Gắn bảo vệ với trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc

Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Mường Lát không xảy ra điểm nóng về khai thác, mua bán, chế biến, vận chuyển lâm sản trái phép; tài nguyên rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, diện tích rừng trồng tăng nhanh.

Gắn bảo vệ với trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc

Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Mường Lát không xảy ra điểm nóng về khai thác, mua bán, chế biến, vận chuyển lâm sản trái phép; tài nguyên rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, diện tích rừng trồng tăng nhanh.

Theo kết quả cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, hiện nay huyện Mường Lát có hơn 72.700 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 55.732 ha, còn lại là diện tích rừng trồng. Độ che phủ của rừng đến hết năm 2018 tăng lên 71,78%.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) đã được hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc, trong đó có vai trò nòng cốt của lực lượng kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm Mường Lát đã chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn tham mưu cho đảng ủy các xã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Tham mưu cho UBND các xã kiện toàn ban chỉ đạo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 cấp xã, xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là tại 29 bản vùng trọng điểm. Tổ chức kiện toàn và duy trì hoạt động của các tổ BVR, PCCCR tại thôn, bản. Ngoài lực lượng nòng cốt và các phương tiện phục vụ BVR, PCCCR ở cấp huyện, ở cấp xã, tổ chức kiện toàn và duy trì hoạt động của 6 tổ, đội của các chủ rừng Nhà nước và 89 tổ, đội quần chúng BVR, PCCCR, quản lý lâm sản tại thôn, bản.

Bên cạnh đó, kiểm lâm viên địa bàn đã tham mưu cho UBND các xã tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, các quy định của Nhà nước về quyền hưởng lợi của người dân nhận đất lâm nghiệp, các chủ trương, chính sách mới về quản lý lâm sản rừng trồng, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư của Nhà nước cho công tác trồng rừng, để người dân chủ động giữ rừng và phát triển rừng. 100% hộ sản xuất nương rẫy gần rừng đã ký cam kết với chính quyền địa phương xử lý thực bì đúng quy định và đăng ký lịch đốt dọn nương rẫy.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, BV&PTR, theo dõi diễn biến rừng và PCCCR trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm Mường Lát đã ứng dụng thiết bị GPS để quản lý phát rẫy và sản xuất nương rẫy gần rừng. Hạt đã chuyển bản đồ hiện trạng của huyện lên thiết bị GPS. Đồng thời, dùng thiết bị GPS để định vị, đo đếm, thống kê và lập bản đồ quản lý hơn 2.166 ha rẫy gần rừng của 1.991 hộ gia đình trên địa bàn huyện Mường Lát, phục vụ công tác kiểm tra, quản lý việc phát rẫy và đốt xử lý thực bì của các hộ gia đình. Việc ứng dụng thiết bị GPS để quản lý nương rẫy thuận lợi cho công tác kiểm tra ngoài thực địa của kiểm lâm viên phụ trách địa bàn.

Kết quả nổi bật là toàn bộ diện tích rừng hiện có của huyện Mường Lát được bảo vệ an toàn; không xảy ra phát rừng làm rẫy trái phép. Tình hình an ninh rừng trên địa bàn ổn định; các hành vi xâm hại tài nguyên rừng ở địa phương được đẩy lùi, kiểm soát được nguy cơ cháy rừng, đặc biệt trong các ngày thời tiết nắng nóng, khô hanh. Từ năm 2009 đến tháng 9-2019, Hạt Kiểm lâm Mường Lát đã cấp cây giống; tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng; chỉ đạo, tổ chức cho nhân dân trên địa bàn trồng được 3.816 ha rừng sản xuất và 90 ha rừng phòng hộ. Trong đó, 8 tháng đầu năm 2019 trồng được 50 ha (hoàn thành kế hoạch UBND tỉnh giao). Nhiều hộ dân ở các xã như Mường Chanh, Nhi Sơn, Pù Nhi, Quang Chiểu,… đã tích cực trồng mới rừng sản xuất với các loại cây như xoan, lát hoa, mỡ,… và đầu tư xây dựng trang trại lâm nghiệp tổng hợp không những có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn chủ động BV&PTR hiệu quả.

Thùy Dương – Báo Thanh Hóa

Theo Thanh Hóa

Ảnh: Cán bộ, công nhân Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://baothanhhoa.vn/kinh-te/gan-bao-ve-voi-trong-rung-phu-xanh-dat-trong-doi-nui-troc/107545.htm