(Phapluatmoitruong.vn) – Như chúng tôi đã phân tích trong 02 bài viết trước, Dự án 661 của tỉnh Gia Lai sau 20 năm hoạt động đã không làm tăng diện tích rừng mà còn làm mất đi rất nhiều rừng tự nhiên và rừng trồng.
Rừng tái sinh, khoanh nuôi mất hay còn?
Dự án 661 Tây Bắc Đăk Đoa (gọi tắt là Dự án 661) được UBND tỉnh Gia Lai thành lập sau khi có Quyết định số 661 ngày 29/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trồng mới 5 triệu ha rừng. Ngày 23/5/2001 Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 740, giao cho ban dự án 661 quản lý bảo vệ 3.679,6 ha rừng; trồng rừng phòng hộ 700 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.027 ha; chăm sóc rừng trồng 187,5 ha; chăm sóc rừng khoanh nuôi 201 ha. Theo báo cáo giải trình số 963 ngày 17/02/2020 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai thì giai đoạn 1 (từ năm 2001 – 2010) quản lý bảo vệ rừng chỉ dừng ở mức 2.127,2 ha (đạt 57,8% so với nhiệm vụ); trồng rừng phòng hộ 496,8 ha (đạt 70,9%); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 200 ha (đạt 19,5%); chăm sóc rừng trồng đạt 161,8%; chăm sóc rừng khoanh nuôi 601 ha (đạt 299%). Giai đoạn 2 (từ năm 2011 đến 2019) các chỉ tiêu đạt từ 92,7% trở lên. Như vậy tại Ban dự án 661 trong hai giai đoạn đã có 200 ha rừng được xúc tiến tái sinh và chăm sóc rừng khoanh nuôi 601 ha. Theo số liệu mà phóng viên có được thì từ năm 1999 đến 2002, 1ha rừng khoanh nuôi có chi phí 50 ngàn đồng. Nhưng đến năm 2004 thì đơn giá cho 1ha rừng khoanh nuôi là hơn 109 ngàn đồng. Rừng được đưa vào khoanh nuôi là rừng có trữ lượng gỗ dưới 10m3/1ha.
Phê duyệt quyết toán vốn năm 2004 cho Ban dự án 661
Ủy ban nhân dân tỉnh có bỏ quên rừng khi bàn giao?
Tuy nhiên khi bàn giao thực tế về cho các ban quản lý rừng phòng hộ theo các quyết định số 06, 07, 08 ngày 22/01/2021 của UBND tỉnh Gia Lai do ông Đỗ Tiến Đông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ký thì các BQLRPH chỉ được giao đất rừng sản xuất (bao gồm đất rừng trồng, rừng tự nhiên) và đất chưa có rừng, không hề nhận quản lý một ha diện tích rừng khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh nào. Câu hỏi được đặt ra là, hiện nay 200 ha rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh mà Ban quản lý dự án 661 đã báo cáo đang ở đâu? 601 ha rừng được chăm sóc khoanh nuôi ai đang quản lý vì BQL Dự án 661 đã giải thể? Nếu diện tích rừng xúc tiến tái sinh và rừng chăm sóc khoanh nuôi đã trở thành rừng tự nhiên thì diện tích rừng tự nhiên phải tăng 801 ha, cộng thêm vào con số rừng tự nhiên đã bị mất theo QĐ 740 của UBND tỉnh Gia Lai – nghĩa là không phải con số 1.870,87 ha như chúng tôi đã nêu trong bài viết số 2 mà phải là con số 2.671,87 ha (!). Còn nếu 801 ha rừng đó không trở thành rừng tự nhiên thì tại sao UBND tỉnh Gia Lai không giao về các BQLRPH theo các quyết định 06, 07, 08? Thú vị hơn, năm 2014 Ban dự án 661 còn nhận được 901,415 triệu đồng tiền nuôi dưỡng rừng (bảng biểu số 5 theo báo cáo số 963).
Rừng thông của Ban dự án 661 bàn giao lại cho BQL rừng phòng hộ.
Mặt khác, theo QĐ 740 của UBND tỉnh Gia Lai, BQL dự án 661 được giao khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.027 ha; chăm sóc rừng khoanh nuôi 201 ha (tổng cộng là 1.228 ha) nhưng theo báo cáo số 963 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh GL thì Dự án 661 đã thực hiện chăm sóc rừng khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh chỉ có 801 ha, vậy thì còn 427 ha rừng chăm sóc khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh đã đi đâu? Nếu 427 ha rừng đó đưa vào diện rừng nghèo, kiệt thì BQL Dự án 661 đã làm mất nhưng không báo cáo (!)
Một giả thiết khác, nếu UBND tỉnh Gia Lai khi thu hồi và bàn giao diện tích rừng do BQL Dự án 661 quản lý cho 03 BQLRPH thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh không hề biết đến đến 801 ha rừng xúc tiến tái sinh và chăm sóc khoanh nuôi thì cần phải xem xét lại trách nhiệm của các bộ phận tham mưu. Nếu UBND tỉnh đã quên bàn giao số rừng này (hoặc thực tế không có rừng) thì tiền dịch vụ môi trường rừng trong bao nhiêu năm qua đã ở đâu?
Rừng bị đốt làm rẫy (ảnh chụp tháng 3 năm 2020).
Trong 20 năm thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch do UBND tỉnh Gia Lai giao, Ban dự án 661 đã làm mất 1.870,87 ha rừng tự nhiên; 347,51 ha rừng trồng; và đến bây giờ là 801 ha rừng chăm sóc khoanh nuôi và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh (chưa kể 427 ha rừng xúc tiến tái sinh và chăm sóc theo QĐ 740 không có trong báo cáo). Đã không đạt được mục đích làm giàu thêm rừng như đề án 5 triệu ha rừng của Thủ tướng Chính phủ mà dự án 661 của tỉnh Gia Lai còn tiêu tốn ngân sách gần 20 tỷ đồng, làm mất hơn 2.000 ha rừng. Tiền mất, rừng mất, nhưng đến nay chưa có ai chịu nhiệm về hoạt động của Ban dự án 661 Tây Bắc Đăk Đoa này.
Vũ Năm – Lê Hải – Y Nguyên
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Rừng tự nhiên thuộc Ban dự án 661 bị tàn phá nghiêm trọng (ảnh chụp tháng 3 năm 2020).
Xem thêm: