Người dân ở phía đông Trạm thu phí (TTP) BOT Đồng Thuận tại huyện Trảng Bom đã bị bít lối đi nhiều năm, gây thiệt hại về kinh tế không nhỏ. Sau nhiều lần gửi đơn yêu cầu mở bỏ dải phân cách (DPC) cứng để đi lại nhưng họ bị phía BOT Đồng Thuận từ chối, mặc dù các cơ quan an toàn giao thông (ATGT) nhận định DPC không ảnh hưởng đến ATGT!
Bên trọng, bên khinh!
Trạm thu phí đường tránh Biên Hòa của Công ty CP đầu tư Đồng Thuận (Trạm thu phí BOT Trảng Bom) được xây dựng (XD) từ năm 2015. Mặc dù là TTP cho đường tránh nhưng lại đặt trên Quốc lộ (QL) 1A, ở ranh giới xã Tây Hòa và Trung Hòa. Để có đất XD trạm thu phí BOT Trảng Bom, người dân đã phải giao đất mặt tiền QL1A để làm khu đậu xe thu phí đến gần 500m. Phía đông của trạm, một DPC bằng bê-tông đã bít luôn đường qua lại, kéo dài hơn 300m và tiếp theo bỏ trống hơn 200m.
Vì thế, người dân ở trong khoảng 300m bị kẹt DPC không thể đi về tự do mà phải mua phí 2 lần qua lại trạm thu BOT đường tránh Biên Hòa! Năm 2017, sau phản ứng của người dân địa phương, những người có ôtô chính chủ ở 4 xã gần trạm đã được cho phiếu qua trạm miễn phí nhưng những hộ kinh doanh (KD) lớn nhỏ ở khu vực này thì “chết đứng” vì khách hàng không đến khu vực này!
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều cơ sở KD của người dân địa phương sống gần TTP BOT Trảng Bom buộc phải đóng cửa, dẫn đến phá sản. Điển hình là Cửa hàng nông ngư cơ Phát An của ông Trần Đức Bài có mặt tiền trên QL1A gần 30m phải phá sản vì chẳng có ai đến xem hàng (sau chuyển sang mở sân chơi thú nhún cho trẻ em nhưng cũng không có khách); trại cá giống CP Bàu Cá 2 giảm nhanh lượng khách mua và đang trước nguy cơ phá sản; cửa hàng vật liệu xây dựng, quán cà phê có khuôn viên rộng, ăn theo mặt tiền đường cũng bị bỏ hoang phế… Cửa hàng trang trí nội thất Minh Phúc cũng rất ế ẩm.
Điều đáng nói là trong khi phía đông trạm bị bít bởi hơn 500m DPC thì phía tây của trạm được mở lối qua lại (!). Đó chính là đường đi vào trung tâm điều hành của trạm!
Người dân điêu đứng
Đại diện Cơ sở KD cá giống Bàu Cá 2, ông Lương cho biết: “Đường thì bít lối, xe cộ dồn đống, kẹt xe hàng ngày nên ra vào trại cá cực kỳ khó. Khách đến xem cá phải đi xe máy hay đứng trên 300m đi bộ xuống xem. Chúng tôi là cơ sở cá giống uy tín thương hiệu nhiều năm nhưng không đi lại được thì làm sao khách có thể đến xem cá mà giao dịch?”.
Ông Bài cho biết đã cùng nhiều người dân ở đây ký đơn gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Chi cục Giao thông đường bộ V.2 và cả Cục Giao thông đường bộ phía Nam đề nghị gỡ bỏ một khoảng DPC làm lối đi, quay đầu cho ôtô… Các cơ quan chức năng đều đã nhất trí việc mở lối ở DPC, không ảnh hưởng đến ATGT và tạo điều kiện an sinh xã hội, nhưng TTP BOT Trảng Bom vẫn phớt lờ!
“Trước đây, vì tin lời hứa tạo cơ hội làm ăn cho người dân địa phương nên chúng tôi nhận đền bù rẻ mạt để giao mặt bằng (90.000 đồng/m2). Thế nhưng, gần 7 năm qua, phía đông của TTP lại bị phân chia đường bằng DPC cứng, các phương tiện ôtô muốn ghé vào nhà chúng tôi đều phải mua 2 lần phí BOT cho đường tránh Biên Hòa. Việc KD sinh sống của các hộ phía đông chúng tôi vì thế bị ảnh hưởng hàng loạt. Chúng tôi đã gởi đơn khắp nơi nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết!”, ông Bài bức xúc.
Họp giải quyết cũng… như không!
Tháng 10-2019, cơ quan chức năng đã tổ chức họp giải quyết. Trong “văn bản kiểm tra hiện trường” ngày 31-10-2019, các cơ quan chuyên môn gồm Chi cục 4.2 Cục Quản lý đường bộ 4, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, Phòng CSGT – Công an tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Trảng Bom, UBND xã Trung Hòa và đại diện Công ty CP đầu tư Đồng Thuận đã họp với những hộ khiếu nại tại xã Trung Hòa.
Theo biên bản, 5 cơ quan đại diện cho ngành giao thông, công an và chính quyền đều đồng ý theo nguyện vọng của người dân là mở DPC cứng, tuy nhiên đại diện Công ty CP đầu tư Đồng Thuận là ông Nguyễn Khắc Phong không đồng ý. Biên bản ghi ý kiến của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai: “Đề nghị xem xét thu hẹp đoạn mở từ Km 1841+284 đến Km 1841+500 và kiến nghị mở từ khoảng DPC 1841+720 đến Km 1841+758 để bảo đảm an sinh xã hội”. Các cơ quan chính quyền và công an cũng thống nhất với ý kiến này.
Mặc dù vậy nhưng từ 2 năm qua, các khối bê-tông vẫn nằm yên! Người dân bày tỏ: “Chúng tôi vẫn liên tiếp yêu cầu gỡ bỏ các khối bê-tông tạo lối đi cho chúng tôi làm ăn sinh sống qua đơn thư và tiếp xúc cử tri, nhưng cơ quan chức năng vẫn im lặng! Chính Chi cục trưởng Cục V.2 (qua đời năm 2021) đã gửi cho chúng tôi văn bản của chi cục, đề nghị Cục Giao thông đường bộ miền Nam mở bỏ DPC này, nhưng cho đến nay tất cả vẫn rơi vào im lặng!”.
Phùng Hiệu – Nguyễn Lộc – Báo CA TP.HCM
Theo Công An TP.HCM
Ảnh: Các cơ sở kinh doanh nguy cơ phá sản vì dải phân cách.
Xem bài viết gốc tại đây: