm nay.

Điều đáng nói, để đánh gần 70 cây trắc bọc trong lớp lưới kẽm B40 cẩn thận để vận chuyển đi như vậy chắc chắn cần một thời gian nhất định. Nhưng theo nhiều lãnh đạo xã Hà Tây, huyện Chư Păh, thì: “Không hề hay biết việc di thực những cây trắc này, việc làm này là của người dân có vườn, nương rẫy được cấp bìa đỏ, nên tài sản trên đất của người ta thì họ có quyền bán”.

Đem tọa độ mà PV bắn được theo phần mềm áp lên phần mềm quản lý của xã thì đây là hai mảnh đất nương của người đồng bào dân tộc thiểu số đã được cấp bìa đỏ.

Sau khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Minh – Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây đã cùng nhóm cán bộ xã đi vào hiện trường. Đến chiều tối cùng ngày, ông Minh thông tin: Những cây người dân tiến hành cắt gốc bứng vào bầu là cây gỗ trắc. Quá trình thực hiện việc làm này, người dân không báo cáo với lãnh đạo xã. Hiện xã đang tiến hành xác minh chủ đất là hộ dân nào và họ đã tiến hành việc làm này từ khi nào. Hiện tượng này có dấu hiệu buôn bán thương mại”.

Theo tìm hiểu của PV, theo thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam thì đối với hồ sơ khai thác lâm sản này, chủ vườn tự lập, tự khai. Kiểm lâm huyện Chư Păh cũng cho biết người dân làm theo thông tư 27.

Tuy thuộc nhóm quý hiếm nhưng trắc đang được di thực một cách vô tư mà chính quyền và ngành kiểm lâm không hay biết.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của pháp luật, theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp ngày 22/01/2019 của Chính phủ thì cây trắc đứng thứ 33 trong nhóm II Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Như vậy, việc khai thác cây trắc này phải tuân thủ điểm b khoản 1 Điều 4 của Nghị định 06/2019/NĐ-CP là “Các loài thực vật rừng, động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục II CITES có phân bố tự nhiên tại Việt Nam”.

Đến khi PV phát hiện sự việc, địa phương vẫn chưa biết người khai thác, vận chuyển trắc là ai.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chư Păh Nay Kiên: “Chính tôi cũng đang rất hoang mang, các anh kiểm lâm tham mưu là theo thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là được. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy nếu vậy thì có gì đó giống như buông lỏng quản lý. Có gì các anh cứ hỏi kiểm lâm thêm…”.

Tại huyện Chư Păh, cây trắc không chỉ phân bổ ở xã Hà Tây mà còn có rất nhiều ở xã Đăk Tơ Ver. Theo nhận định của một cán bộ kiểm lâm, loại này ở đây có đến hàng chục ngàn cây. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý, để người dân tự áp dụng theo thông tư 27 như trên sẽ dẫn đến một loại cây trong nhóm II được cảnh báo theo Phụ lục CITES sớm có nguy cơ tiệt chủng!

Mai Trung

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Cây trắc thuộc loài có nguy cơ tiệt chủng nếu không được quản lý chặt chẽ.

Link video cây bị bứng chờ di thực: https://youtu.be/yuTT2Qm5HYI