Trong 5 năm, công trình duy tu hệ thống thoát nước, vận hành trạm bơm, cống kiểm soát triều trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiêu tốn hơn 3.200 tỷ đồng ngân sách. Thế nhưng mưa xuống, triều cường lên, nhiều tuyến đường lại rơi vào tình trạng ngập nặng.
Dự án chống ngập hơn 3.2 tỷ đồng
Theo tài liệu, ngày 20.2.2020, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Trung tâm QLHTKT – thuộc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh) đã có tờ trình số 442/TTr-TTHT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình Duy tu hệ thống thoát nước – vận hành trạm bơm, cống kiểm soát triều trên địa bàn thành phố 5 năm. Tờ trình này được gửi đến Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, công trình trên có tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu hơn 403 triệu đồng; Kinh phí đấu thầu duy tu hệ thống thoát nước – vận hành trạm bơm, cống kiểm soát triều hơn 3.200 tỷ đồng… Chủ đầu tư là Trung tâm QLHTKT. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách TP. Hồ Chí Minh từ nguồn vốn kiến thiết thị chính, xử lý bùn năm 2020, 2021, 2022, 2023, 2024 và 2025. Thời gian thực hiện 5 năm.
Cũng theo tờ trình này, phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm 8 gói thầu. Cụ thể: 4 gói thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng (thực hiện quý I.2020).
Bốn gói thầu còn lại gồm: 2 gói Quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố: Lưu vực Bắc thành phố, Đông thành phố, Bắc Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Nam Nhiêu Lộc, Nam Tham Lương (gói 5, trị giá hơn 1.457 tỷ đồng); Lưu vực Nam thành phố, Tây thành phố, Bến Nghé – Quận 4, Bắc Tàu Hủ, Tân Hóa – Lò Gốm (gói 6, trị giá hơn 1.496 tỷ đồng);
Gói thầu Quản lý vận hành hệ thống thoát nước tuyến Rừng Sác (gói 7, hơn 33 tỷ đồng); Gói thầu Quản lý vận hành các trạm kiểm soát triều, trạm bơm chống ngập hơn (gói 8, hơn 238 tỷ đồng). 4 gói này được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, một giai đoạn 2 túi hồ sơ.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: Quang Phương.
Căn cứ theo tờ trình trên và các quy định pháp luật liên quan, ngày 21.2.2020 Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh ra quyết định (số 217/QĐ-SXD-HTKT) về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình: Duy tu hệ thống thoát nước, vận hành trạm bơm, cống kiểm soát triều trên địa bàn thành phố 5 năm. Quyết định này giao Trung tâm QLHTKT làm chủ đầu tư.
Tại điều 2 của quyết định ghi rõ: Trung tâm QLHTKT chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định hiện hành của Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định 63 năm 2014, Nghị định 32 năm 2019 của Chính phủ, Thông tư 11 năm 2019 của Bộ Kế hoạch đầu tư…
Sửa hồ sơ mời thầu
Trạm Kiểm soát triều Bình Triệu là một trong số trạm kiểm soát nằm trong gói thầu hơn 221 tỷ đồng mà Công ty Thoát nước đô thị TP. Hồ Chí Minh trúng thầu. Ảnh: Quang Phương.
Một ngày sau khi Quyết định 217 được ban hành (ngày 22.2.2020), Trung tâm QLHTKT ký 4 quyết định (071, 072, 073, 074/QĐ-TTHT) cùng 4 hợp đồng (số 40, 41, 42, 43/HĐ-TTHT) liên quan đến 4 gói thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu. Theo đó, Công ty CP Đầu tư phát triển nước và môi trường Đại Việt (Cty Đại Việt, trụ sở quận Bình Thạnh) trúng thầu theo hình thức chỉ định thầu. Tổng giá trị 4 hợp đồng hơn 395 triệu đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 90 ngày.
Tổng giá trị 4 hợp đồng hơn 395 triệu đồng này, Công ty Đại Việt sẽ tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu của 4 gói thầu tiếp theo: gói 5, trị giá hơn 1.457 tỷ đồng, gói 6, trị giá hơn 1.496 tỷ đồng, gói 7, hơn 33 tỷ đồng và gói 8, hơn 238 tỷ đồng – PV).
Tại điều 2 của 4 hợp đồng mà Trung tâm QLHTKT ký với Cty Đại Việt ghi rõ: “Hồ sơ mời thầu lập theo quy định của Bộ Kế hoạch đầu tư tại thông tư 14/2016, ngày 29.9.2016”.
Về việc này, Luật sư Nguyễn Bá Thường, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tại Điều 1: “phạm vi điều chỉnh” của thông tư ghi rõ: “Hướng dẫn việc lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng”. Còn 4 gói thầu mà Cty Đại Việt tư vấn có giá trị hơn 10 tỷ đồng: gói thầu thấp nhất hơn 33 tỷ, cao nhất hơn 1.400 tỷ đồng!?
Phản hồi vấn đề trên tại văn bản 278/TTHT-KHTC gửi Báo Đại biểu Nhân dân ngày 3.2, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm QLHTKT, cho biết: “Việc lập hồ sơ mời thầu tuân thủ theo quy định tại Khoản 4, Điều 3, Thông tư 14/2016/TT-BKHĐT.
Theo đó, đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu lớn hơn 10 tỷ đồng hoặc nhỏ hơn 10 tỷ đồng nhưng áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, chỉnh sửa quy định tại Mẫu hồ sơ mời thầu này để áp dụng cho phù hợp với quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP”.
Công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM đang hút bùn tại các hố ga trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7, TP.HCM). Ảnh: Quang Phương.
Cũng trong ngày 22.2.2020, Cty Đại Việt đã ra các quyết định (số 140, 141, 142 143/QĐ-ĐV.2020) về việc thành lập tổ chuyên gia đấu thầu (có 4 thành viên); quy chế làm việc của tổ chuyên gia.
Đến ngày 28.2.2020, Trung tâm QLHTKT ra 4 quyết định (từ số 92, 93, 94, 95/QĐ-TTHT) về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu. Theo đó giao cho Phòng Hạ tầng thoát nước (thuộc Trung tâm QLHTKT) cùng Cty Đại Việt chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với 4 gói thầu còn lại (gói thứ 5 – 8).
Tiếp đó, Cty Đại Việt đã tiến hành đăng thông báo mời thầu.
Tuy nhiên, đến ngày 9.3.2020, Trung tâm QLHT KT lại ra 4 quyết định (từ số 120, 121, 122, 123/QĐ-TTHT) sửa đổi hồ sơ mời thầu (HSMT) đối với 4 gói thầu nói trên. Đáng chú ý, trong nội dung sửa đổi HSMT là ở chương III “tiêu chuẩn đánh giá HSDT” của phụ lục sửa đổi HSMT của 4 gói thầu trên. Sửa đổi HSMT yêu cầu doanh thu 3 năm liên tiếp một cách chung chung chứ không phải doanh thu riêng của lĩnh vực tham gia dự thầu.
Cụ thể, tại gói thầu số 5 (hơn 1.475 tỷ đồng): Nếu HSMT (lần đầu – PV) yêu cầu nội dung doanh thu bình quân từ hoạt động cung cấp dịch vụ công ích quản lý vận hành hệ thống thoát nước tối thiểu là hơn 408 tỷ đồng, trong vòng 3 năm trở lại đây (từ 2016 – 2018 hoặc từ 2017 – 2019) thì trong sửa đổi HSMT nêu “chung chung”: doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động cung cấp dịch vụ tối thiểu là hơn 408 tỷ đồng… Tương tự, các gói thầu còn lại cũng sửa đổi tương tự: doanh thu chung chung
Người dân bì bõm trên phố. Ảnh: Trung Kiên
Phản hồi đến Báo Đại biểu Nhân dân về việc sửa HSMT, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm QLHTKT cho hay: “Việc sửa HSMT của trung tâm đảm bảo phù hợp hơn nội dung của HSMT đã phát hành và được thực hiện công khai trước thời điểm đóng thầu, đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định số 63/2014 ngày 26.6.2014 của Chính Phủ”.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Bá Thường phân tích, tại Điều 12 (lập HSMT) Nghị định 63/2014 của Chính phủ ghi rõ: HSMT quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá). Trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Quang Phương – Trung Kiên – Báo ĐBND
Theo Đại Biểu Nhân Dân
Ảnh: Nhiều tuyến đường tại TP.HCM thường xuyên ngập nặng khi triều cường lên. Ảnh: Trung Kiên.
Xem bài viết gốc tại đây: