F0 tiếp tục tăng nhanh, Việt Nam đề phòng Omicron xâm nhập

Trong một tuần gần đây, mỗi ngày, nước ta có khoảng 10 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca mắc mới.

Theo bản tin của Bộ Y tế trong ngày 19/12, số lượng ca nhiễm mới ghi nhận tại 60 tỉnh, thành phố chạm mốc 16.093 F0. Đây là ngày có tổng ca nhiễm cao thứ 2 (sau ngày 11/12 với 16.104 ca) kể từ thời điểm Việt Nam chuyển sang “bình thường mới”.

Trong giai đoạn này, các địa phương vừa chịu áp lực lớn về số ca mắc, vừa phải tăng cường việc kiểm soát biến chủng Omicron.

Tỷ lệ nhiễm ở Hà Nội tương đương TP.HCM

Số ca nhiễm trung bình trong một tuần ngày qua tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng cao tương đương nhau. Trung bình ca nhiễm trong 7 ngày qua ở Hà Nội là 924, TP.HCM là 1.061.

Tại TP.HCM, theo số liệu thực tế người dân cư trú trên địa bàn do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp, dân số thành phố là 9.145.000 người. Tổng ca nhiễm trong 7 ngày qua là 7.424. Như vậy, trung bình 100.000 dân có khoảng 81 ca nhiễm.

Tại Hà Nội, nếu lấy tổng dân số là 8.053.663 (số liệu công bố ngày 1/4/2019), tổng số ca nhiễm trong 7 ngày qua là 6.468, trung bình 100.000 dân có khoảng hơn 80 ca nhiễm.

Như vậy, tỷ lệ nhiễm nCoV trên 100.000 dân ở 2 thành phố nhất cả nước hiện tương đương nhau. Điểm khác nhau là đồ thị số ca nhiễm ở TP.HCM có chiều hướng đi xuống sau giai đoạn đỉnh điểm vào tháng 8, 9. Đồ thị số ca nhiễm ở Hà Nội lại đang đi lên rất nhanh.

Hiện 2 thành phố đều tích cực triển khai giải pháp phòng, chống dịch, tăng cường hệ thống điều trị và tiêm vaccine cho người nguy cơ cao.

Cà Mau, Bến Tre tiếp tục tăng nhanh F0

Theo Bộ Y tế, ngày 19/12, Cà Mau và Bến Tre là 2 tỉnh ở miền Tây ghi nhận trên 800 ca nhiễm trong 24 giờ, tiếp sau đó là TP Cần Thơ (793), Đồng Tháp (780), Vĩnh Long (593), Bạc Liêu (537).

Các tỉnh miền Tây còn lại cũng ghi nhận rải rác từ vài chục đến vài trăm ca nhiễm. Riêng Hậu Giang trong ngày hôm qua chỉ công bố 3 F0.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, dịch Covid-19 tại địa phương này diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày có hơn 1.000 ca mới. Riêng ngày 19/12, tỉnh có 1.345 F0.

Để đảm bảo việc chăm sóc, điều trị F0 và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cấp thuốc ngay cho F0 khi có kết quả test nhanh dương tính không phải chờ xét nghiệm rRT-PCR.

Tuy nhiên, lo ngại nhất trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tỉnh này vẫn là cơ số thuốc. Sau khi Cà Mau đề nghị hỗ trợ, Bộ Y tế đã chuyển gấp cho tỉnh 3.000 liều và sẽ có thêm khoảng 7.000 liều.

Trong một tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 ở tỉnh Bến Tre liên tục tăng nhanh, có ngày vượt mốc 1.000 F0.

Theo nhận định của ngành y tế tỉnh này, mầm bệnh đã lưu hành cao trong cộng đồng. Số bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng tăng mỗi ngày, đã ghi nhận các trường hợp F0 tử vong tại nhà.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi tỉnh.

Hiện năng lực y tế của toàn tỉnh là 2.100 giường bệnh ở tầng 2, tầng 3. Do đó ca F0 điều trị tại nhà tăng, ngày 19/12, tỉnh Bến Tre thành lập đội hỗ trợ F0 tại nhà.

Xuất hiện thêm ổ dịch mới ở các tỉnh

Theo ngành y tế Hải Phòng, những ngày qua trên địa bàn liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca mắc mới ở các quận, huyện. Thành phố này cũng ghi nhận số lượng ca nhiễm rất cao trong ngày 19/11 với 417 F0.

Để chuẩn bị cho tình huống ca bệnh nặng gia tăng, ngành y tế TP Hải Phòng đã chủ động phương án bảo đảm năng lực cung cấp oxy cho các cơ sở điều trị người bệnh.

Hiện Hải Phòng lắp đặt hệ thống cung cấp oxy khí nén cho 10 bệnh viện tuyến thành phố và tuyến quận, huyện với tổng kinh phí 29 tỷ đồng, sắp tới sẽ nâng cấp thêm hệ thống này cho 15 cơ sở y tế.

Hiện TP Hải Phòng đang ở cấp độ 3 (vùng cam – nguy cơ cao). Toàn thành phố có 10 quận, huyện cùng cấp độ 3, có 4 huyện đạt cấp độ 1 (vùng xanh – bình thường mới) và chỉ quận Kiến An đang ở vùng vàng (cấp độ 2 – nguy cơ trung bình).

Theo cấp xã, phường, thị trấn, toàn thành phố Hải Phòng có đến 18/218 địa phương ở cấp độ 4 (vùng đỏ – nguy cơ rất cao) và 64/218 địa phương cấp độ 3.

Thanh Hóa có ổ dịch mới xuất hiện ở huyện Mường Lát. Hai ngày trước đó, địa bàn xã Pù Nhi phát hiện ca F0 là một giáo viên. Sau khi tổ chức xét nghiệm tầm soát diện rộng ở 11 bản, đến nay, toàn huyện phát hiện 30 ca dương tính.

Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa một số bản để phòng, chống dịch. Tỉnh Thanh Hóa công bố 186 ca nhiễm mới trong ngày 19/12.

Mới đây, Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ huyện Mường Lát được thành lập. Theo nhận định của cơ quan chức năng, ổ dịch mới phát hiện tại huyện Mường Lát có quy mô lớn, đã ngấm sâu và lan rộng trong cộng đồng.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đang nỗ lực phát hiện sớm các F0 trong cộng đồng, khống chế dịch bệnh. Mới đây, UBND tỉnh này có quyết định thực hiện phong tỏa, cách ly y tế tạm thời đối với các khu vực trên địa bàn huyện A Lưới.

Trước đó, ổ dịch tại huyện này phát hiện một ca nhiễm nCoV và 100 ca nghi nhiễm. Đến nay, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tổ chức tầm soát tất cả khu vực, đối tượng có nguy cơ.

TP Huế cơ bản phủ xong tiêm mũi một cho người dân, đang tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người đã đủ thời gian.

Chiều 19/12, Đà Nẵng ghi nhận 143 ca mắc Covid-19. Trong đó, 87 ca mắc Covid-19 có khả năng lây cho cộng đồng.

Một số điểm nóng trong ngày ghi nhận nhiều ca mắc như Công ty Niwa Foundry (3 ca); Chung cư Vincoland, số 1 Lê Thanh Nghị (5 ca); tổ 84 An Hải Bắc (7 ca); Khu vực 122-152 Huỳnh Lý, Thuận Phước (5 ca).

Từ ngày 20/12, Đà Nẵng chính thức điều trị F0 tại nhà. Địa phương này cũng đang tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để tiếp tục lây lan ra cộng đồng.

Chính phủ gửi công điện khẩn về phòng biến chủng mới

Kể từ khi được công bố vào cuối tháng 11, đến nay, biến chủng Omicron đã lây lan ra hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh.

Tại khu vực Đông Nam Á, các nước đã ghi nhận sự xuất hiện của Omicron gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Campuchia.

Công điện mới đây do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký thông tin nước ta chưa phát hiện có ca nhiễm biến chủng Omicron, nhưng số lượng F0, số bệnh nhân nặng, tử vong vẫn có xu hướng gia tăng. Hệ thống y tế ở một số địa phương đã quá tải, phải chi viện từ trung ương và các địa phương khác.

Trước tình hình đó và khả năng biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta là rất cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới, không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng.

Đặc biệt, trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch để chủ động ứng phó dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Phía Bộ Y tế bảo đảm phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vaccine.

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm nCoV tại cộng đồng, người có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát rộng, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, vùng phong tỏa.

Bích Huệ – Tạp chí Zing News

Theo Zing News

Xem bài viết gốc tại đây:

https://zingnews.vn/f0-tiep-tuc-tang-nhanh-viet-nam-de-phong-omicron-xam-nhap-post1284331.html