Xuất phát từ bức bách kinh tế dẫn đến những đảo lộn lớn về nhân khẩu học đô thị, lan sang các địa hạt văn hóa, trạng thái đã khiến Hà Nội, TP.HCM đang dần tiến tới chỗ “nông thôn hóa” theo nghĩa tiêu cực của cụm từ này…
Xuất phát từ bức bách kinh tế dẫn đến những đảo lộn lớn về nhân khẩu học đô thị, lan sang các địa hạt văn hóa, trạng thái đã khiến Hà Nội, TP.HCM đang dần tiến tới chỗ “nông thôn hóa” theo nghĩa tiêu cực của cụm từ này…
Những người chờ lúa chín
Tất nhiên muốn thực thi đô thị hóa tại chỗ cần bắt đầu nhận thức từ nguồn cơn của nó, là vấn đề kinh tế -xã hội lớn, nghiêm trọng: Tình trạng di dân ồ ạt nông thôn vào thành thị. Gọi là “đô thị hóa dân số” với người nông dân là nhân vật chính, vấn đề rất phức tạp này nằm ngoài khả năng của người viết, nhưng vì logic toàn bài nên xin lướt qua.
“Năm 1951 một người nông dân Nhật điển hình với 1ha ruộng lúa phải làm việc 251 ngày/một năm. Đến năm 2000 (sau 49 năm) anh ta chỉ cần làm việc 30 ngày/năm cũng trên cùng mảnh đất đó, lại đỡ vất vả hơn nhiều nhờ cơ giới hóa nông nghiệp” (5).
Còn ở Việt Nam, theo thống kê trong một nghiên cứu của Pierre Gourou năm 1936 (6): “Với 1 ha, tùy từng trường hợp, người nông dân phải bỏ ra 370-450 ngày công lao động/năm (gần gấp đôi nông dân Nhật) bằng một kỹ thuật nông nghiệp rất hoàn hảo (được) tất cả những nhà nông học đã nghiên cứu về xứ sở này thán phục” (trước 1945 năng suất bình quân 1,2-1,3 tấn/ha). Đó chính là lý do người nông dân Việt dù có trong tay kỹ thuật canh tác xuất sắc và lao động đến kiệt sức vẫn chịu mức sống thấp hơn từ 5-7 lần nông dân Pháp cùng thời kỳ. Tức là dường như không có phép màu, không có “cuộc cách mạng quan hệ sản xuất long trời lở đất nào” có thể đưa người nông dân Việt Nam thoát nghèo đói nếu cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật không đến.
Vâng, cuộc cách mạng đó đã đến với bạn tôi, một nhà nông ở xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Ông kể: gia đình có 1 ha trồng lúa hai vụ/năm, tổng thời gian cày, bừa, phun thuốc sâu, thu hoạch, xay xát… mất khoảng 30 ngày công (ngang nông dân Nhật). Nhân tiện nói lâu nay hầu hết nông hộ đã thuê các công đoạn sản xuất cơ giới, chứ chẳng lẽ sắm máy cày, bừa chỉ vì mấy mảnh ruộng?
Cả năm ông thu được 11- 12 tấn thóc (khoảng 6-7 tấn gạo) sau khi trừ chi phí thuê mướn, mua phân bón, hóa chất… nhận về từ 35-50 triệu tùy năm cho nông hộ 4 người. Một hiện tượng “chết đói trong nhàn rỗi”. Tất nhiên, “không thể ngồi 11 tháng chờ lúa chín” phổ biến là người trẻ “khăn gói quả mướp” lên đường đi bất cứ đâu tìm việc làm, để lại người già, trẻ thơ trong các xóm làng mênh mông hiu quạnh.
Câu chuyện sơ sài ấy dẫu chẳng đáng gọi “khái quát” thực trạng lao động ở nông thôn vì không phải nông hộ nào cũng trồng mỗi lúa, nó chỉ góp phần thông báo tuy người nông dân Việt đã được hưởng thành quả to lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp nhưng lại chịu một tấn kịch khốn khổ mới. Nó phản ánh giai đoạn xã hội nông thôn “thẩm thấu từ từ” vào đô thị đã chấm dứt, chuyển qua thời kỳ “tăng tốc” với hàng triệu nông dân “người người lớp lớp” tiến vào đô thị như “nước vỡ bờ”, là nguyên nhân của hiện tượng “đô thị hóa dân số”, thậm chí đi trước cả “đô thị hóa do công nghiệp hóa” ở nước ta.
Trong số các nước “chuyển hóa hàng triệu người nông dân sang thị dân”, Nhật Bản được coi thành công nhất bằng công cuộc đô thị hóa tại chỗ. Họ thực hiện chiến lược tích hợp nông thôn vào đô thị, kiên trì theo chủ nghĩa đô thị nông nghiệp (agricutural urbanism), quy hoạch xóa mờ ranh giới đô thị/nông thôn, trong thành phố có cả “cánh đồng đô thị” (7).
Yếu tố dịch chuyển dân cư góp phần làm cho quy mô dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị. Và việc làm là yếu tố chủ yếu thu hút người dịch cư ngoại tỉnh. Trong ảnh là dòng người ún ứ tại cầuvượt Nguyễn Thái Sơnở quận Gò Vấp (TP.HCM). Ảnh tư liệu: Vietnamnet
Tầng lớp “nông dân đô thị” ra đời từ chiến lược này, họ vừa làm nông nghiệp vừa làm các nghề nghiệp phi nông nghiệp. Bởi nếu chỉ làm nông nghiệp họ cũng sẽ đói như nông dân Việt dù có năng suất cao (nông dân Nhật trung bình sở hữu 1 ha ruộng lúa, năng suất 6 tấn/ha tương đương Việt Nam). Chính sách giáo dục, đào tạo ưu việt của Nhật Bản đã tạo nên thế hệ nông dân đô thị giỏi nhiều nghề chứ không chỉ biết mỗi trồng lúa.
“Phần lớn các hộ nông dân ở Nhật Bản trở thành nông dân bán thời gian với nguồn thu nhập chính là từ hoạt động phi nông nghiệp, một hộ nông dân trung bình kiếm được khoảng 80.000 USD/năm. Nông dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân và giáo dục miễn phí. Với tình trạng sức khỏe và giáo dục tốt hơn, họ có thể hiểu, áp dụng và cải tiến các công nghệ mới và quản lý đất đai nhờ học vấn. Mạng lưới giao thông tốt giữa nông thôn và thành thị giúp việc phân phối nông sản hiệu quả hơn, cho phép họ đi lại nhanh giữa nơi ở (làng) và công ty (phố). Trên thực tế, nhiều nông dân chỉ làm việc trên ruộng lúa vào cuối tuần” (8).
Cố nhiên “cuộc đô thị hóa con người” thuộc trách nhiệm của hàng ngũ cán bộ “kinh bang tế thế”. Nhưng họ cần hiểu rằng không thể có kế hoạch/quy hoạch phát triển đô thị nào lại không bị/ được nông dân chi phối, vì đô thị/nông thôn thực ra là một hệ thống, một cơ thể. Người viết chỉ giới thiệu về đô thị hóa tại chỗ như thêm một quan điểm tích hợp nhiều thành tố trong tổ chức không gian sống cho dòng người nhập cư vào đô thị đã thực hiện thành công ở một số nước, may ra góp phần tìm kiếm biện pháp giảm bớt thảm họa “đô thị vỡ trận” mà thất nghiệp, vật giá leo thang, tắc nghẽn giao thông, lụt lội, ô nhiễm, dịch bệnh, cháy nổ… đang là những biểu hiện.
Người dân địa phương thuê đất của một công ty ở phường Naka, thành phố Sakai, tỉnh Osaka (Nhật Bản) để canh tác. Nguồn: Yuta Kumamoto/Mainichi.jp
Và những nông dân đô thị ở Nhật bản. Ảnh: Kono Designs/Dezeen
Những người may mắn
Lâu nay nhìn lại lịch sử đô thị hóa Hà Nội với trường hợp “khu 36 phố” vẫn được gọi là “cuộc chỉnh trang”, tôi mạnh dạn cho rằng đó chính là “đô thị hóa tại chỗ” đầu tiên đã thành công. Nhìn đại thể từ cuối thế kỷ XIX cuộc đô thị hóa ở thành phố này diễn ra trên hai hướng/không gian chính: vùng nam, đông nam hồ Hoàn Kiếm (đất ruộng rộng, người thưa, chủ yếu làm nông nghiệp) tiện cho đô thị hóa theo lối “san phẳng” buộc cư dân, làng mạc phải di dời để lấy đất xây dựng khu phố Tây, khu phố phía Nam hỗn hợp. Có thể gọi vùng nông nghiệp, nông thôn ấy đã bị loại vĩnh viễn ra khỏi cơ thể đô thị.
Nhưng phía tây-bắc hồ Hoàn Kiếm hoàn toàn khác, là nơi dân “36 phường nghề buôn bán” dạng “kẻ chợ”, vốn đã phi nông nghiệp và cư trú trên khoảng 100 ha có lịch sử lâu đời (di sản định cư), chỉ sau cuộc “đô thị hóa tại chỗ” mới trở thành đô thị hiện đại. Nhìn chung hạ tầng khu vực này khi xưa “đa phần đường đất hẹp, vài đoạn lát gạch rộng chừng 1 m, không vỉa hè, trời mưa lầy lội, nắng bụi bặm, những vũng nước đọng dọc đường hôi thối, không lối thoát và còn rất nhiều nhà tranh”( 9). Mặc dù không có tài liệu nào nói sự hiểu biết về chiến lược đô thị hóa là cơ sở cho các quyết định của nhà đương quyền, nhưng rõ ràng họ đã thực thi các giải pháp đô thị hóa tại chỗ.
Sự xuất hiện của 5,5 km đường tàu điện chạy qua Kẻ Chợ là sự kiện giao thông quan trọng trong cuộc “đô thị hóa tại chỗ” ở khu vực này. Ảnh tư liệu
Cụ thể: “Năm 1883 Công sứ Bonnal đề nghị Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ bắt các cửa hàng phải lùi mái hiên cho lối đi thoáng rộng (hình thành phổ biến mặt đường rộng 5-6m và vỉa hè mỗi bên 2m hiện nay). Ngày 17.2.1891, Đốc lý Beauchamp ra nghị định dỡ bỏ nhà tranh trong 6 tháng và cấm làm loại nhà này trên các phố: Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Mắm, Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đồng, Hàng Chiếu… và buộc dỡ bỏ các cửa ô, các cổng phố”.
Để có nhân lực, vật liệu, tài chính, họ bắt tù nhân lao động khổ sai san mặt đường, đào rãnh thoát nước, lát vỉa hè, rải đá lòng đường… Ông Bonnal sai phá tòa nhà gạch (bị cháy) của quân Cờ Đen lấy gạch đá vụn rải mặt đường cho 150 phố, ngõ. Năm 1893 Thống sứ Chavassieux tiến hành xếp hạng các loại nhà và đường phố để đánh thuế thổ trạch.
Năm 1894-1895 xây tháp nước Hàng Đậu, đầu thế kỷ XX dân “Kẻ Chợ” bắt đầu có nước máy sạch, điện thắp sáng công cộng. Đặc biệt, năm 1889 hình thành tuyến xe điện Bờ Hồ- Bưởi dài 5,5km chạy qua khu 36 phố kết nối nó với toàn thành phố bắt đầu từ giai đoạn đó (10).
Trích dẫn dài để chúng ta cùng thấy về căn bản khu phố cổ Hà Nội hiện nay đã định hình từ cuối thế kỷ XIX bằng nhiều biện pháp cứng rắn của nhà cầm quyền (cũng nghiệp dư, không chuyên môn về quy hoạch) và có lẽ cả sự hợp tác tích cực của dân kẻ chợ vì quyền lợi chính họ. Bởi rất quan trọng, đại bộ phận cư dân tại đây không phải di dời, được hưởng các tiện ích đô thị (điện, nước sạch, giao thông…), quan trọng nhất là được tiếp tục sinh kế bằng các nghề truyền thống mà ông cha trao truyền cho họ.
Phố cổ Hà Nội ngày nay qua góc máy từ trên cao. Ảnh: Báo Nhân Dân
Để đến hôm nay, đã trôi qua hơn một thế kỷ “đô thị hóa tại chỗ”, dù phải trải những biến cố dữ dội, chúng ta vẫn thấy những thợ thủ công phố Hàng Bạc ngồi nhà cần cù chạm đồ trang sức, Hàng Mã tràn ngập rực rỡ đồ mã đón trẻ chơi Tết Trung thu, mùi thảo dược tỏa đậm phố Lãn Ông, tiếng gò kim loại vẫn chát chúa suốt con phố Hàng Thiếc… Tất nhiên không phải nghề thủ công nào cũng được bảo lưu, hoặc các công trình kiến trúc đã không được bảo tồn khá nguyên vẹn như ở Hội An. Nhưng nhờ sự định cư ổn định mà phố cổ tràn đầy “không khí của chiều dài lịch sử đô thị” trong cuộc sống huyên náo của nó, hấp dẫn du khách và trở nên một trong vài lãnh thổ đô thị có nền kinh tế dịch vụ phát đạt nhất, bất động sản (tài sản của họ) có giá cao nhất. Dân “Kẻ Chợ” đã thật sự may mắn.
Những người kém may mắn
Rất có thể nhiều bạn đọc đang cho rằng “đô thị hóa tại chỗ” theo nghĩa biến các khu vực nông thôn thành đô thị không có gì mới, đáng bàn, vì Hà Nội chẳng hạn, hiện có vô số “làng trong thành phố”: Linh Quang, Triều Khúc, Kim Liên, Định Công, Đại Từ, Linh Đường, Khương Đình… được “lên phường” từ lâu, có điện, nước, đường bê tông, đình, chùa, đền miếu vẫn được giữ lại… “Đô thị hóa tại chỗ” đấy chứ!
Nhưng cũng chẳng ít người nói không, do trước hết đừng gọi nó là “làng” vì hôm nay dân số làng xưa đã ít hơn dân nhập cư nhiều lần, các quan hệ thị tộc mất gần hết, đất đai sở hữu công, thiết chế làng… làm gì còn? Sau nữa, chúng phổ biến là “sản phẩm” của chính quyền khi mở đường chỉ lo quản lý chỉ giới xây dựng, chiều cao tầng… lớp nhà mỏng hai bên mặt đường theo quy hoạch, còn các lớp sâu phía sau là thôn làng bị bỏ qua. Dân sở tại, dân nhập cư tự phát chồng nhà, lấn đường lập nên loại “làng phố” có số lượng, chiều dài hẻm/ngõ, ngách/xuyệt phần lớn chỉ xe máy đi lọt, mật độ cư dân, nhà cửa chi chít kết thành bè, mảng dày đặc, loang rộng… đã lớn hơn bất cứ thời kỳ phát triển đô thị nào của Hà Nội hay TP.HCM.
Đường làng Linh Quang (Hà Nội) xưa vốn thoáng đãng, nay bị lần chiếm, chất tải xây dựng thành ngõ, ngách chật chội. Ảnh: Báo Dân Trí
Những người nông dân miền Tây vốn sống giữa những cánh đồng bát ngát, lên thành phố họ phải trọ trong những túp nhà quây tôn ở những hẻm, xuyệc… nóng nung người. Ảnh: Báo Thanh Niên
Cảnh sống của công nhân trong xóm trọ kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thế Sơn
Tóm lại đó là kiểu “đô thị hóa tại chỗ tự phát” trên đất những cái làng, kém xa làng thôn xưa và các tiêu chuẩn đô thị ngày nay, khi xét theo mật độ, tỷ lệ dân số cư trú với chỉ số việc làm tại chỗ, các chỉ tiêu công trình công cộng, đất giao thông, cây xanh, các loại hạ tầng xã hội thiết yếu khác… Chúng không hề là những làng “đô thị hóa tại chỗ có chủ đích” được dẫn đường bởi tầm nhìn của nhà đương quyền, hành động của giới nghề quy hoạch.
Tình trạng đó bị đánh giá do “quy hoạch không tử tế với các cấu trúc hiện có, bao gồm cả những ngôi làng. Trong khu vực tăng trưởng đô thị, các ngôi làng dẫu được vẽ, nhưng không đóng vai trò gì trong các dự án. Không bị phá hủy, nhưng chúng đã bị loại khỏi thiết kế tổng thể. 148 làng đã “trở thành đô thị” theo cách những người di cư mới đến định cư trong những năm 1990 thêm vào mật độ người tại các ngôi làng đô thị hóa ở Hà Nội” (11).
Biển người nông dân đã từ “làng thôn” thoáng đãng tiến vào đô thị, kém may mắn, họ lại rơi vào những cái “làng phố” chật chội, mất vệ sinh, chứa nhiều rủi ro.
Cần nhắc lại các quan điểm của Lewis Mumford, Jane Jacobs (kế tiếp là Francoise Choay, Pháp, 1925-) rằng bản chất của đô thị hóa hoàn toàn khác với tình trạng di dân ào ạt vào thành phố, chiếm thêm đất mở rộng kích thước… mà gia tăng những phẩm chất đô thị tại các khu định cư cũ ( nông thôn/ bán nông thôn) khi xuất hiện các cơ hội phát triển. Quan điểm tập trung vào hai vị trí có tiềm năng nhất: 1. Khu vực cư dân có nghề truyền thống phi nông nghiệp; 2. Khu vực nằm sát kề sát thành phố, hoặc các khu công nghiệp đang và sẽ hình thành.
Hà Nội chẳng hạn, trường hợp thứ nhất, tính từ năm 1986 (đổi mới) đến trước khi sáp nhập Hà Tây vào (2008) đã mở rộng “tổng cộng 191,58km2 đất đai và được tạo thành từ 148 ngôi làng (có nhiều làng nghề phi nông trong số đó), 80% di sản thủ đô có nguồn gốc từ làng” (12). Trường hợp thứ hai, Hà Nội có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.670,6 ha và gần 170.000 công nhân. Chỉ riêng một thôn Bầu, huyện Hoài Đức (gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long) số lao động nhập cư có đăng ký lên tới 16.000 người, gấp gần 6 lần dân sở tại. Nhưng cả di sản định cư (làng nghề phi nông nghiệp) và thời cơ (xuất hiện các khu công nghiệp) các tiền đề thuận lợi dường như đã không giúp gì cho Hà nội xây dựng được những “đô thị tại chỗ ” có các “phẩm chất đô thị”.
Hình ảnh vụ cháy chung cư mini phường Khương Đình.
Thảm họa cháy chung cư mini phường Khương Đình (vốn thuộc tổng Khương Đình, tam thôn: Thượng Đình, Khương Hạ, Hạ Đình) xảy ra trong không gian “đô thị hóa tự phát tràn lan” đã tích lũy qua hàng chục năm nên không cá biệt, Hà Nội hiện có 2.000, TP.HCM có khoảng 42.000 chung cư loại này. Tình trạng nguy hiểm rập rình không chỉ ở Hà Nội nay mở rộng thêm gấp 3 lần mà cả TP.HCM diện tích đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 1990-2021 với hơn 60% đất đai ven đô, cũng một cách không có kế hoạch với loại mô hình “dở làng, dở phố thấp cấp” ở khắp các quận mới.
Biển người nông dân đã từ “làng thôn” thoáng đãng tiến vào đô thị, kém may mắn, họ lại rơi vào những cái “làng phố” chật chội, mất vệ sinh, chứa nhiều rủi ro. Là nơi họ tham gia tạo nên không gian sống (thuê trọ, mua, xây, kinh doanh…), rồi không gian ấy chi phối lại hành vi con người họ. Lối sống tương đối “thoải mái” của hàng triệu nông dân mang theo từ môi trường tự nhiên (nông thôn) không dễ nhanh chóng chịu phục tùng các nguyên tắc nghiêm ngặt trong môi trường kỹ thuật (đô thị). Nhưng khi số lượng “người thoải mái” đã áp đảo thì “sống thoải mái” (chứa sẵn các hậu quả) sẽ thành xu thế văn hóa sống chủ đạo của một thành phố.
* * *
Có thể tóm tắt rằng khởi từ bức bách kinh tế dẫn đến những đảo lộn lớn về nhân khẩu học đô thị, lan sang các địa hạt văn hóa, trạng thái đã khiến Hà Nội, TP.HCM đang dần tiến tới chỗ “nông thôn hóa” theo nghĩa tiêu cực của cụm từ này. Thế nên việc “chuyển hàng triệu người nông dân thành thị dân” phải là công cuộc “khổng lồ” của nhiều ngành, chứ không chỉ mỗi ngành xây dựng lo “chỉnh trang mở rộng các hẻm ngõ” dẫu việc đó hết sức cấp bách. Vì tư tưởng “đô thị hóa” như đã trình bày từ kinh nghiệm của các quốc gia, nội hàm của nó gồm một hệ thống rộng gồm nhiều nội dung. Nó thúc bách nghiên cứu chiến lược phát triển “đô thị hóa tại chỗ” với liên ngành khoa học phải đi trước nhiều bước.
Nhưng đến hôm nay, rất đáng tiếc, điều đó vẫn chưa xuất hiện ở nước ta?
Trần Trung Chính
Tài liệu tham khảo và lược trích:
(5), (8) In situ urbanization key to leaving no one behind
(6) Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ
(7)https://nguoidothi.net.vn/do-thi-nong-nghiep-do-thi-an-duoc-39090.html
(9), (10) PGS-TS. Nguyễn Thừa Hỷ – Sự hình thành và chuyển biến của các “Khu phố Tây” và “Khu phố mới”ở Hà Nội thời Pháp thuộc
(11), (12) Hà Nội, Integration of Villages a Metropolis in the Making. 2006-E. Cerise, S. Fanchette, D. Labbé, JA Boudreau và Trần Nhật.
Theo Người Đô Thị
Ảnh: Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân các tỉnh miền Tây tiếp tục ùn ùn trở lại TP.HCM khiến nhiều nơi tắc nghẽn hàng chục km. Ảnh tư liệu: Vnexpress
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nguoidothi.net.vn/ganh-nang-tu-do-thi-hoa-dan-so-41784.html