Nhân kỷ niệm tròn 40 năm chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc (1979 – 2019), Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối phợp với Thương hiệu Gốm sứ Tâm linh NASON tổ chức buổi “Gặp mặt đồng đội”.
Những ngày này cách đây 40 năm trước, cả nước ta đang sục sôi không khí chiến tranh chống xâm lược phương Bắc, bởi Trung Quốc đã huy động tới hơn 600 ngàn quân, với 9 quân đoàn chủ lực, 32 Sư đoàn bộ binh, 6 Trung đoàn với 550 xe tăng, 4 Sư đoàn và Trung đoàn pháo binh phòng không, với 2559 khẩu pháo, dàn phóng tiễn…đồng loạt tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta…
“Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới… Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương” (Lời ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của Nhạc sĩ Phạm Tuyên)
Dù đơn phương khai chiến ngày 17/2/2019, nhưng Trung Quốc cũng nhanh chóng thua cuộc và phải tuyên bố rút quân từ ngày 5/3 đến 18/3. Tính đến ngày đó, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt 62.500 tên địch, bắt sống 260 tù binh, đánh thiệt hại nặng 9 quân đoàn chủ lực, bắn cháy 280 xe tăng, thiết giáp và 270 xe quân sự, phá hủy 115 khấu pháo, cối và dàn hỏa tiễn (Số liệu từ Tổng cục Chính trị QĐNDVN).
Về phía Việt Nam, thiệt hại cũng rất nặng nề, chỉ tính riêng cuộc chiến kéo dài một tháng này đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt – Trung, hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng, hơn 400.000 gia súc bị giết, một nửa trong số 3,5 triệu dân ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa và tài sản… (Nguồn: Cục Chính sách Bộ Quốc phòng).
Tuy nhiên, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải kết thúc trong tháng 3 năm 1979, mà còn kéo dài tới hơn 10 năm sau. Đã có hàng trăm ngàn người lính nhập ngũ và lên biên giới trong những năm tháng đó. Hàng chục ngàn người đã hi sinh và bị thương tích suốt đời. Chỉ riêng Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã có tới hơn 5.000 người lính hi sinh.
Điều đáng buồn là đã 30 năm sau cuộc chiến, nhưng hàng ngàn liệt sĩ của chúng ta vẫn chưa quy tập được hài cốt. Và cũng vì nhiều lý do, mà hàng trăm ngàn CCB của cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc của Tổ quốc vẫn chưa được xã hội quan tâm, chăm sóc đúng mức.
Nhân kỷ niệm tròn 40 năm mở đầu cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc, theo ý tưởng đề xuất của CCB nhà văn Đặng Vương Hưng (Phó Tồng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị VN); được sự ủng hộ của CCB Kỷ lục gia, Doanh nhân Lê Duy Hảo (người sáng lập Gốm sứ Tâm linh NASON); CCB Ngô Văn Học (nguyên Tổng Biên tập Báo Quân khu I) cùng một nhóm các CCB thế hệ “Những người đi giữ biên cương” đã trực tiếp tham gia 10 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1989); Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối phợp với Thương hiệu Gốm sứ Tâm linh NASON sẽ tổ chức buổi “Gặp mặt đồng đội” (1979 – 2019).
Với sự tham gia của nhiều CCB là nhân chứng từng trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh… Và sự chứng kiến của đại diện một số cơ quan báo chí – truyền thông.
Gặp mặt đồng đội” có sự tham gia của nhiều CCB là nhân chứng từng trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh. |
Với những người lính, từng trực tiếp chiến đấu, giáp mặt với sự sống và cái chết, tình đồng đội bao giờ cũng trân trọng và cao cả. Và chỉ những CCB mới hiểu được tình đồng đội thiêng liêng như thế nào:
“Về đây những đồng đội ơi!
Có nghe mưa đạn pháo rơi năm nào?
Máu tươi nhuộm đỏ chiến hào
Bao nhiêu trận địa, điểm cao vẫn còn…
Vẫn còn đó những núi non
Dấu chân người lính đã mòn tháng năm
Chỗ nào đồng đội đang nằm?
Chỗ nào xương trắng hỏi thăm xác người?
Cỏ cây giờ đã xanh tươi
Màu hoa đỏ tuổi hai mươi vơi đầy
Nghĩa trang liệt sĩ thêm dày
Mộ bia đã xếp hàng ngay ngắn rồi
Đồng đội ơi hãy về thôi!
Nhớ ngày giỗ trận tìm nơi mà về
Hồn thiêng xin trở về quê
Trở về đi, hãy trở về cùng nhau!
Nén hương thơm dịu nỗi đau
Cho bao nước mắt bắc cầu thành mưa.
Gọi hồn lính trận năm xưa…”
(Gọi hồn lính trận – Thơ Đặng Vương Hưng)
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đào Ngọc Hùng và TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tăng hoa cho CCB Lê Duy Hảo và CCB Đặng Vương Hưng. |
Trên tinh thần tri ân đồng đội, bạn chiến đấu cũ, cùng ôn lại những ký ức không bao giờ phải mờ về sự hi sinh, mất mát trong cuộc và tôn trọng sự thật lịch sử; cuộc “Gặp mặt đồng đội” cảm động đã được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa, do Thương hiệu Gốm sứ tâm linh NASON tài trợ chính. Các CCB và tất cả những ai quan tâm đến sự kiện này đều có thể tham dự, trên tinh thần tự nguyện, có thể ủng hộ hoặc đóng góp thêm cho BTC, tùy theo khả năng và không bắt buộc.
Cũng nhân cuộc “Gặp mặt đồng đội, các CCB có mặt đã cùng đề xuất: Chúng ta đã có “Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên”, “Huy hiệu Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị”, “Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa”… Thì tại sao lại không có HUY HIỆU CHIẾN SĨ BẢO VỆ BIÊN GIỚI để tặng cho hàng trăm ngàn CCB đã trực tiếp tham gia các cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới của Tổ quốc và các thế hệ “Những người đi giữ biên cương” sau này.
Hi vọng cuộc “Gặp mặt đồng đội” của các CCB sẽ góp phần xây dựng thêm truyền thống tốt đẹp của “Anh bộ đội cụ Hồ” nói riêng và lực lựng vũ trang nhân dân nói chung; nhắc nhớ xã hội cần quan tâm hơn tới “Những người đi giữ biên cương”, chống ngoại xâm cho hôm nay và mai sau.
Khi cần trợ giúp, có thể liên hệ với BTC qua một trong các số điện thoại:
- CCB Đặng Vương Hưng: 0913 210 520
- CCB Lê Duy Hảo: 0868 161 959
- CCB Ngô Văn Học: 0986 785 626
Theo Môi trường & Đô thị
Ảnh: Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối phợp với Thương hiệu Gốm sứ Tâm linh NASON tổ chức buổi “Gặp mặt đồng đội”.