(Phapluatmoitruong.vn) – Cơ sở mua bán và chế biến trái cây Sáu Thuộc (tổ 13, ấp 2, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) đã liên tục xả thải xuống kênh rạch, nhuộm đen dòng nước khiến người dân vô cùng bức xúc.
Sống chung với nước đen!
Giữa tháng 11/2023, PV có mặt tại rạch Bà Trường – “điểm nóng” về môi trường thuộc ấp 2, xã Tân Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc xả thải của cơ sở Sáu Thuộc. Dòng nước ngoằn ngoèo của con rạch len lỏi qua hàng chục vườn cây sầu riêng, cam xoài và nhà dân với màu đen đặc quánh. Tại các cống đập và vùng trảng cỏ, nước tù đọng lại, bốc mùi hôi thối, cộng với không khí nóng buổi trưa, lan rộng cả một khu vực, khiến bất kỳ ai đang đi trên đường đều phải che khăn, bịt mũi.
“Nước ở đây lúc trước còn trong nhưng gần đây rất đục và bây giờ thì đen kịt. Nước hôi gặp nắng nóng bốc lên không thể chịu nổi. Gia đình tôi sống từ thời ông cố nội, cố ngoại tới giờ, chưa khi nào thấy nước bị đen như vậy. Hễ thưa gởi, làm tới thì ngưng được vài bữa, còn không thì họ liên tục xả nước đen xuống!”, bà Nguyễn Thu Hà (63 tuổi, sống cạnh rạch Bà Trường) bức xúc.
“Ao cá của tôi nằm sát rạch nước. Từ nhiều ngày nay, tôi đã đóng tất cả cống rãnh thông ra ngoài để tránh cá bị chết do nước bẩn. Rất may là thời gian này trời còn mưa, còn có nước cho cá sinh sống. Còn mấy vườn sầu riêng thì luôn trong tình trạng báo động. Nước đen đã tràn qua nên tôi rất lo sợ vườn sầu riêng không chịu đựng nổi, chết hết thôi!”, một người khác phụ họa.
Các ngóc ngách con rạch đều bị nhiễm đen.
“Năm ngoái, ao nhà tôi chết hàng loạt cá mè dinh phải vớt lên đem chôn. Tôi phản ánh với cơ sở Sáu Thuộc và được hứa sẽ xuống đền bù, nhưng chờ riết đến hôm nay có thấy ai đâu! Chúng tôi cũng báo với chính quyền xã, họ lập biên bản, thông báo cho cơ sở Sáu Thuộc nhưng đến giờ vẫn chưa có bất kỳ hồi âm nào!”, ông Võ Hữu Hiệp (ngụ tổ 8, ấp 4, xã Tân Thanh) kể.
Thật khó hình dung, cả một vùng rộng lớn của xã Tân Thanh đang bị một cơ sở chế biến trái cây từ xã bạn “đầu độc” suốt một thời gian dài mà không tìm được cách giải quyết. Điều duy nhất có thể lý giải là họ đang bị động vì ở về phía hạ lưu con rạch, trong khi đó cơ sở Sáu Thuộc nằm phía thượng nguồn, lại thuộc địa phương khác – tỉnh Đồng Tháp. Sự phối hợp giải quyết giữa 2 địa phương đến hiện tại mới chỉ mang tính hình thức, đối phó cho qua chuyện, đặc biệt là phía chính quyền xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Các ngóc ngách con rạch đều bị nhiễm đen.
Nỗ lực chỉ một phía
“Ít nhất 2 lần chúng tôi đã gửi công văn cho xã Mỹ Hiệp đề nghị phối hợp giải quyết tình trạng gây ô nhiễm trầm trọng của cơ sở Sáu Thuộc, nhưng dường như họ không muốn giải quyết dứt điểm!”, ông Nguyễn Hồng Thái – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết.
“Mới đây nhất, ngày 7/11/2023, người dân kéo đến UBND xã phản ánh nên chúng tôi đã lập đoàn khảo sát và ghi nhận hiện trường. Sau đó, lãnh đạo xã ký công văn thông báo cho UBND xã Mỹ Hiệp và tờ trình về UBND huyện và Phòng TN&MT Cái Bè về tình trạng xả thải ô nhiễm môi trường của cơ sở Sáu Thuộc, đề nghị có biện pháp xử lý cấp bách. Tuy nhiên, đã một tuần, mọi việc cứ đang tiếp tục trôi đi…”, ông Thái nói thêm.
Các ngóc ngách con rạch đều bị nhiễm đen.
Lật lại hồ sơ vụ việc, chúng tôi cảm thấy rất khó hiểu vì sao từ nhiều tháng, thậm chí gần một năm qua, bất chấp việc người dân phản ánh, xã bạn phát công văn thông báo đề nghị mà chính quyền xã Mỹ Hiệp nói riêng, huyện Cao Lãnh nói chung lại thờ ơ đến vậy?! Cụ thể, ngày 2/3/2023, UBND xã Tân Thanh có Công văn số 52/UBND-NC gửi UBND xã Mỹ Hiệp ghi: “Qua kiểm tra, xác minh nguồn nước hiện tại có màu đen và bốc mùi hôi, thúi, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu và sức khỏe của các hộ dân trong khu vực, gây bức xúc dư luận”, đề nghị UBND xã Mỹ Hiệp báo cáo cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở Sáu Thuộc và sớm khắc phục.
Công văn 52 gửi đi nhưng không được hồi âm nên ngày 16/3/2023, xã Tân Thanh cử cán bộ đến xã Mỹ Hiệp làm việc trực tiếp. Lúc bấy giờ, lãnh đạo xã Mỹ Hiệp cung cấp cho cán bộ xã Tân Thanh Công văn số 330/PTNMT-HC ký ngày 10/3/2023 của Phòng TN&MT huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xem như câu trả lời.
Dòng kênh đặc quánh nước đen.
Tuy nhiên, sau các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng, tình trạng nước thải ô nhiễm từ cơ sở Sáu Thuộc vẫn không biến chuyển, nên ngày 15/5/2023, UBND xã Tân Thanh gửi tờ trình báo cáo UBND huyện Cái Bè và Phòng TN&MT huyện Cái Bè. Sau đó 5 tháng, ngày 13/10/2023, UBND xã Tân Thanh tiếp tục gửi cho 2 cơ quan này tờ trình số 30/TTr-UBND cho biết, ngày 22/9/2023 HĐND xã tiếp xúc cử tri ở ấp 4, xã Tân Thanh, các cử tri tiếp tục có ý kiến đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm kéo dài này.
Và ngày 14/11/2023 mới đây, UBND xã Tân Thanh tiếp tục có Tờ trình số 339/TTr-UBND gửi UBND và Phòng TN&MT huyện Cái Bè về tình trạng trên.
Dòng kênh đặc quánh nước đen.
“Tôi nghe anh em trong đoàn khảo sát, lập biên bản báo lại, người dân vì quá đỗi bức xúc, tức giận nên lên tiếng sẽ góp tiền đắp đập ngăn rạch để chặn đứng dòng chảy nước đen từ bên phía Mỹ Hiệp tràn sang, bảo vệ tài sản và tính mạng của hàng trăm người đang chịu ảnh hưởng của dòng nước đen này”, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Đỗ Trọng Thu tâm sự.
“Về phía chính quyền, dĩ nhiên chúng tôi sẽ không để chuyện này xảy ra, tuy nhiên sự bức xúc về cuộc sống và sinh mạng của họ không thể dùng từ ngữ thông cảm để giải quyết được…”, ông nói thêm.
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Hùng Sơn – Phan Lâm
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Tác nhân gây ô nhiễm: Cơ sở Sáu Thuộc.