(Phapluatmoitruong.vn) – Khi nghe chốt kiểm dịch Covid-19 được thành lập trên đường QL14C thuộc xã biên giới của tỉnh, cô gái Kpuih H’Phinh đã hăng hái tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch.
Vợ chống dịch, chồng chăm con
Những ngày đầu tháng 8, trong cơn mưa nặng hạt, PV đã chạy xe máy khoảng 80 km từ Tp.Pleiku để về chốt kiểm dịch Covid-19 trên quốc lộ 14C, thuộc địa bàn xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Đây là chốt kiểm dịch vùng biên giới, xa khu dân cư với 2 chòi nghỉ của 7 đồng chí tham gia công tác tuyến đầu và nhà chờ để cho công dân đi từ vùng dịch về có chỗ trú tạm trong lúc chờ để làm các thủ tục cần thiết hoặc đợi xe đến đón.
Được biết, trong số 7 cán bộ làm ở đây thì nữ điều dưỡng tên Kpuih H’Phinh là phụ nữ duy nhất. Khi nghe trên địa bàn xã có chốt kiểm dịch, chị H’Phinh đã để lại 2 đứa con nhỏ (7 tuổi và 4 tuổi), cho chồng chăm sóc rồi tình nguyện tham gia chống dịch. Chị cho biết, bản thân rất tự hào khi được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ chung của địa phương.
Nhà cách chỗ kiểm dịch khoảng 10 km, nhưng kể từ khi lên trực chốt đến nay, chưa bao giờ chị ghé thăm nhà. Mỗi khi nhớ con quá, chị gọi điện nhờ chồng chở 2 đứa nhỏ lên, rồi chị đứng xa từ phía trong để nhìn các con mình.
Khi được hỏi về con, chị nhìn về hướng xa, nơi gia đình có chồng và con đang ở nhà, rồi nở nụ cười thật tươi: “Mình nhớ con, con cần mẹ, nhưng hàng trăm người dân từ vùng dịch về cũng cần mình. Con ở nhà có chồng chăm sóc, nên mình cũng yên tâm công tác và gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều khi qua điện thoại, hay chồng chở các con lên, cả gia đình nhìn nhau từ xa, con nói “nhớ mẹ”, mình càng mong dịch bệnh nhanh qua để về với chồng con, với làng xóm yên bình”.
Chị kể, khi biết chị xung phong vào tuyến đầu chống dịch, bố mẹ và chồng rất tự hào và ủng hộ chị hết mình. “Em tham gia giúp dân, giúp đất nước thì hãy cố gắng lên em nhé, anh sẽ chăm sóc con thật tốt!”, chị H’Phinh vui vẻ khi nhớ lại lời chồng.
Nhiều đêm không ngủ!
Tại chốt trực, chỉ mình chị H’Phinh làm bên ngành y, vậy nên chị luôn phải có mặt 24/24h. Chị tâm sự, dù mới tham gia công tác phòng chống dịch ở chốt này từ ngày 23/7, nhưng cân nặng đã sụt giảm khoảng 2 kg. Lý giải cho việc này, chị cho biết, người dân từ vùng dịch về không theo một thời gian nhất định, có khi ban ngày, có khi 11 h tối hoặc 3-4 h khuya. Cứ thế, chị luôn mặc trên người bộ đồ bảo hộ để làm nhiệm vụ, có khi 2-3 ngày không được nghỉ ngơi đúng nghĩa.
“Công việc vất vả là vậy, nhưng mình cảm thấy mình mạnh mẽ lắm, một là vì sức khỏe trời cho, hai là làm vì sức khỏe của nhân dân nên chưa bao giờ mình nhụt chí. Ngoài ra, lãnh đạo chính quyền địa phương và lãnh đạo, đồng nghiệp nơi mình làm việc cũng thường xuyên điện thoại hỏi thăm càng tiếp thêm động lực cho mình vững bước”, chị Kpuih H’Phinh vui vẻ nói.
Một góc của xã biên giới Ia Pnôn.
Theo ông Lê Đình Nam – Phó Trưởng Công an xã Ia Pnôn được phân công phụ trách chốt kiểm dịch ở QL14C: “Một ngày chốt kiểm dịch này đón khoảng 30 người dân từ vùng dịch về. Cao điểm như ngày 31/7 có đến 50 người. Họ chủ yếu đi bằng xe máy nên công tác phân luồng và làm các công tác khai báo… cũng gặp khó khăn. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp cũng như người dân trong xã nên anh em cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Khi được hỏi về nữ điều dưỡng, Phó Trưởng Công an xã nhấn mạnh: “Bản thân Kpuih H’Phinh là nữ, công việc liên tục nhưng đồng chí đã không ngại khó, ngại khổ cùng với anh em trong đội thực hiện nghiêm túc quy định đã đề ra”.
Còn ông Nguyễn Trọng Phú – Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, thì nhận xét, nữ điều dưỡng là một người hòa đồng, nhiệt tình trong công việc, khi nghe trên địa bàn xã lập chốt phòng chống Covid-19, chị đã xin được tham gia. Dù khó khăn, vất vả nhưng địa phương vẫn luôn động viên các anh em thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc và đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên, mong sao dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi.
Chương Hoàng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nữ điều dưỡng Kpuih H’Phinh đang hướng dẫn và đo thân nhiệt cho người dân (không phải từ vùng dịch về) khi đi qua chốt.