Dự án Khu đô thị Nam Quốc lộ 32 với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, quy mô dân cư 12.000 người, dự kiến tổ chức bàn giao nhà trong quý IV/2016. Thế nhưng, đến nay đã 6 năm trôi qua, tiến độ triển khai Dự án vẫn “ì ạch” ngổn ngang, thậm chí nhiều diện tích đất bỏ hoang, bị nhiều tổ chức cá nhân lợi dụng kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng, trở thành điểm đến của nạn đổ rác, phế thải gây ô nhiễm môi trường, bức xúc dư luận.
Môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết đây là Dự án Khu đô thị Nam Quốc lộ 32 (Dự án Nam 32 hay Dự án Westpoint) thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Chủ đầu tư của Dự án là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 (Công ty Lũng Lô 5).
Trên các trang web rao bán bất động sản, Dự án Nam đường 32 được giới thiệu là khu đô thị sang trọng và hiện đại với đầy đủ tiện ích và dịch vụ đẳng cấp mang lại cuộc sống hoàn hảo cho cư dân. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo TN&MT cho thấy, Dự án này vẫn còn ngổn ngang, bộn bề các loại vật liệu, khối bê tông nham nhở. Trong đó, nhiều khu vực cỏ mọc um tùm, các bãi đất trống với nhiều chỗ đã làm móng nhưng bỏ dở trơ sắt thép hoen gỉ theo thời gian…
Điều đáng nói là vị trí đất nói trên bị bỏ hoang biến thành bãi tập kết rác thải sinh hoạt, phế thải, vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân xung quanh bức xúc. Cụ thể, tại tuyến đường Cao Trung 1, nằm trong Dự án Nam Quốc lộ 32, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức bị bủa vây bởi rác thải xen lẫn với phế thải xây dựng.
Tại đây, rác ùn ứ và kéo dài hàng chục mét bốc mùi hôi thối, nồng nặc gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống xung quanh. Nguyên nhân phát sinh rác thải là do một bộ phận người dân thiếu ý thức thản nhiên đổ rác sinh hoạt, túi nilon, rác thải cồng kềnh (bàn, ghế, giường tủ) ra khu vực này.
Do Dự án chưa hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thoát nước… nên mỗi khi trời mưa, đường bị ngập úng, điện nước, giao thông hạn chế, khó khăn. Người dân sống xung quanh khu vực Dự án cho biết, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng do dự án kéo dài, Dự án cũng không đáp ứng những tiêu chí “đáng sống” với tiện ích đầy đủ như Chủ đầu tư chào bán.
Không dừng lại ở đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng việc Dự án Nam đường 32 triển khai chậm tiến độ để tiến hành lấn chiếm đất đai, sau đó ngang nhiên biến khu vực này thành các bến, bãi phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng trái phép, thu lời bất chính.
Sẽ đề xuất thu hồi nếu tiếp tục chậm tiến độ
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về những tồn tại của Dự án nói trên, ông Nguyễn Phan Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Giang, huyện Hoài Đức thừa nhận: Phản ánh của người dân là đúng thực tế, sau khi nhận được ý kiến trên, chính quyền xã đã cử lực lượng xuống kiểm tra, đối chiếu với các đơn vị quản lý các khu đất thuộc Dự án Nam đường 32. Có thể khẳng định phần lớn diện tích thuộc địa giới hành chính xã Đức Giang đã được bàn giao cho Chủ đầu tư là Công ty Lũng Lô 5.
Do không có người trông coi và không xây dựng cổng vào để quản lý, nên đã tạo điều kiện cho các đối tượng đổ trộm rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt tràn lan ra cả phần vỉa hè của đường Cao Trung 1, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho người dân đi lại trên tuyến đường.
Để xử lý tình trạng trên, giải quyết bức xúc của người dân, UBND xã Đức Giang đã có Công văn số 29/UBND, ngày 20/4/2020 và Công văn số 32/UBND ngày 29/4/2022 gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5. Theo đó, một trong những nội dung văn bản của UBND xã Đức Giang yêu cầu Công ty Lũng Lô 5 đẩy nhanh tiến độ Dự án, góp phần ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất để kinh doanh vật liệu xây dựng, đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường…
Ông Phùng Bá Nhân – Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết: Dự án Nam Quốc lộ 32 được thành phố và huyện tập trung chỉ đạo đối với đơn vị Chủ đầu tư có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, UBND huyện đề nghị Công ty Lũng Lô 5 nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng các tuyến đường, cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng… để không gây ngập úng khi mưa, cũng như công tác vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị xung quanh.
Ông Nhân cho biết thêm, quan điểm của thành phố Hà Nội cũng như huyện là sẽ quyết liệt chỉ đạo các dự án chậm tiến độ. Nếu Chủ đầu tư không cải thiện tình hình, tiếp tục kéo dài Dự án, UBND huyện Hoài Đức sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo và đề xuất với UBND TP. Hà Nội tiến hành các bước thu hồi Dự án.
Bài và ảnh: Huy An – Báo TNMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Ảnh: Lợi dụng đất dự án để kinh doanh bến, bãi vật liệu xây dựng.
Xem bài viết gốc tại đây: