Dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan ì ạch, vì sao?

Dự án được triển khai từ tháng 8/2023, gồm 3 hạng mục xây lắp (phân lòng tuyến cao tốc, phần vệt kẹp và tuyến đường gom).

Trả “đất sạch”, bao giờ mới xong?

Dự án được triển khai từ tháng 8/2023, gồm 3 hạng mục xây lắp (phân lòng tuyến cao tốc, phần vệt kẹp và tuyến đường gom). Theo Ban Quản lý dự án (BQL DA) đường Hồ Chí Minh – chủ đầu tư, đến thời điểm hiện tại không thể thi công theo dự tính vì… chưa có mặt bằng. Đến nay, Đà Nẵng mới chỉ bàn giao cho chủ đầu tư khoảng 3km/11,5km mặt bằng toàn bộ dự án.

Chính vì thế, hiện trên toàn tuyến chỉ có một vài điểm đang được thi công cầm chừng, trong đó, đoạn gần nút giao Hòa Liên hiện có mặt bằng dài khoảng 400m được đơn vị thi công san ủi nền móng đường nhưng hiện hoạt động cầm chừng vì không còn mặt bằng sạch; còn tại nút giao Hoàng Văn Thái, nhà thầu đang thi công hạng mục mố cầu và tiếp tục chờ… mặt bằng.

Theo BQL DA đường Hồ Chí Minh, đến nay, huyện Hòa Vang mới chỉ bàn giao cho Ban được 217/1.129 thửa đất, tương đương tổng chiều dài khoảng 3km/11,5km của tuyến chính cao tốc và khoảng 1/20km đường gom dự án. Trong số này vẫn chủ yếu là mặt bằng đã có sẵn từ Dự án đường Hồ Chí Minh (tức cao tốc La Sơn – Túy Loan) trước đây với chiều dài 1,85km.

“Mặt bằng được bàn giao không liên tục, không đồng bộ trên cả tuyến chính và đường gom khiến quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, nhất là việc điều phối đất từ đào sang đắp. Cạnh đó, tuyến cao tốc này được mở rộng trên trục tuyến đường tránh Nam Hải Vân – Túy Loan, tuyến có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn nên không có mặt bằng đồng bộ cả tuyến chính và đường gom sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông trong quá trình thi công”, đại diện chủ đầu tư băn khoăn.

Chính từ thực tế này, mới đây, BQL DA đường Hồ Chí Minh phải kiến nghị huyện Hòa Vang ưu tiên GPMB 4 đoạn với chiều dài khoảng 6km. Cụ thể, các thửa đất cần bàn giao sớm cho dự án gồm thửa đất thuộc phạm vi giao cắt với tuyến ĐT602, nút giao Hoàng Văn Thái, một số thửa đất thuộc vị trí nền đào, xử lý đất nền yếu, tường chắn…

Còn 3 tuần gỡ vướng

Theo ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, đến thời điểm hiện nay, các thủ tục pháp lý đủ điều kiện thực hiện việc thu hồi giải tỏa đền bù tổng thể dự án vẫn đang được hoàn thiện (phần vệt kẹp, phần tuyến đường gom). Tống số hồ sơ của dự án có 1.849 hồ sơ thửa đất (xây dựng đường cao tốc 1.141 hồ sơ, dự án hoàn thiện đường gom 708 hồ sơ); trong đó đất nông nghiệp (đất rừng, cây lâu năm, cây hằng năm) và đất khác 1.441 hồ sơ, nhà ở 408 hồ sơ (xây dựng đường cao tốc 231 hồ sơ; hoàn thiện đường gom 177 hồ sơ), 2.908 hồ sơ mộ.

“Đến nay, huyện đã hoàn thành kiểm đếm 1.003 hồ sơ, họp pháp lý 900 hồ sơ, áp giá 563 hồ sơ, chi trả và bàn giao mặt bằng 500 hồ sơ. Đối với mộ đã tiến hành kiểm đếm 2.758 mộ, đến nay đã có 1.250 mộ đăng ký chôn vào Nghĩa trang Hòa Ninh và An Châu, Hòa Phú, 140 mộ tự di dời, 1.368 mộ đã lập hồ sơ nhưng chưa đăng ký địa điểm di dời do đợi họp tộc làng, gia đình. Địa phương đã hoàn thành bàn giao gần 4 km, phấn đấu đến ngày 30/4 tới, bàn giao thêm 2km nữa. Trong tháng 5/2024, huyện sẽ tập trung GPMB đối với đất ở và đất khác”, lãnh đạo huyện Hòa Vang thông tin.

Trong khi đó, Ban GPMB huyện Hòa Vang cho biết, vướng mắc lớn trong công tác GPMB dự án này là quá trình đo đạc các hồ sơ đất đai giữa thực tế và trên giấy tờ có nhiều khác biệt. Nhiều lô đất bị chồng lấn, nhiều lô đất bán qua nhiều chủ và đến nay không xác định được người đang sở hữu. Thêm nữa, hiện dọc tuyến Hòa Liên-Túy Loan có khoảng 30 trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp. Người dân không thống nhất với mức bồi thường, không chịu di dời đến các khu tái định cư ở địa bàn khác…

“Việc vận động di dời các hộ thuộc dự án thì cần bố trí hơn 630 lô đất. Nhưng hiện nay các khu tái định cư xây dựng để phục vụ bố trí cho các hộ thuộc diện di dời của dự án mới đang triển khai thủ tục trong khi quỹ đất tái định cư của thành phố không đủ để đáp ứng. Để gỡ khó, UBND TP Đà Nẵng thống nhất cho điều phối bố trí về các khu tái định cư trên địa bàn huyện Hòa Vang và cả quận Liên Chiểu. Tuy nhiên, đa số các hộ dân sinh sống lâu đời tại địa phương và là người theo đạo nên muốn bố trí tái định cư gần khu vực giải tỏa để tiện sinh hoạt tín ngưỡng”, đại diện Ban GPMB huyện Hòa Vang thông tin và cho biết thêm, theo kế hoạch, huyện cố gắng hoàn thành GPMB để bàn giao 6km của 4 đoạn ưu tiên trước ngày 30/4. Những hồ sơ nhận tiền bồi thường thì ưu tiên làm cho sạch mặt bằng để bàn giao. Trung ương yêu cầu 30/6 hoàn thành bàn giao mặt bằng toàn tuyến thì huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục làm nhưng rất khó đạt được.

“Hiện 3 xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn thành lập 3 tổ hỗ trợ thi công, ngày nào cũng phải tiếp dân, tập trung tháo gỡ vướng mắc. Chúng tôi sẽ nỗ lực làm từng bước, xong đất nông nghiệp rồi sẽ qua đất ở”, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, ông Phan Văn Tôn thông tin.

Đối với những trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp, lãnh đạo UBND huyện cho biết, theo quy định, những hộ làm nhà có nguồn gốc từ đất nông nghiệp có nguồn gốc từ trước năm 2014 mà không có chỗ ở nào khác, khi giải tỏa được bố trí tái định cư và huyện đã báo cáo thành phố triển khai. “UBND huyện sẽ tiếp tục tiếp dân, vừa vận động vừa thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng”, ông Tôn nói,

Hoài Thu – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Hiện trên toàn tuyến Dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan mới chỉ có một vài điểm đang được thi công cầm chừng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/xa-hoi/du-an-cao-toc-hoa-lien-tuy-loan-i-ach-vi-sao–i727774/