Dự án nghìn tỷ, gần 10 năm vẫn nằm trên giấy ở quận Hoàng Mai

Dự án khu đô thị Trũng Kênh rộng hơn 20 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng ở quận Hoàng Mai đã được chấp thuận đầu tư nhưng đã bỏ đất hoang

Dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp cải tạo, chỉnh trang lại làng xóm cũ (dự án Trũng Kênh) có quy mô khoảng 214.883m2, nằm rất gần trụ sở UBND quận Hoàng Mai. Hiện nay, khu vực này vẫn là bãi đất hoang, nhiều hộ dân tranh thủ trồng rau màu xen lẫn những bãi đổ rác thải, phế liệu.

Hơn 10 năm trước, dự án Trũng Kênh được chấp thuận tại Quyết định số 65/2007/QĐ-UBND ngày 20/6/2007 của UBND TP Hà Nội. Đến tháng 3/2012, Thường trực Thành ủy có thông báo đồng ý chủ trương cho phép liên danh CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Hà Thành (Indecotech), CTCP Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội (Hanhud) và CTCP Licogi 16 (Licogi 16) làm chủ đầu tư dự án Trũng Kênh, có vốn đầu tư khoảng 3.234,9 tỷ đồng.

Ngày 20/6/2014, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3258/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu chức năng đô thị Trũng Kênh, thành Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp cải tạo chỉnh trang làng xóm cũ (dự án Trũng Kênh).

Dự án có vị trí rất đắc địa khi Phía Đông Bắc dự án giáp với khu di dân Đồng Tàu, phía Tây giáp với đường Giải Phóng, phía Đông giáp với đường quy hoạch dự kiến và phía Nam giáp với tuyến đường tiếp giáp khu hành chính quận Hoàng Mai.

Tới ngày 23/3/2016, liên danh nói trên được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trũng Kênh tại Quyết định số 1424/QĐ-UBND. Lúc này, dự án có quy mô khoảng 214.883m2, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.234,9 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện là, từ quý IV/2015 – quý IV/2017 chuẩn bị mặt bằng; từ quý II/2017 – quý IV/2018 hạ tầng kỹ thuật đô thị; từ quý III/2018 – Quý IV/2025 đầu tư xây dựng công trình kiến trúc…

Hiện nay, nhiều gia đình có đất nằm trong khu vực quy hoạch của dự án vẫn đang tận dụng để canh tác hoa màu, chứ chưa có dấu hiệu xây dựng nào trên thực địa. Chưa kể đến, nhiều góc của dự án còn trở thành nơi đổ rác, tập kết phế liệu.

Các gia đình dựng các giàn leo tạm bợ để trồng rau củ, việc đi lại, tiếp cận những mảnh ruộng ở đây cũng không hề dễ dàng, đa số là những lối đi nhỏ được đắp đất và kê các tấm phế liệu.

Người phụ nữ này trồng rau muống bên trong dự án cho biết mượn của người quen để làm, do đó không muốn tiết lộ danh tính. Chị cho biết, rau màu trồng theo mùa và sản phẩm thì đem ra chợ Thịnh Liệt bán theo ngày.

Với những vườn trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao hơn, các hộ dân còn tự dựng hàng rào, cửa gỗ và khóa cẩn thận để tránh bị lấy cắp.

Tùng Đinh – Văn Việt – Báo Nông Nghiệp

Theo Nông Nghiệp

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nongnghiep.vn/du-an-nghin-ty-gan-10-nam-van-nam-tren-giay-o-quan-hoang-mai-d264274.html