Đường sắt tốc độ cao: Khoảng cách các ga tối thiểu 50km?

Với tốc độ khai thác tối đa 320km/h, tư vấn đề xuất khoảng cách giữa các ga phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 50km.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam do liên danh tư vấn TEDI – TRICC – TEDISOUTH xây dựng, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam bắt đầu từ thành phố Hà Nội và kết thúc tại TP.HCM, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố nằm dọc theo chiều dài đất nước.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao đã trải qua nhiều lần nghiên cứu, qua nhiều giai đoạn nhưng chưa được thông qua nên cơ bản các địa phương chưa cập nhật, quản lý thống nhất trong các quy hoạch liên quan.

Hơn nữa, trải qua một thời gian dài, điều kiện địa vật, hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất dọc theo các hướng tuyến nghiên cứu trước đây có nhiều thay đổi. Do đó, việc nghiên cứu, rà soát tổng thể hướng tuyến đường sắt tốc độ cao là hết sức cần thiết.

Vị trí nhà ga

Theo tư vấn, vị trí nhà ga là một trong những điểm khống chế quan trọng trong nghiên cứu hướng tuyến và hoạch định kết nối của đường sắt tốc độ cao. Quá trình xác định số lượng và vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao, theo tư vấn, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Số lượng ga: Về nguyên tắc, tại trung tâm kinh tế, chính trị của mỗi tỉnh, thành phố nơi có tuyến đi qua sẽ bố trí một ga đường sắt tốc độ cao để phục vụ kết nối với địa phương.

Đối với các vị trí ga bố trí thêm, cần thỏa mãn các tiêu chí như sau: Khoảng cách giữa các ga đảm bảo cự ly tối thiểu là 50km; Đô thị lựa chọn đặt ga phải đạt từ loại III trở lên;

Vị trí ga: Về vị trí cụ thể của từng nhà ga, cần thỏa mãn các nguyên tắc sau: Vị trí nhà ga cần đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch của địa phương.

Vị trí ga cố gắng tiếp cận khu vực trung tâm đô thị hoặc các khu vực có tiềm năng phát triển đô thị trong tương lai;

Vị trí ga cần đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng của các đô thị, đặc biệt là hệ thống đường sắt hiện tại hoặc quy hoạch, nhằm tạo điều kiện khai thác tối đa năng lực của mỗi hệ thống, tạo thành mạng lưới giao thông vận tải hoàn chỉnh.

Vị trí ga được lựa chọn ở những khu vực có điều kiện địa hình, địa chất và thủy văn thuận lợi, khối lượng giải phóng mặt bằng không lớn… nhằm tiết kiệm chi phí đầu
tư và hạn chế những tác động đến môi trường xã hội, môi trường tự nhiên của khu vực.

Nguyên tắc nghiên cứu hướng tuyến

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam nêu rõ, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu trên cơ sở các nguyên tắc chủ yếu như sau:

Đáp ứng các yêu cầu về điểm khống chế; đảm bảo chiều dài tuyến giữa các điểm khống chế là ngắn nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bình diện và trắc dọc của tuyến;

Phù hợp với quy hoạch quốc gia và các quy hoạch của địa phương;

Đảm bảo khối lượng công trình ít nhất, phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyế đi qua;

Hạn chế cắt qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh…;

Hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, cố gắng tránh các khu vực dân cư tập trung đông đúc, giảm bớt ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu;

Từ các nguyên tắc trên, tư vấn đề xuất phương án hướng tuyến, vị trí ga và depot đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam:

Điểm đầu là ga Ngọc Hồi, tuy nhiên sẽ tổ chức để một số tàu đường sắt tốc độ cao tiếp cận vào tới ga Hà Nội bằng việc sử dụng chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới năng lực đáp ứng nhu cầu của tuyến đường sắt đô thị số 1.

Theo kết quả kiểm toán năng lực trên đoạn khai thác chung cho thấy, giai đoạn 2030-2050 vào giờ thấp điểm toàn bộ tàu tốc độ cao có thể tiếp cận vào ga Hà Nội, tuy nhiên vào giờ cao điểm (4 giờ/ngày) do nhu cầu của tuyến đường sắt đô thị số 1 tăng cao nên toàn bộ tàu đường sắt tốc độ cao sẽ dừng tại Ngọc Hồi.

Điểm cuối là TP.HCM (ga Thủ Thiêm thuộc P.An Phú, Quận 2).

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh thành phố với tổng chiều dài khoảng 1545km bao gồm các hạng mục công trình chính sau: 27 ga (24 ga chính, 3 ga quy hoạch tiềm năng); 5 depot, 42 trạm bảo dưỡng hạ tầng. Loại hình nền đào đắp chiếm 30%, cầu vượt sông và cầu cạn chiếm 60% còn lại là hầm chiếm 10%.

“Về cơ bản, hướng tuyến đề xuất đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra, tuy nhiên có một số địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, TP.HCM… một số tiêu chuẩn đã được chiết giảm nhằm giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng và tránh các tác động lớn tới quy hoạch địa phương”, tư vấn cho biết.

Phương án tổ chức chạy tàu

Tốc độ chạy tàu: Vmax =320km/h.

Thời gian chạy tàu (bao gồm cả thời gian dừng tại ga):

Đoạn Hà Nội – Vinh: 1 giờ 20 phút.

Đoạn TP.HCM-Nha Trang: 1 giờ 35 phút.

Hà Nội – Đà Nẵng: Thời gian chạy sẽ là 2 giờ 24 phút.

Hà Nội – TP.HCM: Thời gian chạy là 5 giờ 17 phút (tàu nhanh đỗ ít ga) và 6 giờ 50 phút (tàu nhanh đỗ nhiều ga).

Bố trí tàu: Giai đoạn đầu đoàn tàu sử dụng 10 toa và giai đoạn sau là 16 toa.

Thời gian khai thác: 6h – 24h

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tư vấn cũng đã đặt vấn đề vận hành dịch vụ tàu chạy đêm. Theo đó, việc hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam dự kiến sau năm 2040. Vì vậy, giai đoạn đầu khi khai thác đoạn ưu tiên Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang với thời gian hành trình dài nhất <5 giờ do đó dịch vụ tàu đêm chưa phù hợp để áp dụng.

Theo tư vấn, chỉ khi khai thác toàn tuyến, thời gian hành trình nâng lên, việc khai thác tàu đêm sẽ được cân nhắc trên cơ sở nhu cầu của hành khách để quyết định. Khi đó vấn đề bảo dưỡng hạ tầng cần được bố trí hợp lý đảm bảo an toàn khi khai thác tàu trong khu vực bảo trì.

Thành Luân – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Quang cảnh diễn đàn “Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam -những vấn đề đặt ra” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ảnh: Vusta

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/duong-sat-toc-do-cao-khoang-cach-cac-ga-toi-thieu-50km-3420577/