Sau 7 năm triển khai, Dự án Khu thương mại – dịch vụ và dân cư Tịnh Phong vẫn còn ngổn ngang. Hơn thế, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho rằng, quyết định chủ trương đầu tư chưa đúng quy định, chưa được phê duyệt đánh tác động môi trường.
Dự án làm 7 năm không xong
Khu Thương mại – dịch vụ và dân cư Tịnh Phong có diện tích hơn 5 ha (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) được triển khai xây dựng từ năm 2017, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành và trong tình trạng bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm. Nhiều hạng mục xây dựng dang dở, có dấu hiệu xuống cấp.
Dự án có vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 30 tỷ đồng, chi phí đền bù 27 tỷ đồng… Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tịnh làm chủ đầu tư.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 – 2019, với nhiều hạng mục như: San nền với tổng diện tích gần 32.000 m2, khu chợ có 4 nhà ki ốt và 60 quầy, đường giao thông, điện chiếu sáng, thoát nước mưa, thoát nước thải, vỉa hè, trồng cây xanh…
Đây là một trong những dự án cấp thiết của địa phương để sớm di dời tiểu thương chợ Bò vào kinh doanh mua bán, chấm dứt tình trạng mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 1.
Tuy nhiên, đến nay, dự án chỉ mới thi công được 30% khối lượng, tiến độ giải phóng mặt bằng đạt 70%.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện dự án chỉ mới cơ bản hoàn thành các dãy nhà ki ốt, cống thoát nước, còn lại khuôn viên bên trong rất nham nhở, mặt bằng ngổn ngang.
Quyết định chủ trương đầu tư chưa đúng?
Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo rà soát nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án Khu thương mại – dịch vụ và dân cư Tịnh Phong.
Qua tổng hợp các ý kiến của các sở, ngành và trên cơ sở báo cáo của UBND huyện Sơn Tịnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc UBND huyện Sơn Tịnh ban hành Quyết định 3593a/QĐ-UBND ngày 17/10/2017 phê duyệt chủ trương đầu tư công trình Khu thương mại – dịch vụ và dân cư Tịnh Phong là chưa có căn cứ để ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa đúng với quy định của pháp luật về đầu tư công.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp thuộc thẩm quyền chấp thuận của HĐND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai và thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (có thay đổi so với Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp).
Qua rà soát, dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Từ các quy định nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh kiểm tra, rà soát lại toàn bộ pháp lý mà Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và chịu trách nhiệm pháp lý về quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; trường hợp UBND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chưa phù hợp với quy định nêu trên thì hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định, nếu không xử lý được thì báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Sơn Tịnh xem xét có hướng xử lý.
Về hồ sơ môi trường của dự án, đề nghị chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét. Hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký công văn yêu cầu UBND huyện Sơn Tịnh chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ nội dung yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường, khi đảm bảo đủ điều kiện thì đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục thẩm định để chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giao đất thực hiện dự án theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Liên quan đến dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chậm triển khai, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết, do trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khách quan dẫn đến việc triển khai chậm tiến độ. Trong đó vướng mắc chính là bồi thường, giải phóng mặt bằng và quy định về giao đất. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát từng dự án có vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.
Theo Đầu Tư
Ảnh: Dự án Khu Thương mại – dịch vụ và dân cư Tịnh Phong có tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng.
Xem bài viết gốc tại đây: