Đồng Tháp: Một vụ cưỡng chế nhiều uẩn khúc (Bài 2)

(Phapluatmoitruong.vn) Trung tâm phát triển quỹ nhà đất tỉnh Đồng Tháp khẳng định nguồn gốc đất của gia đình ông Trần Thiện Kim là đất công, do nhà nước quản lý nhưng chưa chứng minh được bằng các văn bản pháp lý.

Đá trách nhiệm

Liên quan đến việc ông Trần Thiện Kim tố cáo cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp thu hồi đất gia đình ông nhưng không có bất kỳ thông báo nào bằng văn bản nào, khiến gia đình ông bị tổn thất kinh tế gần 1 tỷ đồng, Trung tâm phát triển quỹ nhà đất Đồng Tháp cho biết diện tích đất trên là đất công nên không có việc cưỡng chế tài sản mà tịch thu sau đó thông báo tìm chủ sở hữu.

Ông Huỳnh Xuân Bình – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ nhà đất Đồng Tháp khẳng định, diện tích đất 19.560 m2, thuộc thửa đất 590, tờ bản đồ số 1 mà ông Trần Thiện Kim sử dụng trước đó do nhà nước quản lý. Trung tâm chỉ là đơn vị sự nghiệp, nhận chỉ đạo của UBND tỉnh bàn giao đất cho doanh nghiệp trúng đấu giá. Còn khu đất trên đã có các quyết định về mặt pháp lý chứng minh đất nhà nước.

Trung tâm được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá, giao mặt bằng. Diện tích đất trên là đất công, dựa trên những văn bản xác định pháp lý là đất nhà nước, nên không có việc cưỡng chế tài sản của cá nhân. Hiện Công ty CP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp đã nhận mặt bằng và thực hiện các thủ tục theo quy định, còn pháp lý như thế nào chúng tôi sẽ xin ý kiến trả lời sau” – ông Bình nói thêm.

Tuy nhiên, trước đó, PV đã liên hệ làm việc với UBND xã Tân Nhuận Đông và UBND huyện Châu Thành điều khẳng định vụ việc bàn giao khu đất trên thuộc thẩm quyền quản lý của Trung tâm phát triển quỹ nhà đất Đồng Tháp. Tại các văn bản liên quan vụ việc, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, khu đất này do Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Đồng Tháp quản lý sử dụng.

Vì vậy, Trung tâm phát triển quỹ nhà đất Đồng Tháp cho rằng chỉ là đơn vị được ủy quyền tổ chức đấu giá, bàn giao đất còn tài sản và người sử dụng đất trên diện tích đất trước đây không biết phải chăng đang đá “quả bóng trách nhiệm” đi nơi khác?!

Bàn giao đất khi đang thanh tra

Ngày 19/8/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6933 gửi UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết Văn phòng Chính phủ nhận được đơn của ông Trần Thiện Kim gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh, khiếu nại việc UBND tỉnh Đồng Tháp trưng dụng, bồi hoàn không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế đối với diện tích đất của gia đình ông có nguồn gốc sử dụng từ trước ngày giải phóng và có quá trình sử dụng đến nay. Vì vây, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của ông Trần Thiện Kim đến UBND tỉnh Đồng Tháp để xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật và đề nghị thông báo kết quả giải quyết đến Văn phòng Chính phủ.

Tuy nhiên, ngày 28/8/2020, Trung tâm phát triển quỹ nhà đất Đồng Tháp vẫn tổ chức bàn giao đất cho Công ty CP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp, đồng thời, tịch thu tài sản của gia đình ông Kim bất chấp văn bản của Văn phòng Chính phủ.

Văn bản của của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường về vụ việc.

Tiếp đó, ngày 25/9/2020, Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường có văn bản số 524, gửi UBND tỉnh Đồng Tháp về việc xử lý đơn của ông Trần Thiện Kim. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giữ nguyên hiện trạng diện tích đất tranh chấp để có cơ sở kiểm tra, kết luận và giải quyết vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, ngày 3/12/2020, có mặt tại hiện trường, PV ghi nhận, Công ty CP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp vẫn ngang nhiên xây dựng trên khu đất đang tranh chấp.

Như vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đang cố tình sai phạm, bất chấp yêu cầu của Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường. Dư luận nghi ngờ, phải chăng chính quyền và Trung tâm phát triển quỹ nhà đất Đồng Tháp đang cố tình bao che, hợp thức hóa các sai phạm ?!

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Hương – Đỗ Thuận

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Bất chấp yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, Công ty CP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp vẫn đang xây dựng trên phần đất tranh chấp.

Xem thêm tại đây: Đồng Tháp: Một vụ cưỡng chế nhiều uẩn khúc