Du lịch miền Trung & Tây Nguyên: Nhìn từ Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam

Muốn phát triển du lịch cần phải có nhiều phương án, một trong số đó là tăng cường tính liên kết vùng, điều này đang được các tỉnh Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng và Quảng Nam thực hiện tốt trong nhiều năm qua; nhờ đó, giúp ngành du lịch tại miền Trung & Tây Nguyên nói chung và của cả nước ngày càng đi lên…

Miền Trung – Tây Nguyên có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, dù vậy cách làm vẫn còn thiếu hiệu quả

Miền Trung – Tây Nguyên là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông – Tây, lại có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á; vì thế khu vực này có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Nơi đây có tiềm năng du lịch biển, đảo – được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, toàn khu vực còn có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung 14 di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em…

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, những năm qua, du lịch miền Trung – Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2018 tổng lượng khách đến cả khu vực đạt khoảng 56 triệu lượt, chiếm hơn 60% lượng khách của cả nước; trong đó, khách quốc tế chiếm 54,4%. Ngành du lịch đã giải quyết việc làm cho hơn 180.000 lao động.

Dù vậy, sự phát triển của du lịch miền Trung – Tây Nguyên vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Nó được xem như một “viên ngọc thô” chưa được mài dũa… Nhưng xét kĩ thì ở đó vẫn có những địa phương làm tốt công tác du lịch.

Cụ thể, năm 2019 đã là năm thứ 12, các địa phương Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam ký kết biên bản hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch. Slogan “3 địa phương- một điểm đến” trở thành một thương hiệu lớn trên “bản đồ” du lịch Việt Nam; được Tổng cục Du lịch đánh giá là mô hình liên kết mẫu của cả nước.

Hình thức hoạt động là mỗi địa phương luân phiên làm trưởng nhóm liên kết theo từng năm, nhóm trưởng sẽ là địa phương đưa ra kế hoạch và chủ trì các hoạt động dưới sự thống nhất của cả 3 địa phương.

Ông Trương Thành Minh – Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiệu quả lớn nhất trong liên kết của 3 địa phương là khả năng xúc tiến quảng bá điểm đến. Nếu riêng lẻ mỗi địa phương, nguồn lực sẽ không đủ để quảng bá đến nhiều thị trường. Khi cả 3 địa phương dồn lực, khả năng quảng bá sâu rộng hơn, đến được những thị trường lớn, mà trước đó phải tốn nhiều kinh phí như ở Tây Âu. Chính sự liên kết đã giúp các địa phương có sự liên thông, hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến 3 địa phương; liên kết giúp các địa phương chia sẻ nguồn nhân lực như: hướng dẫn viên, lực lượng điều hành trong doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh du lịch…

Thủ tướng tin tưởng du lịch miền Trung – Tây Nguyên sẽ có chuyển biến lớn trong thời gian tới…

“Những năm đầu liên kết luôn gặp những khó khăn bởi các sản phẩm của 3 địa phương trùng nhau. Mỗi địa phương phát triển sản phẩm mà không có sự phối hợp để bổ sung cho nhau nên dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác. Gần đây, 3 địa phương đã nhìn nhận và hình thành được các sản phẩm chung như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường cao nguyên xanh”, “Tuyến hành lang Đông- Tây”… đã giúp liên kết đạt hiệu quả hơn, du khách kết hợp đến cả 3 địa phương chứ không còn đến riêng lẻ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, nhất là khi tổ chức xúc tiến quảng bá chưa thể đồng nhất về thị trường, như Đà Nẵng chủ yếu thu hút khách Trung Quốc và Hàn Quốc bởi du lịch đô thị; trong khi đó, Huế và Quảng Nam lại lựa chọn thị trường Tây Âu. Điều này chủ yếu do khách quan bởi mỗi địa phương có thế mạnh riêng. Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng hơn…”- ông Minh chia sẻ.

Tại “Hội nghị phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên” diễn ra giữa tháng 2 vừa qua tại TP. Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ, nhìn một cách tổng thể, du lịch miền Trung – Tây Nguyên vẫn đang còn rất mất cân đối, thiếu bản sắc, đặc biệt là bản sắc chung của du lịch Việt Nam mang tính toàn cầu. Ngoài ra, nguồn tài nguyên du lịch cũng đang bị phân mảnh trong quản lý, sự xung đột về lợi ích của các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp – du lịch,… cũng dẫn đến việc các tài nguyên du lịch dần bị mất đi.

Thủ tướng không ngần ngại nhắc lại tình trạng “chặt chém” du khách, nhất là nhà hàng ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)- một tỉnh nằm ở miền Trung vừa bán đĩa trứng xào cà chua 500.000 đồng… Và rồi Thủ tướng vẫn tin tưởng sắp tới miền Trung – Tây Nguyên sẽ có chuyển biến lớn để có những bước tăng trưởng mới về du lịch trong vùng.

Ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với dự kiến quy hoạch vùng phát triển kinh tế mới của Chính phủ trong thời gian đến, các địa phương có thể tham mưu lên Chính phủ để có những chính sách đẩy mạnh liên kết ngang, tránh tình trạng các sản phẩm duyên hải miền Trung trùng nhau. Đây có thể là sự mở đầu mới trong liên kết phát triển du lịch của khu vực sau này…

Bài, ảnh: Văn Dinh – Báo TN&MT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Các tỉnh Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng và Quảng Nam đang làm tốt việc liên kết vùng trong phát triển du lịch, qua đó thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng tốt

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/du-lich-mien-trung-tay-nguyen-nhin-tu-hue-da-nang-quang-nam-1266799.html