Gia Lai: 20 năm để mất hàng trăm ha rừng, ai chịu trách nhiệm? (Bài 1)

(Phapluatmoitruong.vn) – Mặc dù không có chức năng, nhiều lần làm tờ trình nhưng không được Bộ Tư lệnh QK5 và Bộ Quốc phòng chấp thuận vậy mà Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai vẫn được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ rừng. Chính quyết định sai trái này đã để mất hàng trăm ha rừng trồng (chưa kể rừng tự nhiên), quả là đáng kinh ngạc!

Dự án được giao trái luật

Là đơn vị quốc phòng, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh – chính trị của một tỉnh biên giới, không hề có chuyên môn về lâm nghiệp nhưng vì sao Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai vẫn được giao quản lý, bảo vệ hơn 11.000 ha rừng chính là điều mà dư luận vẫn đang rất quan tâm. Mặc dù theo báo cáo gần đây nhất của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, (báo cáo số 963/BC-BCH ngày 17/02/2020) thì khi xin phép thành lập lực lượng Ban quản lý rừng đơn vị không được Bộ tư lệnh Quân khu 5 chấp thuận, Bộ Quốc phòng cũng không giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, dự án 661 Tây Bắc Đăk Đoa (sau đây gọi tắt là Dự án 661) trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai vẫn được thành lập. Sau 20 năm, chỉ tính riêng phần thực hiện dự án trồng rừng (chưa tính diện tích rừng tự nhiên), Dự án 661 đã nhận rất nhiều tiền đầu tư từ nhà nước để thực hiện. Cho đến nay, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, rừng trồng đã sụt giảm hàng trăm ha (nói đúng hơn là mất trắng), thiệt hại ngân sách hàng chục tỷ đồng nhưng chưa có ai phải chịu trách nhiệm (!)

Theo Quyết định số 740/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ngày 23/05/2001, Dự án 661 được phê duyệt 11.046,5 ha đất tự nhiên. Trong đó đất có rừng tự nhiên là 3.383,90 ha; 210 ha rừng trồng; 3.292,3 ha đất không có rừng và 4.160,3 ha đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Dự án 661 sẽ kết thúc nhiệm vụ vào năm 2010. Tuy nhiên, chưa hiểu vì lý do gì, Dự án 661 vẫn tiếp tục quản lý bảo vệ rừng thêm 9 năm nữa (năm 2019) (!)

Báo cáo giải trình bổ sung của Bộ CHQS tỉnh Gia Lai

Số liệu về diện tích rừng trồng sụt giảm lớn chỉ bị phát hiện khi các cơ quan chức năng có số liệu kiểm kê độc lập về thực trạng để Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai bàn giao toàn bộ dự án về cho địa phương quản lý. Theo báo cáo giải trình của Ban quản lý Dự án 661, chỉ tính riêng phần diện tích rừng trồng trong giai đoạn 2001-2010 tăng 459,60 ha; giai đoạn 2011-2014 tăng 268,56 ha; giai đoạn 2015-2017 giảm 414,74 ha; giai đoạn 2018-2019 giảm 71,02ha…Bên cạnh đó, rừng trồng theo ngân sách giảm 193,93 ha; đo vẽ hoàn công thiếu hụt 32,5 ha; bị cháy 55,8ha, người dân phá rừng làm nương rẫy 105,63ha.

Gian dối số liệu khi thống kê để trục lợi

Đáng chú ý là trong giai đoạn 2011-2014 đơn vị này đã thống kê 462,49 ha bời lời, cao su của người dân vào diện tích rừng trồng tăng. Như vậy, để lấp liếm cho sự thiếu hụt diện tích rừng trồng, Ban Quản lý Dự án 661 đã tính “ăn gian” diện tích cao su bời lời của người dân vào diện tích trồng rừng để rút tiền ngân sách. Trên thực tế, diện tích rừng trong các giai đoạn này đã bị sụt giảm đáng kể.

Nghị quyết 100 của HĐND tỉnh Gia Lai

Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai có Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai thì đơn vị này đã “lấp liếm” hợp thức hóa bằng cách đưa 414,74 ha rừng cao su và bời lời của dân ra khỏi diện tích rừng trồng. Như vậy dự án 661 chỉ còn 523,42 ha rừng trồng.

Trong khi đó, rừng tự nhiên và rừng trồng của đơn vị này trong giai đoạn 2011 đến 2019 đều giảm mạnh về diện tích. Theo báo cáo giải trình bổ sung số 2059/BC-BCH của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai ngày 06/4/2020 thì tất cả nguyên nhân được cho là do người dân phá rừng làm nương rẫy, thống kê không đầy đủ và sai số khi đo đạc (!)

 Đáng chú ý, trong các giai đoạn tăng đột biến của rừng trồng thì đều do “thống kê cao su, bời lời” của dân vào diện tích. Còn lại đa số là diện tích rừng trồng giảm. Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao về cho các Ban quản lý rừng phòng hộ thì giai đoạn 2010 đến 2019 số liệu thống kê cho thấy, rừng trồng của Dự án 661 trong giai đoạn này bị giảm 217,2ha (giai đoạn 2011 – 2014: tăng 268,56ha; 2015-2017: giảm 414,74ha;  2018-2019: giảm 71,02ha.)

Ai là người chịu trách nhiệm?

Theo số liệu mà chúng tôi có, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011 đến 2019 Dự án 661 đã được đầu tư 8 tỷ 594 triệu đồng để trồng rừng (giai đoạn từ 2001- 2010 chưa có số liệu cụ thể). Đây là số tiền không nhỏ so với ngân sách eo hẹp của tỉnh. Tuy nhiên, để có con số thống kê diện tích rừng trồng tăng, trong báo cáo giải trình 963 của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai và báo cáo giải trình bổ sung số 2059 của đơn vị này đều nhấn mạnh rằng, họ đã thống kê diện tích cao su và bời lời của dân vào diện tích rừng trồng của Dự án (!). Thực tế tại bảng biểu số 5 (kèm theo báo cáo số 963) giải trình về sử dụng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng cho thấy chưa có mục trồng rừng. Vì vậy có thể nói rằng, Ban dự án 661 đã cố tình thống kê tài sản của người dân vào diện tích rừng trồng của đơn vị để trục lợi ngân sách. Đến năm 2017, khi Nghị quyết 100 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai ra đời thì diện tích rừng trồng của Dự án 661 được xác định là 523,42ha.

Tuy nhiên, năm 2021, khi con số thực tế bàn giao cụ thể về cho 3 đơn vị quản lý bảo vệ rừng (thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai) đã thể hiện như sau: Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý 55,04 ha rừng trồng; Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa quản lý 36,58 ha rừng trồng; Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh quản lý 84,29 ha rừng trồng (tổng cộng cả 3 đơn vị nhận thực tế là 175,91 ha). Như vậy so với rà soát 3 loại rừng theo Nghị quyết 100/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai năm 2017 thì con số rừng trồng mà Dự án 661 đã làm mất đi 347,51ha.

Theo ông V – Ban QLRPH A (xin được giấu tên) thì: để trồng 1 héc ta rừng từ năm đầu đến năm thứ 3 thuộc giai đoạn 2011 đến 2019 dao động từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng (con số này phụ thuộc vào địa hình, địa lý). Như vậy nếu mất đi 347,51 ha rừng trồng có nghĩa là Dự án 661 đã làm mất đi hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước nhưng chưa có một ai đứng ra nhận trách nhiệm về vấn đề này, sự việc đang như “huề cả làng”(!). Trong khi đó, tháng 9/2020, cũng chỉ vì để mất hàng trăm ha rừng trồng mà 02 Giám đốc BQL RPH Ia Grai, tỉnh Gia Lai (trong thời gian 20 năm với 02 đời giám đốc) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can!.

Trong 20 năm, Dự án 661 đã sử dụng hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách để bảo vệ, quản lý và trồng rừng, nhưng thực tế đã làm mất hàng trăm ha rừng trồng là điều không thể chấp nhận được. Việc bàn giao rừng từ Dự án 661 về cho các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai vừa qua có phải là để hợp thức hóa cho sai phạm hay không? Dư luận đang cần một câu trả lời!

Vũ Năm – Lê Hải – Y Nguyên

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Rừng trồng của dự án 661