Gia Lai: Gần 7ha rừng tự nhiên bị san phẳng

 “Thời gian qua, thông tin về việc chuyển đổi đất rừng, chuyển đổi cây trồng hay dự án nông nghiệp công nghệ cao đang được khảo sát trên địa bàn xã… khiến nhiều bà con dân làng sợ sau này không có đất làm nương rẫy nên lén lút phá rừng, lấy đất sản xuất”- đó là lời biện minh của ông Rơ Lan Chim, Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) sau khi phát hiện gần 7ha rừng tự nhiên trên địa bàn vừa bị san phẳng.

Để có thông tin chính xác về diện tích rừng bị tàn phá tại khu vực biên giới thuộc xã Ia Mơr được phát hiện vào ngày 24 và 25/2 vừa qua, UBND huyện Chư Prông vừa triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng của địa phương nhằm kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đang diễn ra.

Theo thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng, diện tích rừng bị xâm hại và phá trắng có diện tích lớn nhất thuộc về lâm phần do UBND xã Ia Mơr quản lý; khu vực rừng bị triệt hạ được xác định tại 5 vị trí thuộc rừng sản xuất với tổng diện tích lên đến 66.151m2 tại khu vực lô 5, khoảnh 10, Tiểu khu 1012; tại lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Muer quản lý xác định có 2 vị trí là rừng tự nhiên thuộc khu vực phòng hộ đầu nguồn, với diện tích rừng bị phá hoại khoảng 7.194m2. Tại vị trí phát hiện, toàn bộ cây rừng có đường kính từ 10-25cm đều bị chặt, cưa hạ và được người dân gom cây thành đống để đốt, dọn cho việc phát rẫy. Diện tích rừng bị phá hoại được cơ quan chức năng xác định là phá rừng lấy đất sản xuất, các cây rừng bị phá hoại đa phần là cây Dầu, Cà Chít… thuộc nhóm I-IV

Người dân phá rừng lấy đất sản xuất

Không rõ cơ chế phối hợp, quản lý, bảo vệ  đất rừng tại đây ra sao, nhưng một thực tế đã diễn ra trong nhiều tháng qua là vô số diện tích rừng bị tàn phá theo kiểu tận diệt mà từ phía chính quyền, đến lực lượng chức năng đều không hề hay biết.

Nói về vụ phá rừng vừa xảy ra trên địa bàn, tại cuộc họp khẩn với các ngành chức năng, ông Nguyễn Anh Dũng- Chủ tịch UBND huyện Chư Prông thừa nhận: tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn biên giới thời gian qua có chiều hướng gia tăng ngay từ cuối năm 2018 và tăng mạnh vào đầu 2019; trong đó, rừng tại khu vực tưới thuộc công trình thủy lợi Ia Mơ bị xâm hại nghiêm trọng nhất.

Ngay trong tuần này, địa phương sẽ thành lập đoàn phối hợp cùng các xã vùng biên tổ chức tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ rừng. Riêng với toàn bộ diện tích rừng vừa bị phá, chúng tôi sẽ chỉ đạo các lực lượng tiến hành khoanh nuôi, phát triển lại diện tích rừng đã mất. Bên cạnh đó, giao cho Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với công an và các ban ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, xem xét đủ các yếu tố sẽ khởi tố vụ án chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật – Chủ tịch UBND huyện cho biết.

Nguyễn Giác – Báo VHO

Theo Báo Văn Hóa

Ảnh: Rừng khộp tại khu vực biên giới bị phá hoại nghiêm trọng, ngành chức năng không hề hay biết.

Xem bài viết gốc: http://baovanhoa.vn/kinh-te/artmid/462/articleid/16347/gia-lai-gan-7ha-rung-tu-nhien-bi-san-phang