Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Khẩn trương cho công đoạn cuối cùng

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021. Thêm một lần nữa, người dân Thủ đô lại hy vọng dự án này sẽ về đích đúng hẹn.

Theo văn bản chấp thuận mới nhất của Thủ tướng và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021. Thêm một lần nữa, người dân Thủ đô lại hy vọng dự án này sẽ về đích đúng hẹn.

Đầu tháng 3, Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, sau 20 ngày vận hành thử và an toàn lao động, an toàn hệ thống, vận hành đơn động, liên động các nhân viên vào đúng vị trí, chuyên gia hỗ trợ giám sát đúng vị trí, đánh giá các lỗi nhỏ có thể xử lý được.

Nhưng sau khi tiếp nhận vẫn cần có chuyên gia hỗ trợ, theo mô hình định biên dự án sẽ có 681 người làm việc, trong đó 651 người được đào tạo bổ sung với 112 chức danh, vị trí công việc.

Thời gian tiếp nhận dự án đưa vào khai thác thương mại sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá, nghiệm thu dự án và sẵn sàng tiếp nhận khi đủ điều kiện. Trong quá trình dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành thử nghiệm, Tư vấn Pháp, Tổng thầu Trung Quốc đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban quản lý dự án, Metro Hà Nội cùng nhau giám sát chéo để đánh giá an toàn.

Thông tin thêm, mới đây Phó Tổng giám đốc Công ty Metro Hà Nội – ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết, đây là dự án đầu tiên và mới của Việt Nam và là dự án được Thành phố Hà Nội rất coi trọng, do đó cả nhân sự quản lý và nhân sự vận hành đều được đào tạo tại Trung Quốc.

Những nhân sự trực tiếp vận hành dự án có 681 nhân lực, trong đó có 201 người được đào tạo tại Trung Quốc, số còn lại được đào tạo trên tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Những lái tàu được đào tạo ở Trung Quốc 1 năm (6 tháng học lý thuyết và 6 tháng học thực hành) trên các tuyến đường sắt đô thị tại Bắc Kinh. Qua quá trình vận hành thử, các nhân sự đều được đánh giá hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Về yêu cầu lý thuyết thì giống nhau, nhưng năng lực lái tàu mỗi người khác nhau. Đại diện Metro Hà Nội thông tin thêm, theo đánh giá của các chuyên gia, lao động Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật.

Sau 20 ngày chạy thử tuyến Cát Linh – Hà Đông, tất cả các vị trí đều sẵn sàng tiếp nhận và vận hành các vị trí trên tuyến, chuyên gia hỗ trợ chỉ để xử lý 64 tình huống phát sinh trong quá trình vận hành.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã cam kết phấn đấu trong tháng 12/2020 hoàn thành nghiệm thu có điều kiện, cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tại cuộc họp này, ghi nhận cam kết nói trên, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP Hà Nội phải tập trung sức lực”.

Theo đúng kế hoạch, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống theo 166 quy trình, từ ngày 12/12 đến 31/12/2020. Kết thúc thời gian vận hành thử nghiệm, đã có 5.700 lượt tàu chạy hơn 70.000km đường sắt trên cao…

Theo văn bản chấp thuận mới nhất của Thủ tướng và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ GTVT ban hành tháng 12/2020, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021.

Đặng Nhật – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông chạy thử nghiệm để kiểm tra công tác an toàn.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://cand.com.vn/giao-thong/duong-sat-do-thi-cat-linh-ha-dong-khan-truong-cho-cong-doan-cuoi-cung-633024/