Đường Vành đai 3 tháo ‘điểm nghẽn’ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Không phải ngẫu nhiên, khi Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) có tờ trình gửi Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 – Bến Lức. Chính quyền TPHCM đã kiến nghị sẽ tạm ứng ngân sách của địa phương để giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, trong thời gian ngân sách trung ương chưa kịp giải ngân…

Dự án liên vùng, vốn “khủng”

Dự án sẽ đi qua địa bàn 3 tỉnh-thành là Bình Dương, TPHCM và Long An. Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 19.871 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà nước là 9.729 tỷ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư là 10.142 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2019 dự án sẽ được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Từ năm 2019-2022, dự án sẽ thực hiện thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, đồng thời sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Từ năm 2022-2025, dự án sẽ thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2025.

Sau năm 2025, dự án sẽ hoàn thiện dự án trên cơ sở nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.

Một phần đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn – thuộc Vành đai 3 đã hình thành và đi vào sử dụng 16km. Ảnh: H.H

Theo quy hoạch đã được duyệt, đường Vành đai 3 có chiều dài 97,7km. Điểm đầu của tuyến đường này bắt đầu từ đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Sau đó đi qua 4 tỉnh, thành là Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương và Long An. Điểm cuối tuyến đường này giao với đường cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Toàn tuyến được chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 từ Bình Chuẩn – Tân Vạn (Bình Dương) dài 16,7km; đoạn 2 Tân Vạn – Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3km; đoạn 3 Bình Chuẩn (Bình Dương) – quốc lộ 22 (TPHCM) dài 17,5km; đoạn 4 quốc lộ 22 – Bến Lức (Long An) dài 29,2km.

Hiện nay, mới chỉ có đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn dài 16,7km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào khai thác, các đoạn còn lại vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất đầu tư.

Tháo “điểm nghẽn” cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, tại báo cáo gửi Chính phủ, đã nhấn mạnh: “Xây dựng tuyến Vành đai 3 là phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT…

Việc chưa thực hiện đồng bộ hệ thống đường Vành đai 3 như hiện nay đã trở thành “điểm nghẽn”, ảnh hướng đến sự phát triển chung của TP HCM và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam”.

Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TPHCM – cho biết: “Tuyến vành đai 3 rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của TPHCM nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung. Bởi đây là tuyến huyết mạch mang tính kết nối vùng, giúp hạn chế phương tiện đi qua thành phố để lưu thông theo hướng Đông Tây, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông”.

Tỉnh Bình Dương cũng được hưởng lợi trong việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3. Ảnh: H.H

UBND TPHCM đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có chủ trương chính thức cho phép TPHCM tạm ứng ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng cho 2 đoạn tuyến Bình Chuẩn – QL 22 và QL 22 – Bến Lức, đoạn đi qua địa phận TPHCM, với số tiền 2.939 tỷ đồng.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, hiện TPHCM có 3 tuyến Vành đai (2, 3 và 4), với tổng chiều dài là 356km. Thế nhưng, mới chỉ hình thành và đưa vào khai thác 71km; còn lại phần lớn là trên giấy, chưa triển khai thực hiện. Chính điều này đã gây cản trở rất lớn tới sự phát triển chung của TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo ý kiến của lãnh đạo các địa phương lân cận, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3, không chỉ là “cú hích” cho TPHCM. Hơn thế, đường Vành đai 3 còn góp phần rất quan trọng “giải hạn” luôn cho cả 3 tỉnh lân cận là Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Và, đây sẽ là giải pháp tháo “điểm nghẽn” về giao thông, sự phát triển cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam – đầu tàu kinh tế của cả nước.

Cao Hùng – Báo Lao Động

Theo Lao Động

Ảnh: Việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 sẽ bắt đầu từ năm 2019. Ảnh: H.H

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodong.vn/kinh-te/duong-vanh-dai-3-thao-diem-nghen-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-656376.ldo