Gia Lai: 20 năm để mất hàng trăm ha rừng, ai chịu trách nhiệm? (Bài 2)

(Phapluatmoitruong.vn) – Được giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng, nhưng 20 năm sau, đến khi bàn giao về cho các đơn vị chuyên môn thì Dự án 661 còn làm mất hơn 1.800 ha rừng tự nhiên. Đây là con số thiệt hại vô cùng lớn cho đất nước!

Một dự án làm nghèo đất nước

Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết trước, ngày 23/5/2001 UBND tỉnh Gia lai đã ban hành Quyết định số 740/QĐ-CT phê duyệt cho Dự án 661 Tây Bắc Đăk Đoa (Dự án 661 – thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai ) 11.046,5 ha đất tự nhiên, trong đó đất có rừng tự nhiên là 3.383,90 ha; 210 ha rừng trồng; 3.292,3 ha đất không có rừng và 4.160,3 ha đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Sau 20 năm quản lý, chăm sóc, bảo vệ, ngoài việc đã để mất 347,51 ha rừng trồng, phá hoại ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng thì Dự án 661 còn làm mất hơn một ngàn tám trăm ha rừng tự nhiên. Đây quả thực là điều không ai có thể tưởng tượng nổi. Theo con số bàn giao cụ thể về cho các Ban quản lý thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thì rừng tự nhiên do Ban dự án 661 quản lý chỉ còn: 1.513,03 ha rừng tự nhiên. Cụ thể là: Ban QLRPH Bắc Biển Hồ 584,47 ha; Ban QLRPH Đăk Đoa 816,95 ha; Ban QLRPH Đông Bắc Chư Păh 111,61 ha. Như vậy, căn cứ vào quyết định 740/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ngày 23/5/ 2001 thì Dự án 661 đã làm mất thêm 1.870,87 ha rừng tự nhiên (!)

Rừng tự nhiên thuộc Dự án 661 bị khai thác trái phép

Trong một diễn biến khác, khi báo cáo giải trình bổ sung theo yêu cầu của UBND tỉnh Gia Lai (báo cáo số 2059/BC-BCH ngày 06/04/2020) thì Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh – đơn vị quản lý Dự án 661 – cho rằng, trong bốn giai đoạn từ 2001 đến 2019 rừng tự nhiên giảm 1.419,20ha. Tuy nhiên, các số liệu bàn giao thực tế vừa qua đã chỉ ra rằng, Ban dự án 661 cố tình giấu  451,67 ha đã bị mất, không đưa vào hồ sơ.

Khi PV trao đổi với các Ban QLRPH về việc UBND tỉnh giao quản lý rừng tự nhiên còn lại của Dự án 661 thì họ đều chung một nhận định “diện tích nào còn rừng thì chúng tôi nhận, nếu không còn rừng chúng tôi kiên quyết trả lại. Không ai phải chịu trách nhiệm để mất rừng thay người khác.”

Rừng bị tan hoang

Theo Quyết định 740/ QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ngày 23/05/2001 thì Dự án 661 kết thúc nhiệm vụ năm 2010. Trong giai đoạn này Dự án mới được Sở Tài chính giải ngân số tiền hơn  8.7 tỷ đồng. Khi hết nhiệm vụ, Ban Dự án 661 không tìm cách trả lại dự án cho địa phương khi không được cấp kinh phí hoạt động mà lại để cho người dân vô tư vào rừng khai thác gỗ và triệt hạ rừng trồng. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, sau đó Dự án 661 lại được tiếp tục với phần bổ sung kinh phí cho giai đoạn 2011-2019 là hơn 8 tỷ 594 triệu đồng.

Để mất rừng là đồng lõa với thảm họa của thiên nhiên

Đến thời điểm UBND tỉnh có công văn yêu cầu kết thúc Dự án 661 Tây Bắc Đăk Đoa, bàn giao lại rừng tự nhiên và rừng trồng cho các đơn vị khác thì rừng tự nhiên giảm 1.870,87ha, và rừng trồng mất đi 33,73 ha so với Quyết định 740/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai năm 2001. Còn nếu so với Nghị quyết 100 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai năm 2017 thì con số rừng trồng giảm đi 347,51ha, rừng tự nhiên giảm 498,73ha.

Trong 20 năm Ban dự án 661 đã tiêu tốn ngân sách hơn 17 tỷ đồng để trồng rừng, làm mất gần 2 ngàn ha rừng tự nhiên, thiệt hại này không thể tính bằng tiền được. Ngày 22/01/2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – Đỗ Tiến Đông – đã ký 3 Quyết định số 06, 07, 08 bàn giao rừng tự nhiên và rừng trồng về cho các đơn vị quản lý rừng phòng hộ. Việc này đang làm dư luận rất quan tâm, vì sao một dự án đã làm mất hàng ngàn ha rừng, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách nhưng không ai bị xử lý mà “âm thầm” bàn giao về cho các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?

Đốt rừng làm nương rẫy là chuyện thường ngày ở lâm phần thuộc Dự án 661.

Trong 20 năm vừa qua đất nước chúng ta đã phải gánh chịu biết bao thảm họa do thiên nhiên gây ra, đặc biệt là lũ lụt ở các vùng Trung Trung bộ  và Tây Nguyên, hàng vạn gia đình mất nhà cửa, ruộng vườn, thậm chí cả tính mạng cũng trôi theo dòng nước. Một trong những nguyên nhân đó là tàn phá rừng một cách không thương tiếc để phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Vì sao một đơn vị không hề có chuyên môn, không được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ lại được tỉnh Gia Lai ưu ái, giao cho quản lý, chăm sóc, trồng rừng vẫn đang là câu hỏi lớn trong dư luận xã hội? Vì sao một diện tích rừng đặc biệt lớn như vậy họ đã để mất đi nhưng không ai đứng ra chịu trách nhiệm? Rất nhiều câu hỏi mà bạn đọc đang chờ chính quyền tỉnh Gia Lai trả lời với công luận.

Vũ Năm – Lê Hải – Y Nguyên

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Rừng tự nhiên thuộc Dự án 661 bị phá nát

Xem thêm:

Gia Lai: 20 năm để mất hàng trăm ha rừng, ai chịu trách nhiệm? (Bài 1)