Gia Lai: Những vườn trắc chảy máu (Bài 2) 

Với vỏ bọc khai thác trắc trong vườn của người dân kèm theo hồ sơ được hợp thức hóa tại địa phương, những cây trắc ở Gia Lai đang được vn chuyển đi khắp nơi.

Sau khi Môi trường & Đô thị điện tử phản ánh tình trạng chảy máu cây trắc thế hệ F1 trong các vườn, nương rẫy của người dân vào ngày 7/8, đến nay, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của người trong cuộc như kiểm lâm, quản lý địa phương và thương lái.

Ngày 11/8, ông Bùi Quang Thịnh – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Păh cho hay: Việc này người dân thực hiện theo thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý thực tiễn tại địa phương cũng lộ nhiều bất cập, nhiều khi bắt giữ phương tiện và tang vật xong lại phải thả vì họ có giấy tờ theo quy định của thông tư”.

Ngay sau đó, ông Thịnh đưa cho PV một xấp tài liệu là hợp đồng mua bán trắc của thương lái với người dân. Tuy nhiên, xem qua hợp đồng thì thấy có rất nhiều vấn đề. Đó là hợp đồng thực hiện trong hơn 1 năm từ ngày 20/10/2019 đến năm 2020 và thường xuyên có 6 người đào cây thủ công.

Các thửa đất trong hợp đồng được xác định là của gia đình ông Lưm và gia đình bà Đinh Ngao. Nhà ông Lưm bán 12 cây trắc, nhà bà Đinh Ngao 100 cây trắc. Tuy chỉ có 112 cây trắc, mỗi cây có đường kính 15 cm – 25 cm nhưng 6 người tiến hành đào thủ công trong hơn một năm?! Và trong năm qua, đã bao nhiêu cây trắc được khai thác trót lọt theo bộ hồ sơ này?

Tuy thuộc nhóm quý hiếm nhưng trắc lại bị di thực một cách vô tư mà chính quyền và ngành kiểm lâm không hay biết.

Tiếp xúc người được xác định trong hồ sơ là thương lái mua trắc – ông Nguyễn Đức Mười (biệt hiệu là Mười Đen), PV được biết: “Tôi mua về để bán, cuối năm 2019 có người ở tỉnh Tây Ninh muốn mua trắc về làm cây cảnh nên đã đặt cọc 10 triệu đồng. Sau khi tôi tìm được cây trắc để thu mua và bán lại thì người đó vì sợ nên đã bỏ cọc luôn”. Ngoài ra, ông Mười cũng thông tin thêm, hiện nay ông chỉ mua bán sang tay theo kiểu lời thì làm, lỗ bỏ.

Đến khi PV phát hiện sự việc, địa phương vẫn chưa biết người khai thác, vận chuyển trắc là ai.

Thời gian gần đây, cây trắc được người dân vô tư bán cho thương lái mà không thông qua chính quyền và kiểm lâm địa phương. Ngoài ra, tuy là loại cây quý thuộc hệ F1 nhưng kiểm lâm địa phương lại áp dụng thông tư 27 mà không áp dụng Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp ngày 22/01/2019 của Chính phủ. Chính điều này khiến cho loài cây quý này ngày một giảm ở các diện tích rừng tự nhiên và khu vực được người dân khoanh nuôi.

Mai Trung

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Cây trắc thuộc loài có nguy cơ tiệt chủng nếu không được quản lý chặt chẽ.

Link video cây bị bứng chờ di thực: https://youtu.be/yuTT2Qm5HYI