14 năm qua, dự án gia hạn, chuyển đổi nhưng vẫn chưa chốt được phương án, hàng trăm hộ dân ở đây vẫn phải sống trong cảnh tạm bợ, với những căn nhà sập xệ.
Cách đây 14 năm, khi Dự án khu dân cư Thế kỷ 21 quy mô 24 ha tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng là lúc hàng trăm hộ dân sống nơi đây hân hoan, chờ đợi sự “bừng sáng”. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thấy đâu, trong khi đó cuộc sống của người dân trong gặp rất nhiều khó khăn do vướng quy hoạch.
Dân “nín thở” sống trong dự án treo
Trước những cơn mưa đầu mùa, con đường gồ ghề, đầy sỏi đá đi vào Dự án khu dân cư Thế kỷ 21 thêm phần khó khăn. Bao quanh khu đất rộng lớn là rừng cây rậm rạp, rác thải khắp nơi và đan xen là những căn nhà sập xệ, tồi tàn. Ít ai nghĩ rằng giữa lòng thành phố Thủ Dầu Một sầm uất lại có một khu hoang tàn đến vậy. Thế nhưng, đây là hiện trạng thực tế tại khu đất dự án mà người dân phường Phú Cường nói riêng và cả thành phố Thủ Dầu Một từng kỳ vọng sẽ là điểm nhấn của địa phương.
Ông Vũ Trí Dũng (54 tuổi), hộ dân trong Dự án khu dân cư Thế kỷ 21 kể lại, năm 2007, nghe tin quy hoạch Dự án khu dân cư Thế Kỷ 21 người trong xóm vui mừng vì khu đất trũng này sắp được “khoác áo mới”. Vậy mà sau 14 năm, khu này vẫn vậy. Trong khi xung quanh đã có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên, đường đổ nhựa rộng thoáng thì người dân ở đây vẫn phải sống trong cảnh đường đất, nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa. Nhiều gia đình chờ đợi quá lâu, muốn bán nhà đi nơi khác sinh sống nhưng không ai mua; khi gặp khó khăn, nhà cửa, đất đai có nhưng không ai cầm cố được.
“Dự án ngâm mãi, bởi giờ muốn bán cũng không được, muốn sửa nhà cũng không xong. Người dân cũng phải chịu chứ biết bỏ đi đâu. Hồi trước có mấy dây ruộng để làm nhưng sau này có dự án đất ruộng được đền bù và bị san lấp nên không còn ruộng để làm. Đất nhà đang ở gia đình không đồng ý giá đền bù quá thấp nên chưa bị giải tỏa” – ông Vũ Trí Dũng chia sẻ.
14 năm vướng quy hoạch treo cũng là ngần ấy thời gian ông Đinh Minh Thành (84 tuổi), một hộ dân sống ở Dự án khu dân cư Thế kỷ 21 phải sống trong căn nhà tạm sập xệ. Trước mùa mưa tới, gia đình ông phải lén lút lợp lại mái nhà vì biết rằng trong dự án quy hoạch không được phép sửa chữa. Ông Thành tâm sự, chỉ mong dự án nếu không khả thi thì gỡ bỏ, hoặc vẫn quy hoạch thì có khu đất sạch tái định cư để người dân xây dựng nhà cửa, yên ổn sinh sống, làm ăn.
“Nếu có đất sạch an cư thì người ta ký đi rồi. Đất tôi còn 1.700-1.800m2, có đất an cư thì mức đền bù 1,2 triệu đồng/m2 tôi cũng đồng ý chuyển đi vì có chỗ an cư, an dưỡng tuổi già. Chứ ở đây mới sửa nhà chính quyền vào đo đạc và yêu cầu đập bỏ thì sao sống ổn định được” – ông Đinh Minh Thành nói.
Số phận khu “đất vàng” sẽ đi về đâu?
Đó là thực trạng bức xúc của hàng trăm hộ dân có đất nằm trong dự án “treo” khu dân cư Thế kỷ 21. Theo các ngành chức năng Bình Dương, nguyên nhân dự án chậm triển khai do chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng-Đầu tư-Kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh (gọi tắt là Công ty Tân Vũ Minh) quá chậm trong việc thu hồi đất, bồi thường tái định cư cho dân. Sau nhiều lần xin gia hạn thực hiện dự án, đến ngày 6/11/2015, Công ty Tân Vũ Minh có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án và đã được chấp thuận.
Một năm sau kể từ ngày thu hồi dự án, qua ý kiến các sở ngành, UBND tỉnh thống nhất phương án quy hoạch khu đất này thành Dự án Công viên Phú Cường với quy mô 23,24 ha gồm khu nhà ở tái định cư và Công viên Phú Cường. Tuy nhiên sau đó, dự án vẫn không thực hiện được do chưa có sự thống nhất ranh giới quy hoạch và vị trí khu tái định cư nên không thể lập quy hoạch chi tiết 1/500. UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục giao các sở có liên quan rà soát tham mưu thu hồi chủ trương đầu tư Công viên Phú Cường để xem xét phương án đầu tư mới tại khu đất này.
Đầu năm 2020, khi Bình Dương đang loay hoay tìm phương án quy hoạch mới thì một lần nữa Công ty Tân Vũ Minh có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép đơn vị tìm đối tác để tiếp tục thực hiện dự án. Rồi từ đó đến nay, Bình Dương liên tục gia hạn để công ty tìm đối tác nhưng đến nay vẫn chưa có phương án triển khai dự án để báo cáo UBND tỉnh.
Một khu “đất vàng” nằm ở vị trí đắc địa nhất của Thủ Dầu Một nhưng suốt nhiều năm vẫn chưa được định đoạt được số phận không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn gây khó cho địa phương trong công tác quản lý địa bàn, quy hoạch chỉnh trang đô thị.
Ông Trần Sỹ Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, khu đất bỏ hoang nằm ở phường trung tâm của thành phố cũng gây không ít khó khăn cho địa phương. Mới đây, thành phố đã huy động xã hội hóa làm một vài tuyến đường để người dân dễ dàng đi lại. Song song đó, gắn các bảng cảnh báo nghiêm cấm hành vi giao dịch mua bán, chuyển nhượng, lấn chiếm, xây dựng để hạn chế các hệ lụy.
“Việc này cũng ảnh hưởng chung đến việc xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một nhất là công tác cải tạo chỉnh trang của thành phố. Mong muốn dự án có hướng đi để thành phố thực hiện theo hướng đi đó để tiến tới cải tạo, chỉnh trang đô thị Thủ Dầu Một tốt hơn” – ông Trần Sỹ Nam nói.
Vậy là, hơn 13 năm nay chuyển từ dự án này sang dự án khác nhưng vẫn chưa chốt được phương án, hàng trăm hộ dân ở đây vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo lắng nhà cửa bất ngờ đổ sập, ô nhiễm môi trường…
Trước khi số phận khu đất được định đoạt, người dân mong muốn chính quyền xem xét, hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống, được đảm bảo quyền lợi trên chính mảnh đất của mình. Mặt khác, để không còn cảnh quy hoạch treo, dự án treo, Bình Dương cần rà soát, nghiên cứu quy hoạch một cách khoa học hơn để tránh gây lãng phí tài nguyên đất.
Theo VOV.VN
Ảnh: Nằm ngay trung tâm thành phố Thủ Dầu Một nhưng do quy hoạch “treo” nên người dân không dám sửa chữa nhà cửa.
Xem bài viết gốc tại đây: