Đồng Nai: Vì sao người dân mất quyền sử dụng đất?

Đất của dân khai hoang và sử dụng ổn định trong nhiều năm, nhưng hiện bị người khác chiếm dụng. Việc xin cấp GCNQSDĐ hơn năm 30 qua vẫn chưa được giải quyết.

Ngày 28/5/2020, CQĐD Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh nhận đơn khiếu nại cùng hồ sơ liên quan của các hộ dân: Trần Thị Thành, Lê Thị Mộng Thu, Đặng Thị Vân, Hồ Thị Chức, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Tâm…, thường trú tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Theo các hộ dân này, năm 1975, hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước về phong trào tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới, họ mạnh dạn đưa gia đình đến vùng đất núi rừng hoang sơ Cây Gáo, thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Cuộc sống buổi đầu vô cùng khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Mạng sống của mỗi người còn bị đe dọa bởi những cơn sốt rét, bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc. Họ lấy sức người, dụng cụ lao động thô sơ khai hoang, phá từng miếng đất, vun xới từng ngày mới có được mảnh đất gieo trồng lúa bắp, hoa màu, tạo dựng cuộc sống mới.

Họ là những người dân một thời được vinh danh “những hộ dân tiền phong đến khai hoang canh tác tại Khu Kinh tế mới Cây Gáo, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai kể từ 10/7/1975” (Trích nguyên văn Giấy chứng nhận ngày 12/11/1975 của ông Nguyễn Ngột, do Ban Tiếp đón Khu Kinh tế mới huyện Vĩnh Cửu ký).

Năm 1983, UBND tỉnh Đồng Nai triển khai dự án xây dựng công trình thủy điện Trị An. Việc Ủy ban tỉnh giao đất cho Ban Quản lý công trình thủy điện với diện tích bao nhiêu, người dân hoàn toàn không hay biết. Vào đầu năm 1983, chính quyền địa phương tập trung dân để nghe phổ biến chủ trương chính sách. Tại cuộc họp này, cán bộ thông báo, tỉnh nhà đang triển khai công trình xây dựng nhà máy thủy điện hiện đại, quy mô, nay mai có điện thắp sáng cả vùng, góp phần đáng kể trong việc cải thiện sinh hoạt, nâng cao đời sống cho dân. Trong lúc cả nước đang khó khăn, yêu cầu người dân chung sức chung lòng, hưởng ứng chủ trương trên. Và, đề nghị bà con chịu phần thiệt thòi, giao nhượng phần đất hiện đang canh tác nằm trong phạm vi quy hoạch của công trình cho công ty xây dựng hoàn thành đúng tiến độ.

Trước tin công trình thủy điện sẽ được xây dựng, nay mai người dân sẽ có điện thắp sáng, các hộ dân rất vui mừng, phấn khởi. Và mặc dù mảnh đất mới đã nhiều năm gắn bó với cuộc đời no đói của mình, họ vẫn vui vẻ, động viên nhau đồng loạt chấp hành, gấp rút di dời, giao đất cho dự án.

Năm 1988, công trình thủy điện chính thức đi vào hoạt động, vành đai an toàn, đường bờ bao bảo vệ lòng hồ được hoàn thành, thì hầu hết đất sản xuất của các hộ dân trước đây thực tế hoàn toàn không bị ảnh hưởng, liên quan gì với diện tích quy hoạch công trình như cán bộ phổ biến. Họ cùng nhau trở lại khu đất cũ, định vị thửa đất của mình, những mong tiếp tục canh tác. Nhưng thời gian làm chủ chỉ được mấy ngày thì bị người khác ngăn cản, tranh chấp, nói là đất công trình đã giao cho họ quản lý.

Người dân trình bày khiếu nại của mình tại Văn phòng CQĐD Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh

Theo tìm hiểu, để hợp thức hóa vấn đề giao đất cho cán bộ, năm 1987, UBND xã Cây Gáo lấy lý do “Hưởng ứng kế hoạch phủ xanh đất trồng đồi trọc” và giao phần đất trên của các hộ dân cho cán bộ Ủy ban “buộc” cày cấy và trồng trọt. Còn hướng Tây của Lộ Soklu bấy giờ, UBND thị xã Vĩnh An phân lô cấp cho một số cán bộ làm nhà ở. Dựa vào các văn bản này, một số cán bộ chức quyền đã thu tóm diện tích đất của dân, phân lô, lập bản đồ giải thửa cấp quyền sử dụng cho anh em, con cháu thân thích, còn một số bán cho các hộ dân khác để thu lợi. Rải rác trên phần đất này còn sót lại một số vuông đất còn bỏ trống, các hộ dân nói trên đến canh tác thì bị chính quyền xã, huyện ngăn cấm, cản trở bằng việc sử dụng xe cơ giới đào mương sâu ngăn cách, gây khó khăn cho dân trong việc tiếp cận đất của mình. Có hộ dân bị cưỡng chế, tháo dỡ lều trại, chặt bỏ cây trồng…

Tổng diện tích đất dân bị tước quyền sử dụng không nhỏ, có hộ mất ít nhất là 1.500 m2, có hộ lên đến 8.000 m2. Qua nhiều năm liên tục gửi đơn khiếu nại đòi đất, các hộ dân này không được bất kỳ cơ quan nào giải quyết. Mãi đến năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai gửi công văn số 3721/UBND-NC yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu giải quyết vấn đề khiếu nại xin lại đất của dân, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, có một điều rất lạ là, thay vì giải quyết khiếu nại cho dân thì họ lại cho dân làm đơn, kê khai, lập hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền. Chính quyền thu nhận hồ sơ hẳn hoi và còn làm tin bằng việc cấp biên nhận cho dân. Và trong suốt nhiều năm qua với biên nhận này, niềm hy vọng của dân kéo dài trong mòn mỏi. Từng ngày, dân xót xa nhìn phần đất của mình dần dần mọc lên những nếp nhà mà người khác mua lấy!

Người dân còn cho biết thêm, trong thời gian thi công công trình thủy điện, đất của họ được “ngụy trang” bằng các lán trại, giàn giáo, xe cộ, máy móc. Xong việc, họ rút đi, nhưng trên thực tế, trong nội bộ Ban Lãnh đạo công trình, cán bộ địa phương đã ngầm thâu tóm, phân phát cho nhau. Nhiều công nhân đã được ông Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Thủy Lợi 4 lập văn bản cấp quyền sử dụng đất. Ngoài ra, có một số người núp dưới danh nghĩa công nhân, nhân viên xí nghiệp nhưng thực tế là bà con cán bộ.

Trong số hộ dân này, cũng có trường hợp đất sản xuất giao cho Tập đoàn sản xuất mượn trồng nghệ nhưng thất bại, thay vì trả lại cho dân thì chính quyền lại cấp giấy chủ quyền cho cán bộ, người thân thích. Dân khiếu nại, được mời hòa giải và người chiếm dụng hứa trả nhưng qua nhiều năm vẫn không thấy.

Qua tìm hiểu và nghiên cứu các tài liệu, văn bản có trong hồ sơ, chúng tôi nhận thấy sự vụ có quá nhiều điều mập mờ, khuất tất, có dấu hiện chèn ép, “cấm cửa” người dân… Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại kéo dài cho đến tận ngày nay. Được biết, hiện nay, phần đông số hộ này có hoàn cảnh khó khăn, có người già cả vẫn phải hành nghề chạy xe ôm, bán vé số dạo, làm thuê sống qua ngày, đồng thời cũng có nhiều người đã chết sau mấy mươi năm mỏi mòn đi tìm công lý.

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong những bài viết tới.

                                                                                                             Nhóm PVPL

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Đất khai hoang của dân giờ được phân lô, bán nền.