Một số người dân có thói quen đốt rác thải bừa bãi. Hành động này không chỉ gây ảnh hưởng mỹ quan, ô nhiễm không khí mà còn vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy. Vậy hành vi đốt rác gây ô nhiễm môi trường bị quy định xử phạt như thế nào?
Tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 167/2013/NĐ-CP) quy định về vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung như sau:
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;
b) Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng;
c) Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;
d) Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.
Điểm b, Khoản 3 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả như sau: a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Điểm b, c, d, đ, e Khoản 1 và Điểm b, d Khoản 2 Điều này; b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.
Như vậy, người có hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác, đổ rác, chất thải vào hố rác công cộng quanh khu dân cư, nơi công cộng có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định đã trích dẫn.
Theo Nhân đạo & Đời sống
Ảnh: Ảnh minh họa
Xem bài viết gốc tại đây:
http://baonhandao.vn/phap-luat/dot-rac-gay-o-nhiem-moi-truong-bi-xu-phat-nhu-the-nao-20084