Dự án Khu dân cư Ven sông về tay Quốc Cường Gia Lai như nào?

Nhà chức trách xác định việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng một phần dự án Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2 đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Dự án của doanh nghiệp Nhà nước ‘về tay’ Quốc Cường Gia Lai thế nào?

Theo kết luận điều tra, tháng 11/2001, UBND TP HCM có quyết định giao đất cho Công ty Tân Thuận để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư Ven Sông – khu đô thị mới Nam Thành phố, phường Tân Phong, quận 7.

Năm 2008, Công ty Tân Thuận đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai với tỷ lệ 55:45 để đầu tư xây dựng dự án Khu cao ốc căn hộ – thương mại ven sông Tân Phong tại khu 4 – Khu dân cư Ven Sông.

Năm 2008, dự án phải dừng vì liên quan đến quy hoạch nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ.

Đầu năm 2012, 45% vốn góp trong hợp đồng này đã được Công ty Hoàng Anh Gia Lai chuyển qua công ty con rồi thuộc về Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Giữ tháng 12/2015, Công ty Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị Công ty Tân Thuận chuẩn bị tài sản thế chấp để vay vốn triển khai dự án hoặc chuyển nhượng tiếp 55% còn lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai để công ty này thực hiện dự án.

Sau khi nhận văn bản, ông Trần Công Thiện, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận bàn bạc với lãnh đạo doanh nghiệp và thống nhất chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp tại dự án.

Ông Thiện ký hợp đồng tư vấn, dịch vụ thẩm định giá với Công ty Cổ phần thẩm định giá Thương Tín để thẩm định giá khu 4 khu dân cư Ven Sông với mục đích “hợp tác đầu tư”.

Đầu năm 2016, Công ty Thương Tín có chứng thư thẩm định giá, xác định giá trị bình quân khu 4, Khu dân cư Ven Sông là hơn 17,6 triệu đồng/m2.

Tiếp đó, ông Thiện đã tổ chức họp hội đồng xây dựng giá để xây dựng giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp với giá 19,5 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, hội đồng xây dựng giá đã sử dụng sai mục đích chứng thư thẩm định giá, chứng thư là “hợp tác đầu tư” nhưng lại được sử dụng làm mục đích chuyển nhượng vốn góp. Dù không đúng quy chế xây dựng giá bất động sản trong kinh doanh công ty nhưng các thành viên vẫn thống nhất.

Đầu tháng 2/2016, ông Thiện ký biên bản làm việc với Công ty Quốc Cường Gia Lai thống nhất giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp của Công ty Tân Thuận với giá 20 triệu đồng/m2.

Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận thống nhất thông qua đề xuất chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2.

Tháng 9/2017 Công ty Quốc Cường Gia Lai lại có văn bản đề nghị được mua tiếp 10% vốn còn lại của Công ty Tân Thuận và lập thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Công ty Tân Thuận đã thống nhất hoán đổi 10% vốn góp còn lại thành sàn căn hộ, đơn giá hoán đổi là 23 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, tháng 11/2017, ông Trần Công Thiện ký chuyển nhượng tiếp một phần dự án Khu dân cư Ven Sông cho Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2.

Nhà chức trách xác định, ông Trần Công Thiện ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án mà không thực hiện xây dựng giá lại, dẫn đến giá trị chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc thị trường, gây thiệt hại cho nguồn vốn Nhà nước hơn 80 tỷ đồng.

Không có căn cứ xử lý hình sự bà Nguyễn Thị Như Loan

Theo kết luật điều tra, bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai khai, sau khi mua lại 45% vốn góp của Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (công ty con của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai), phía Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị Công ty Tân Thuận nhanh chóng thực hiện dự án để sớm thu hồi vốn.

Công ty Tân Thuận đã 3 lần họp với Sở Xây dựng TP HCM xin chấp thuận đầu tư dự án, nhưng Sở này trả lời công ty không đủ điều kiện vốn đối ứng 20% tổng mức đầu tư, nên không thực hiện được dự án.

Sau đó, Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục đề xuất Công ty Tân Thuận phải tăng vốn điều lệ và vay ngân hàng để đủ điều kiện thực hiện đối với 55% vốn góp tại dự án. Riêng 45% vốn của Công ty Quốc Cuờng tự cân đối tài chính để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, Công ty Tân Thuận cho biết là công ty nhà nước nên việc tăng vốn điều lệ rất khó và không có tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn. Do đó, bà Loan đề xuất hoặc Công ty Tân Thuận mua lại phần vốn góp của Công ty Quốc Cường Gia Lai hoặc chuyển nhượng dự án. Nhưng Công ty Tân Thuận không chịu chuyển nhượng hết mà chỉ chuyển nhượng tiếp 45%, còn 10% công ty này giữ lại để đổi lấy sản phẩm cho thuê làm nguồn thu nhập ổn định cho công ty.

Sau đó, ngày 18/3/2016, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp của mình cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 186 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Quốc Cường Gia Lai nắm 90% giá trị khu đất. Còn Công ty Tân Thuận nắm 10% nhưng về pháp lý, Tân Thuận vẫn đứng tên sở hữu đất.

Năm 2017, sau khi sở hữu 90% vốn góp tại dự án, Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị Công ty Tân Thuận bỏ ra 10% chi phí để triển khai xây dựng dự án. Tuy nhiên, Công ty Tân Thuận không chịu mà đề nghị sau này sẽ lấy 10% giá trị đất để hoán đổi thành sàn căn hộ trên tổng số giá trị của đất và chi phí xây dựng đã bỏ ra.

Do đó, Công ty Quốc Cường Gia Lai yêu cầu Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án để Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án để phù hợp các khoản tiền thanh toán.

Sau đó, Công ty Tân Thuận có các văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư Ven Sông cho Quốc Cường Gia Lai

Vào cuối tháng 11-2017, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án này cho Quốc Cường Gia Lai để làm chủ đầu tư dự án cao ốc căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ Tân Thuận tại Khu IV khu dân cư Ven sông.

Kết quả điều tra đến nay không có căn cứ xử lý hình sự đối với bà Loan.

Gia Lai/VietnamDaily

Theo VietnamDaily

Ảnh: Một góc dự án Khu dân cư Ven Sông ở quận 7. Ảnh: Zing.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/bat-dong-san/du-an-khu-dan-cu-ven-song-cong-ty-quoc-cuong-gia-lai-noi-gi-120450.html