Đường hỏng, nhắc 2 lần không sửa bị tạm dừng thu phí

Nhà đầu tư vi phạm chất lượng bảo trì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhắc nhở 2 lần mà không khắc phục sẽ bị tạm dừng thu phí.

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 15/2020 quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Thông tư có hiệu lực thi hành kẻ từ ngày 15/9/2020.

Thông tư mới của Bộ GTVT quy định rõ trách nhiệm của đơn vị thu phí; thời gian hoạt động của trạm thu phí; quy định về công tác báo cáo; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; quản lý nhà nước hoạt động trạm thu phí…

Đáng chú ý, tại Điều 9 Thông tư quy định rõ các trường hợp tạm dừng thu phí.

Theo đó, một số trường hợp điển hình như, doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư vi phạm chất lượng bảo trì đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhắc nhở 2 bằng văn bản lần kèm theo thời hạn khắc phục. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong, nhưng không ít hơn 1 ngày.

Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư, đơn vị thu để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục 2 lần bằng văn bản kèm theo thời hạn khắc phục nhưng không khắc phục hoặc chậm khắc phục. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong, nhưng không ít hơn 1 ngày.

Khi hệ thống công nghệ, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ bị trục trặc, hư hỏng không được khắc phục kịp thời theo quy định, thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong sự cố và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản cho phép thu phí trở lại.

Cuối cùng là khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có thiên tai, địch họa hoặc phục vụ an ninh, quốc phòng hoặc thực hiện theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Thông tư cũng quy định nhiều lỗi mà nhà đầu tư vi phạm sẽ bị trừ thời gian thu.

Nhà đầu tư dự án BOT chậm nộp báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình BOT theo quy định. Thời gian thu bị trừ là 1 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo quyết toán từ 10 – 15 ngày; thời gian thu bị trừ là 2 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo quyết toán từ 16 – 30 ngày; đối với trường hợp chậm nộp báo cáo quyết toán từ ngày 31 trở đi, cứ 5 ngày chậm nộp báo cáo quyết toán thì thời gian thu bị trừ 1 ngày.

Đơn vị thu không thực hiện việc sao lưu dữ liệu thu hoặc sao lưu dữ liệu không đầy đủ theo quy định. Thời gian thu bị trừ là 2 ngày trong trường hợp không sao lưu dữ liệu từ 10 – 15 ngày, thời gian thu bị trừ là 4 ngày trong trường hợp không sao lưu dữ liệu từ 16 – 30 ngày; đối với trường hợp không sao lưu dữ liệu từ ngày 31 trở đi, cứ 5 ngày không sao lưu dữ liệu thì thời gian thu bị trừ 2 ngày.

Đơn vị thu không thực hiện báo cáo theo quy định hoặc không nộp phí sử dụng tài sản nhà nước, không nộp tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở 2 lần, mỗi lần cách nhau không dưới 5 ngày. Thời gian thu bị trừ là 1 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 10 – 30 ngày; thời gian thu bị trừ 2 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 31 – 60 ngày; đối với trường hợp chậm nộp báo cáo từ 61 ngày trở đi, cứ 5 ngày chậm nộp báo cáo thì thời gian thu bị trừ 1 ngày.

Trường hợp dự án hết thời gian thu hoàn vốn (bao gồm cả thời gian thu thêm tạo lợi nhuận đối với các dự án có quy định về thời gian thu tạo lợi nhuận), đơn vị thu phải chủ động dừng thu phí hoặc chấp hành quyết định dừng thu phí của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc của đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ).

Với sự ra đời của Thông tư 15/2020, dư luận kỳ vọng sẽ chấm dứt được tình trạng đường BOT hỏng vẫn thu phí vốn xảy ra phổ biến trong thời gian qua.

Tiêu biểu cho tình trạng này là tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Bình Định kéo dài bị hư hỏng nặng khiến người dân bức xúc suốt một thời gian dài. Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định trong buổi thị sát cùng Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vào tháng 10/2018 đã phải thừa nhận, quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định là hư hỏng nặng nhất, xấu nhất ở miền Trung.

Cuối năm 2017, lãnh đạo Bộ GTVT đã hứa trước Quốc hội sẽ chỉ đạo khắc phục hư hỏng trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng đến thời điểm Bộ trưởng GTVT đi thị sát tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, thậm chí đường xuống cấp, hư hỏng trầm trọng hơn. Ngoài quốc lộ 1 thì quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Bình Định cũng xảy ra tình trạng hư hỏng tương tự.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Địnhcho biết, phần lớn các đoạn đường BOT bị hư hỏng nặng nhưng vẫn không giảm phí.

Bộ trưởng Thể khi đó yêu cầu, không riêng gì Bình Định mà tất cả dự án BOT hiện nay đang thu tiền đều phải đảm bảo chất lượng tốt. Nếu dự án nào có vấn đề thì phải kiểm tra, đề xuất một cách quyết liệt để sửa chữa. Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý xây dựng phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Nhà đầu tư nào không tuân thủ, chậm trễ kéo dài thì cấm thu phí.

Minh Thái – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Sẽ chấm dứt tình trạng đường BOT hỏng mà vẫn thu phí

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-hong-nhac-2-lan-khong-sua-bi-tam-dung-thu-phi-3415733/