Các nhà khoa học đã giải mã được nguyên nhân khiến những con thỏ Sauteur d’Alfort đi bộ bằng chân trước thay vì nhảy bằng chân sau.
Thỏ Sauteur d’Alfort, còn được gọi là thỏ nhảy Alfort, có cách di chuyển rất kỳ lạ. Thay vì nhảy bằng hai chân sau, chúng dùng hai chân trước để đi bộ và nhấc hai chân sau lên khỏi mặt đất giống với động tác “trồng cây chuối” .
Kể từ khi giống thỏ thuần hóa này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1935, các nhà khoa học đã bối rối về việc tại sao chúng lại không di chuyển như hầu hết các loài thỏ khác.
Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí PLoS Genetics, các nhà di truyền học dẫn đầu bởi Miguel Carneiro từ Đại học Porto của Bồ Đào Nha và Jennifer Vieillard từ Đại học Uppsala của Thụy Điển cho biết đã tìm được câu trả lời.
Nghiên cứu chỉ ra rằng dáng đi bất thường của thỏ Sauteur d’Alfort có liên quan đến một đột biến ở gene RORB, dẫn đến mất các tế bào thần kinh đệm của tủy sống.
“Khi bạn di chuyển, những tế bào thần kinh này hoạt động liên tục. Chúng điều phối sự co thắt của cơ bắp và nhận biết các chi có thăng bằng hay không. Sự điều phối cơ này hoạt động không bình thường ở thỏ Sauteur d’Alfort”, nhà sinh vật học Leif Andersson, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết.
Đột biến gene RORB gây thiếu hụt hoặc vắng bóng hoàn toàn những tế bào thần kinh đệm của tủy sống. Điều này khiến thỏ Sauteur D’Alfort mất khả năng vận động mạnh như nhảy xa. Hiện tượng “trồng cây chuối” chính là cách chúng thích nghi với việc không thể nhảy bằng chân sau. Giống như các loài thỏ bình thường, Sauteur D’Alfort vẫn có thể đi bộ bằng cả 4 chân nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều.
Các nhà khoa học cho biết thêm rằng thỏ Sauteur D’Alfort có thể học được cách di chuyển nhanh nhẹn bằng hai chân trước chỉ sau vài tháng đầu đời và dáng đi kỳ quặc này không khiến chúng bị đau.
Để giải mã bí ẩn về đột biến gene RORB, Miguel cùng các cộng sự đã lai tạo một cách có chọn lọc những con thỏ Sauteur d’Alfort và xác định được một vùng trong bộ gene của chúng khác biệt so với những con thỏ thông thường. Vùng này chứa 21 gene mã hóa protein. Nhóm nghiên cứu sau đó tiến hành giải trình tự gene và nhanh chóng tìm ra một đột biến trong gene RORB.
“Đây là đột biến duy nhất thực sự nổi bật”, Andersson nhấn mạnh. “Có nhiều gene đóng vai trò quan trọng trong vận động và dáng đi, nhưng RORB là trường hợp hiếm hoi mà trong đó một đột biến trong một gene duy nhất tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ”.
Theo Đoàn Dương (Theo Business Insider/NewScientist)/VnE
Ảnh: Dáng đi “trồng cây chuối” của thỏ Sauteur d’Alfort. Ảnh:PLOS Genetics.