Dự án xây sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô bao giờ triển khai?

Dự án xây dựng sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô đã được đưa ra bàn thảo từ khá lâu, nhưng đến nay, vấn đề chọn vị trí cho sân bay này vẫn chưa ngã ngũ.

Trong bối cảnh nhu cầu đi lại của hành khách ngày một gia tăng, việc xây dựng thêm một cảng hàng không (CHK) của Vùng Thủ đô để san sẻ cho sân bay Nội Bài đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Để sau 2030 mới quyết sẽ không có đất làm sân bay

Đầu tháng 10/2021, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, gắn với phát triển đô thị TP Hà Nội”.

Trong hội thảo trên, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy khẳng định, Hà Nội đang rất cần có một sân bay thứ 2 nhằm đáp ứng nhu cầu quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Tham khảo kinh nghiệm thực tế từ các nước phát triển trên thế giới cho thấy, những đô thị trên 10 triệu dân đều có từ 2 – 3 sân bay.

Trong khi đó, khảo sát sơ bộ của TP cho thấy, vị trí đẹp nhất để đặt sân bay thứ 2 vùng Thủ đô là ở phía Nam Hà Nội, nằm giữa đường Vành đai 4 và Vành đai 5. Với vị trí này, sân bay mới có thể huy động được quỹ đất thuận lợi để đáp ứng được quy mô khoảng 1.300ha. Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, việc lựa chọn vị trí đặt sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô cần được quyết định sớm bởi nếu để đến ngoài năm 2030 mới tính đến sẽ không có đất làm sân bay.

Trên thực tế, việc chọn vị trí đặt sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô đã được đưa ra bàn thảo từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.

Tuy nhiên, sau đó, khi đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Hải Phòng bất ngờ đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế thứ 2 Vùng Thủ đô.

Lí do mà địa phương này đưa ra là do đề án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng các quy hoạch đường bộ, đường sắt đô thị kết nối sân bay Tiên Lãng.

Trong khi đó, về phía Hà Nội, ngay từ đầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP đã khẳng định phương án bố trí sân bay thứ 2 tại khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều ưu điểm như khoảng cách và thời gian tiếp cận tới trung tâm Hà Nội hợp lý; có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, tiếp cận đồng thời với cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy và đường sắt; thuận lợi về giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển…

Tuy nhiên, Bộ GTVT sau đó đã “bác” đề xuất xây sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa của TP Hà Nội với lý do đây là vị trí khó khả thi trong việc bố trí sân bay mới với mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho sân bay Nội Bài.

Đồng thời, Bộ GTVT cho biết trong hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị kiến nghị thời điểm nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô sau năm 2040. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu để đến tận sau năm 2040 là quá chậm.

Cần sớm lựa chọn vị trí cho sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô (Ảnh: Huy Hùng).

Quy hoạch giao thông phải có tầm nhìn chiến lược

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không nhấn mạnh, hiện tại sân bay Nội Bài vẫn còn dư địa để khai thác, do đó nhu cầu về sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô trong ít năm tới là chưa cao.

Tuy nhiên, quy hoạch giao thông nói chung và quy hoạch hạ tầng hàng không nói riêng cần phải có tầm nhìn chiến lược. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định, đây chính là hạn chế cố hữu của ngành giao thông hiện nay của nước ta.

“Một sự án đường phải có tầm nhìn cho mấy chục năm, thậm chí là cả trăm năm sau thì xây một sân bay phải có tầm nhìn dài hơn thế” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói. Theo chuyên gia hàng không này, với đặc thù này của quy hoạch giao thông thì không thể lấy nhu cầu trong thời gian trước mắt để đánh giá mà phải có sự chuẩn bị sớm cho dự án của hàng chục năm sau đó.

“Một trong những vấn đề lớn nhất của các dự án giao thông ở nước ta là tiền đền bù, giải phóng mặt bằng rất lớn. Thế nên phải có kế hoạch sớm để tránh gánh nặng ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng sau này” – chuyên gia Nguyễn Thiện Tống khẳng định và cho rằng, lựa chọn vị trí cho sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô càng sớm sẽ càng tốt.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, sự cần thiết cho Thủ đô và đất nước với sự tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam trong những năm qua, việc đề xuất thêm một sân bay nữa cũng là có cơ sở. Đầu tư xây dựng một sân bay tại Hà Nội trong điều kiện hiện nay và tương lai rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Ngô Trí Long, liên quan đến dự án xây dựng sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô, cần phải xây dựng đề án quy hoạch rõ ràng và có sự tham gia của hàng không dân dụng, quân sự và quy hoạch đô thị, thông qua góp ý của các ngành liên quan như du lịch, logicstic, xuất nhập khẩu…

“Sẽ còn rất nhiều thứ cần được làm rõ và nghiên cứu kỹ để cho dự án được triển khai thuận lợi, đảm bảo hiệu quả đầu tư sau khi đưa vào khai thác” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Quý Nguyễn – Báo KTĐT

Theo Kinh tế & Đô thị

Ảnh: Sân bay Nội Bài cần được ”san sẻ gánh nặng” khi lượng hành khách ngày một gia tăng (Ảnh: Việt Hùng).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtedothi.vn/du-an-xay-san-bay-thu-hai-cua-vung-thu-do-bao-gio-trien-khai-438216.html