Cú thúc đẩy của đại dịch khiến nhiều nhà đầu tư càng quan tâm đến việc rót tiền đầu tư vào các startup giáo dục số, dù xu hướng này đã xuất hiện từ một vài năm nay. Cơ hội là vậy nhưng để đón nhận các khoản đầu tư lại không hề dễ dàng với các startup.
Nhà đầu tư ngày càng mạnh tay với EdTech
Giáo dục luôn là lĩnh vực nóng và đầy tiềm năng bởi thực tế cho thấy, phụ huynh không bao giờ tiếc tiền để đầu tư cho con cái. Theo báo cáo của HolonIQ, tổng chi tiêu toàn cầu từ các chính phủ, công ty và người dân cho giáo dục và đào tạo ước tính đạt 7,3 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng 3,9% so với năm 2000. Báo cáo này cũng ước tính, chi tiêu cho giáo dục sẽ tăng gấp đôi trong năm năm tới, ước tính khoảng 404 tỷ USD.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nếu để ý kỹ, chúng ta có thể thấy các startup công nghệ giáo dục liên tục công bố những thương vụ đầu tư, điển hình như Equest, một cơ sở đào tạo tiếng Anh ở các bậc học, mới nhận được 100 triệu USD từ Quỹ KKR Global Impact, ứng dụng học tiếng Anh Elsa cũng nhận 15 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư Vietnam Investments (VI Group) và SIG. Mới đây nhất, “tân binh” startup dạy thêm trực tuyến Marathon mới được thành lập từ đầu năm 2021 nhưng đã gọi được 1,5 triệu USD ở vòng pre-seed. Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cũng vừa công bố khoản đầu tư vào VuiHoc – nền tảng giáo dục trực tuyến tập trung vào bậc tiểu học. Trước đó hồi tháng ba, quỹ này cũng rót vốn vào Manabie – ứng dụng điện thoại giúp các em học sinh khối trung học phổ thông học online.
Kể ra để thấy bức tranh công nghệ giáo dục (sau đây gọi là EdTech) của Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi động, muôn hình muôn vẻ khi các startup giáo dục cung cấp sản phẩm cho đủ mọi lứa tuổi, đáp ứng đủ mọi nhu cầu từ tiểu học đến trung học phổ thông, từ học chính khóa đến học thêm….
Chia sẻ tại sự kiện Bàn về đầu tư công nghệ giáo dục trước thềm năm học 2021-2022 được tổ chức ngày 28/8, ông Trịnh Minh Giang – Phó Chủ tịch VMI Tư vấn trưởng VMCG Giám đốc VIT Cloud cho rằng, việc đầu tư vào thị trường giáo dục đã tăng mạnh trong năm 2019. Tuy có sụt giảm một chút trong năm 2020 vào thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19 nhưng trong những tháng vừa qua của năm 2021, tốc độ đầu tư và giải ngân đã quay lại trạng thái trước Covid-19, thậm chí còn gia tăng hơn khi mà người người, nhà nhà phải học online.
Đồng tình với ý kiến này, ông Mai Duy Quang – Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA), Founder eKidPro cho rằng: “CoVID-19 đã giúp các startup EdTech tiết kiệm được từ 4-5 năm để đào tạo thị trường. Tỉ lệ học online ở Việt Nam loanh quanh 3% và hy vọng đến 2025 tăng lên 20%. Tiềm năng này các quỹ đầu tư đều nhìn thấy và thôi thúc khiến họ liên tục giải ngân”. Ông cũng dự đoán trong ba năm tới, việc đầu tư vào EdTech sẽ bùng nổ.
Gia nhập thị trường bằng sự khác biệt
Mảnh đất EdTech màu mỡ, tiềm năng là thế nhưng gia nhập vào thị trường này liệu có dễ dàng? Trong báo cáo về thị trường khởi nghiệp EdTech Việt Nam, Do Ventures đã chỉ ra bốn mảng lớn mà các startup có thể tham gia vào là nội dung (bài học ghi hình trước dưới dạng video hoặc ngân hàng đề thi), live-class (lớp học trực tuyến với giáo viên, có thể theo hình thức 1 – 1 hoặc theo nhóm), O2O (mô hình online kết hợp offline), B2B (giải pháp quản lý quy trình cho các trường học hoặc cơ sở giáo dục).
Theo giới quan sát, các startup đang có trên thị trường hầu hết tập trung vào làm nội dung và dịch chuyển sang hướng live-class. Tuy nhiên, ông Mai Duy Quang cho rằng, việc có quá nhiều đơn vị cùng tham gia khiến sân chơi này sớm chạm ngưỡng trần. Trong khi đó, mô hình O2O và B2B vẫn còn đang là mảnh đất còn bỏ ngỏ.
“Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều startup thú vị hơn và tập trung vào làm O2O chứ không phải chỉ cung cấp nội dung và công cụ live-class như từ trước tới nay. O2O nghĩa là học sinh đến trung tâm offline để học online với một giảng viên chính và trợ giảng chứ không phải một startup cung cấp cả gói học offline lẫn online” – ông Mai Duy Quang nói. Mô hình này thực tế đã phát triển và thành công ở Trung Quốc với điển hình là tập đoàn TAL Edu với hình thái các dual teacher (Lớp học đồng giảng). Theo dự đoán của ông, giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023, mô hình O2O sẽ bùng nổ ở Việt Nam khi dịch bệnh qua đi, cuộc sống bình thường trở lại và cha mẹ muốn con cái có chỗ để học, trải nghiệm và trông con cuối tuần, để họ được nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, ông Trịnh Minh Giang lại cho rằng, mảng nội dung dù được làm từ trước tới nay, tưởng là mảng dễ nhất nhưng lại không hề như vậy. Lâu nay người ta vẫn tưởng rằng làm nội dung là chuyển đổi bài dạng từ giấy lên thành video hoặc silde. Thực tế không hề như vậy mà đòi hỏi khả năng sáng tạo lớn để giữ chân người dùng.
Đồng tình với suy nghĩ này, ông Mai Duy Quang – người đang vận hành startup ekidPro cho biết, cách mà các nhà cung cấp nội dung trong thị trường EdTech hiện tại là xây dựng khóa học video bám sát sách giáo khoa. Câu hỏi đặt ra, startup mới gia nhập nên làm gì? Dù dư địa ở mảng này vẫn còn rất nhiều nhưng ông Quang cho rằng startup mới không nên tiếp tục làm video khóa học đơn thuần. Học sinh đã quá quen với hình thức này và thực tế cho thấy việc học qua video không hiệu quả. Nếu không có tương tác, học sinh ngồi học qua video một tuần là chán và không tập trung. Bằng chứng thuyết phục hơn được ông chỉ là tỷ lệ gia hạn tái tục và tỷ lệ người dùng trên hệ thống học video thường khá thấp.
Do đó, theo ông “Bạn phải đi một con đường khác”, ví dụ trường hợp startup cung cấp khóa học tiếng Anh English Central có nội dung cũng như quy trình học của đơn vị này hoàn toàn khác biệt với những đơn vị đã có trên thị trường. “Họ đã xây dựng những nội dung có tính tương tác cao. Tức là trong một video, người học không chỉ xem đơn thuần mà còn tương tác với máy tính, giáo viên và những người học cùng. Nghĩa là để có được chỗ đứng trong thị trường, cần phải thực sự khác biệt, còn mô hình nào không quan trọng”, ông Mai Duy Quang phân tích.
Nói sâu hơn về điều này, ông Mai Duy Quang dẫn chứng về ekidPro – startup cung cấp dịch vụ học tiếng Anh mà ông và các cộng sự đang phát triển. Theo ông Quang, phân khúc giáo dục cho trẻ em đang kiếm được nhiều tiền nhất vì phụ huynh không ngại đầu tư. Nhìn sang Trung Quốc mới thấy, nhận định là đúng khi mà hầu hết các kỳ lân của ngành giáo dục nước này đều tập trung vào trẻ em từ 4-15 tuổi. Bởi vậy, năm 2019 khi bắt tay vào lựa chọn mảng dạy ngôn ngữ cho trẻ em, ông Mai Duy Quang và các cộng sự đã mất nhiều ngày đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “cạnh tranh thế nào”. Để giải quyết bài toán đó, đội ngũ sáng lập của ekidPro hướng tới giải quyết nỗi đau của người học, người dạy và phụ huynh. Nhận thấy việc học qua video thuần tuý không hiệu quả, trẻ em dễ mất tập trung nếu ngồi học một mình, không có người lớn kèm. “Trong suốt 1,5 năm, chúng tôi dành toàn bộ tiền, kinh nghiệm và đội ngũ để triển khai một nền tảng tương tác đa chiều giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên trong lớp học. Trải nghiệm học trên nền tảng của ekidPro khác hẳn so với các sản phẩm đã có trên thị trường. Nó gây hứng thú cho học sinh nhưng lại giảm được thời gian kèm cặp của người lớn. Thêm vào đó, các trò chơi cho việc học đều được tích hợp trên nền tảng” – ông Quang nói.
Với những kinh nghiệm có được, ông Quang khẳng định, việc startup đi theo mô hình nào trong bốn mô hình trên thực tế không quan trọng. Điều quan trọng là phải xác định xem startup của mình có gì đột phá và khác biệt để giải quyết vấn đề của người dùng.
Ông Quang khuyên các startup: “Đừng thấy người ta trồng vải bán tốt mình cũng đi trồng. Việc nhìn theo xu hướng thị trường là tốt nhưng phải dựa trên nền tảng rằng, mình đang có gì trong tay và thị trường đang thực sự cần điều gì?”.
Theo Khoa học phát triển
Ảnh: Ngày 25/8, quỹ đầu tư mạo hiểm do Ventures công bố khoản đầu tư vào Vui học, nền tảng giáo dục trực tuyến tập trung vào bậc tiểu học, giúp học sinh sớm nâng cao khả năng tự học và làm chủ kiến thức. Ảnh: vuihoc.vn