Thủ tướng yêu cầu ngoài rà soát hạ tầng, năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, bộ, ngành và địa phương cần đánh giá liệu có yếu tố chủ quan, mất cảnh giác trong đợt mưa lũ vừa qua.
Chiều 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với 8 địa phương vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về tình hình và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, chăm lo đời sống cho người dân.
Cuộc họp diễn ra sau khi hai khu vực trên trải qua đợt mưa lớn kéo dài từ 27/11 đến 1/12, nước lũ trên các sông dâng cao gây ngập lụt diện rộng ở nhiều nơi từ Quảng Nam đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên.
Quy trình phối hợp điều tiết lũ còn bất cập
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết hiện, mực nước trên các sông xuống dưới báo động 1, nhiều tuyến đường đã thông xe. Người dân, chính quyền các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất. Việc này gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa phương hạn chế, trong khi thiệt hại lớn.
Đáng lưu ý, đợt mưa lũ vừa qua bộc lộ một số bất cập, hạn chế như các hồ có dung tích cắt lũ nhỏ; công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba (Phú Yên) giữa các địa phương khác còn một số bất cập về quy trình, các điều kiện bảo đảm vận hành, thông tin và bảo đảm an toàn hạ du… khiến công tác phòng, chống lũ lụt chưa đạt hiệu quả cao.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai đang diễn ra phức tạp, khốc liệt, khó kiểm soát, khó dự báo, không theo quy luật, xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Thời gian qua, mưa lũ đã xảy ra trên diện rộng tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mưa lớn gây mức lũ gần mức lịch sử tại nhiều địa phương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. “19 người chết do mưa lũ là điều rất xót xa”, Thủ tướng bày tỏ.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ đề cập một số vấn đề cần suy nghĩ, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Trước hết, trong bối cảnh vừa phải chống dịch Covid-19 vừa phải phòng chống thiên tai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, xuyên suốt, nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là trong việc vận hành các hồ chứa.
Cùng với đó, do thiên tai cực đoan, khó dự báo nên chính quyền và người dân phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động, tích cực, không lơ là, chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng “4 tại chỗ”. Việc phối hợp, cảnh báo, dự báo phải nhịp nhàng, khoa học, không lúng túng, bị động, bất ngờ.
Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương cùng các bộ, ngành đánh giá thêm liệu có yếu tố chủ quan, mất cảnh giác trong đợt mưa lũ vừa qua, nhất là trong thời điểm cuối mùa mưa lũ. Các tỉnh, thành phố rà soát lại hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là các hồ chứa; tăng cường năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai; đề cao ý thức người dân…
Cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống thiên tai
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát, dự báo diễn biến mưa lũ chính xác, kịp thời để người dân và các địa phương chuẩn bị phòng chống, ứng phó.
Trước mắt, lãnh đạo các địa phương tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, “màn trời, chiếu đất”, không để dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cũng không để lũ lụt làm phát sinh dịch bệnh.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở cần khẩn trương; đồng thời khắc phục các sự cố, khôi phục việc cấp điện, nước, bảo đảm thông tin liên lạc và các nhu yếu phẩm khác; khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, hồ đập; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt bình thường cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với 8 địa phương vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về tình hình và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: VGP.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống, ứng phó thiên tai (lũ lụt, sạt lở, sụt lún, các hiện tượng thời tiết cực đoan…) tại Trung Bộ, Nam Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đó có các dự án cụ thể, huy động các nguồn lực để thực hiện.
Người dân cũng cần được hỗ trợ để xây dựng nhà ở theo hướng thích ứng, ứng phó thiên tai. Cùng với đó, nâng cao khả năng dự trữ nước của các hồ đập, xây dựng các kịch bản vận hành chung và đặc thù phù hợp từng hồ đập, từng thời điểm, từng địa bàn…
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, lập quy hoạch, triển khai di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, việc hỗ trợ các địa phương về gạo, tài chính… cần trên tinh thần tiết kiệm, kịp thời, đúng đối tượng và bảo đảm thực chất, phát huy hiệu quả.
Đợt mưa lớn ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên kéo dài từ ngày 27/11 đến 1/12 do ảnh hưởng của rìa phía bắc rãnh áp thấp đi qua Trung Bộ kết hợp nhiễu động gió đông trên cao. Lượng mưa nhiều nơi vượt ngưỡng 800 mm. Mưa lớn kéo dài kết hợp thủy điện xả lũ gây ngập lụt diện rộng ở nhiều khu vực như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi… |
Mỹ Hà – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Ảnh: Ngày 30/11, hàng nghìn ngôi nhà ở Bình Định chìm trong nước lũ. Ảnh: Minh Hoàng.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://zingnews.vn/dot-mua-lu-o-mien-trung-boc-lo-nhieu-bat-cap-post1281597.html