Gia Lai: Đường trăm tỷ sạt lở nghiêm trọng (Bài 2)

Ngay sau khi dường bị sụt lún nghiêm trọng, các đơn vị liên quan đã đến hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân.

Như Môi trường & Đô thị điện tử đã đưa tin, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặt đường bị nứt toác, nhiều nơi nứt rộng tới 50cm, sâu hơn 1m. Kè bê tông ở taluy hai bên đường cũng bị sụt lún, biến dạng, gây khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Đại diện Ban Quản lý dự án 6 – Bộ Giao thông Vận tải cùng ông Nguyễn Cao Thảo – Chỉ huy trưởng công trình, đơn vị tư vấn thiết kế đã có mặt để khảo sát, tìm hiểu hiện tượng bị sụt lún.

Theo ông Nguyễn Cao Thảo: “Con đường được chúng tôi thi công đảm bảo chất lượng. Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu. Khi chúng tôi thi công thời tiết đang vào mùa khô, bằng trực quan bên ngoài thì cũng không có khó khăn gì”.

Mặt đường hư hỏng nghiêm trọng gây nguy hiểm cho người đi đường.

Được biết, công trình khởi công từ giữa tháng 5/2018 và mới hoàn thành vào tháng 6/2019. Nguồn vốn để thi công là từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư giai đoạn 2014-2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng QL 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên tại quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 14/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Phần taluy âm cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Đoạn đường bị hư hỏng thuộc gói thầu số 10, dài 3,8km, với vốn xây dựng 71,16 tỉ đồng, do Công ty CP 471 (TP Vinh, Nghệ An) thi công. Đây là gói thầu xây lắp lớn nhất của dự án (khoảng 40% tổng giá trị xây lắp). Gói thầu này có hai đoạn đào đắp cục bộ lớn (tổng hơn 110.000m3 đào, gần 100.000 m3 đắp). Phạm vi ảnh hưởng sụt lún vào khoảng từ 120 đến 150m. Có những chỗ mặt đường chính bị tụt thẳng đứng xuống rơi vào khoảng 30 đến 40 m, kéo theo các phạm vi khác tụt theo.

Chân mố trụ an toàn gần như rời khỏi mặt đường.

“Đoàn nghi ngờ thời gian qua địa bàn Tây Nguyên mưa nhiều. Phần mặt đường bị tụt 30 đến 40 m nghi ngờ có khả năng là phạm vi của túi đất yếu. Đất yếu tụt xuống kéo theo phạm vi ảnh hưởng tụt nền đường xuống, gây hiện tượng nứt, tụt thẳng xuống. Nghi ngờ khu vực đất yếu trước kia có khả năng là cái đầm, cái ao được bồi lắng, đến khi khảo sát thì không phát hiện ra. Chúng tôi sẽ chọn vị trí sâu nhất sẽ khoan 2 mặt cắt ngang để đánh giá phần nền đường thi công cũng như địa chất bên dưới thế nào để tìm nguyên nhân, sau đó đề ra giải pháp xử lý”, ông Nguyễn Kiều Hưng – Phó Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.

Mai Trung

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Mặt đường bị sụt lún, có độ vênh lớn.