Dùng công nghệ tháo gỡ ‘nút thắt’ bài toán giao thông đô thị Tp. Hồ Chí Minh

Hạ tầng giao thông đô thị phát triển không theo kịp sự gia tăng mạnh mẽ về phương tiện và dân số là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại Tp. Hồ Chí Minh.

Nguồn lực đầu tư hạ tầng hạn chế, Thành phố đã và đang nỗ lực đưa công nghệ để tháo “nút thắt” bài toán giao thông đô thị.

* Lấy công nghệ tháo gỡ “nút thắt” hạ tầng

Trước đây, việc lưu thông trên các tuyến đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố và ngược lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuy nhiên, khoảng một năm nay, tuyến đường này đã lưu thông dễ dàng hơn, kể cả vào giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Văn Hai (buôn bán gần khu vực cầu Công Lý) cho biết, trước đây, khu vực này thường kẹt xe kéo dài, bất kể thời gian, nhất là vào giờ tan tầm. Tuy nhiên, gần đây tình hình giao thông có vẻ ổn hơn, dù vẫn đông phương tiện lưu thông chậm, nhưng không ùn ứ nhiều như trước.

Điều này là nhờ ứng dụng các công nghệ vào điều hành giao thông tại các nút giao, được Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh triển khai trên một số tuyến đường như: Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, trục Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi, Pasteur, Trương Định,…

Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt cho phép tự động điều chỉnh các thông số điều khiển như thời gian chu kỳ đèn, thời gian đèn xanh, số pha điều khiển, trình tự pha điều khiển, lệch thời gian đèn xanh để thích ứng với lưu lượng giao thông thay đổi theo từng thời điểm và ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng.

“Với kịch bản điều khiển “làn sóng xanh”, các phương tiện lưu thông với vận tốc trung bình 35 km/giờ có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục trên các tuyến đường trong điều kiện lưu thông thông thoáng”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm chia sẻ.

Cùng với “làn sóng xanh”, ngành giao thông thành phố cũng đưa vào ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để tháo gỡ các điểm nghẽn, giao lộ thường ùn tắc giao thông.

Hiện Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh) có hệ thống 857 camera giám sát giao thông; hệ thống giám sát và điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt tại 216 chốt theo tình hình giao thông thực tế.

Thông qua hệ thống màn hình tường, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao thông có camera kết nối. Trung tâm sẽ phân tích và đưa ra các kịch bản, từ đó chạy lại tín hiệu đèn tại nút giao, giúp cải thiện tình hình nút giao.

Cùng với đó, cổng thông tin giao thông kết hợp với 70 bảng thông tin giao thông điện tử (VMS) thường xuyên cập nhật, cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông; tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về các sự cố hạ tầng giao thông; hệ thống kiểm soát tốc độ và tải trọng tự động được lắp đặt trên đường…

Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị cho rằng, trong điều kiện hiện nay, giải pháp điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt đã góp phần giải tỏa ùn tắc cho các nhánh nút, ngăn ngừa được nguy cơ ùn tắc lan truyền, giảm thiểu tổng thời gian tổn thất tại nút giao, giảm thời gian chờ cho phương tiện giao thông công cộng.

Điều này giúp giảm thời gian bắt đầu nhập nút, tăng năng lực thông hành các tuyến đường. Thực tế, vận tốc trung bình tăng từ 10 -15% trên các tuyến đường thông qua giải pháp điều khiển đèn linh hoạt.

Vừa qua, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị đã ứng dụng một số thuật toán, giải pháp như giám sát tự động các hành vi giao thông trên đường. Có 40 điểm camera giám sát tự động, khi có sự cố tai nạn, ùn tắc, xe dừng đỗ không đúng quy định, xe đi ngược chiều… hệ thống nhanh chóng báo về trung tâm. Nhân viên vận hành sẽ nắm bắt và thông tin nhanh cho các lực lượng phối hợp xử lý.

Theo ông Trần Quang Lâm, ngành giao thông đã sử dụng hiệu quả Mô hình mô phỏng dự báo tình hình giao thông để dự báo tình hình giao thông toàn thành phố phục vụ việc định hướng, xây dựng chiến lược phát triển ngành, quy hoạch, đánh giá tác động các dự án ngành giao thông. Các dự án đầu tư xây dựng kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng cũng được kiểm tra, đánh giá tác động trước khi quyết định đầu tư.

* Phát triển phải đồng bộ

Theo kết quả từ mô hình mô phỏng dự báo giao thông tại Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị, số hành trình đi lại trung bình của mỗi người dân thành phố năm 2020 là 3,16 chuyến đi/người/ngày và cao hơn so với các đô thị trong khu vực.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành, quản lý giao thông bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ hiệu quả vẫn cần sự đầu tư hạ tầng giao thông. Hiện quy mô dân số và hạ tầng đều ở mức độ quá tải và để giải quyết việc đi lại thuận lợi, vẫn là câu chuyện rất khó.

Ông Hoàng Thanh Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh ứng dụng khá hiệu quả giải pháp về công nghệ; trong đó, đặc biệt là ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, cần phải dựa trên nền tảng hạ tầng giao thông hiện hữu, ứng dụng công nghệ để tháo gỡ những tồn tại của cơ sở hạ tầng. Công nghệ là vấn đề mấu chốt để đưa ra giải pháp hài hòa và phù hợp. Tuy nhiên, hạ tầng cũng phải từng bước phát triển, công nghệ sẽ đồng hành và hỗ trợ tích cực.

Giai đoạn 2021 – 2025, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất UBND thành phố danh mục các dự án đầu tư công trong lĩnh vực đô thị thông minh với tổng kinh phí dự kiến 590 tỷ đồng. Ngành giao thông cũng sẽ tập trung nghiên cứu để triển khai ứng dụng AI trong việc quản lý, điều hành giao thông trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông; tăng cường giám sát, phát hiện tự động các hành vi vi phạm giao thông trên đường; quản lý, bảo trì hệ thống công trình giao thông; thu thập thông tin, giám sát và phát hiện tự động các bất cập, hư hỏng hệ thống công trình giao thông…

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, cần triển khai sớm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải quyết bài toán ách tắc giao thông của thành phố.

Bên cạnh ứng dụng công nghệ cũng phải đầu tư trang thiết bị, camera giám sát, kết hợp phân luồng, cải tạo các nút giao thông cho phù hợp. Khi cảnh báo thì phải dẫn dắt người tham gia giao thông lựa chọn hướng đi phù hợp, bởi nếu không đồng bộ, sẽ dồn vị trí ách tắc từ chỗ này sang chỗ khác. Do nguồn lực hạn chế, trước hết triển khai khu vực nào “nóng nhất” rồi tạo tính lan tỏa”.

Cùng quan điểm này, ông Đoàn Văn Tấn cho biết, hiện nay camera phát hiện tự động được đầu tư trên camera hiện hữu, chưa được đầu tư mới nên việc hiệu chỉnh, cân chỉnh gặp nhiều khó khăn.

Trong phát triển hệ thống giao thông thông minh, Sở Giao thông Vận tải có những dự án, chương trình để phát triển từng bước việc tự động hóa trong giám sát, điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Đích cuối cùng còn rất dài, bởi cần thời gian về đầu tư công nghệ và đào tạo cách thức vận hành.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh vừa qua, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị, ngành giao thông tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong quản lý khai thác điều hành giao thông.

Trước mắt, sớm xác lập các mô hình dự báo giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp. Lâu dài là triển khai các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại để tự động hóa tất cả công đoạn trong quy trình, bắt đầu từ khâu phát hiện, ghi nhận đến quy trình các bước xử lý vi phạm và chấp hành cùa người vi phạm giao thông.

Đây cũng là những định hướng được ngành giao thông Tp. Hồ Chí Minh triển khai thời gian qua, nhằm từng bước cải thiện tình hình giao thông, kết hợp giữa phát triển kết cấu hạ tầng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giao thông.

Tiến Lực/TTXVN

Theo Bnews

Ảnh: Cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn- Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài trong ngày thông xe. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://bnews.vn/dung-cong-nghe-thao-go-nut-that-bai-toan-giao-thong-do-thi-tp-ho-chi-minh/186414.html